A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 275
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm bảy mươi lăm:
(Sao) Hựu nan hành năng hành, do vị hy hữu, thậm nan hành giả, nhi năng hành chi, thử thành giá cổ dật kim, siêu hiền việt thánh, thiên thượng, thiên hạ, trác nhiên độc thiện, nhi vô dữ đẳng liệt giả dã, cố vân hy hữu.
(鈔)又難行能行,猶未希有,甚難行者而能行之,此誠駕古軼今,超賢越聖,天上天下,卓然獨擅,而無與等埒者也,故云希有。
(Sao: Lại nữa, khó làm mà có thể làm, vẫn chưa phải là hy hữu. Đối với chuyện rất khó làm mà có thể làm, đúng là trỗi xưa vượt nay, vượt hiền, trỗi thánh, trên trời, dưới đất, riêng tốt lành lỗi lạc, chẳng có gì có thể sánh cùng. Vì thế nói là “hy hữu”).
Đây là giải thích câu “thậm nan hy hữu” trong lời Sớ. Liên Trì đại sư đã vì chúng ta kể ra hai điều khó:
1) Thứ nhất là trong đời ác Ngũ Trược, thành Phật khó khăn.
2) Thứ hai là hoằng dương pháp môn này trong cõi đời trược ác khó lắm. Pháp này được gọi là “pháp khó tin”.
Trong đoạn trước, đã giới thiệu điều này. Trong đoạn sau, bèn nói “điều khó làm mà có thể làm được” vẫn chưa đáng kể là hy hữu. “Hy hữu” là [nói tới] chuyện rất khó thực hiện. Điều rất khó thực hiện mà có thể làm được; đấy mới là thật sự hy hữu! Liên Trì đại sư nói lời này, chúng ta suy nghĩ kỹ càng, [sẽ thấy] Ngài nói xác thực là chẳng quá lố! Hiện thời, khoa học khá tiến bộ, các nhà khảo cổ và sử gia đều hiểu rõ: Trên địa cầu này, từ xưa đến nay, chỉ thấy có một người thành Phật, chẳng thấy vị thứ hai, xác thực là khó khăn! Chúng ta có thể tiếp nhận và tin tưởng điều này, nhưng đối với điều thứ hai, tức là “nói pháp khó tin này cũng khó khăn ngần ấy”, chúng ta nghe xong có lẽ cũng hoài nghi. Vì sao? Cổ Ấn Độ, chúng ta chẳng bàn tới, chỉ nói [kể từ khi] Phật pháp truyền sang Trung Hoa. Theo lịch sử ghi chép, Phật pháp được chánh thức truyền sang Trung Hoa nhằm năm Vĩnh Bình thứ mười, đời Hậu Hán, tức là năm 67 Công Nguyên, đã có lịch sử gần hai ngàn năm. Kể từ thời Đông Tấn, Huệ Viễn đại sư kiến lập Niệm Phật Đường đầu tiên ở Trung Hoa tại Lư Sơn, đề xướng nương theo kinh Vô Lượng Thọ để chuyên tu Tịnh nghiệp. Thuở đó, đối với ba kinh Tịnh Độ, chỉ có kinh Vô Lượng Thọ được dịch sang tiếng Hán, chứ kinh Di Đà và Quán Kinh vẫn chưa được phiên dịch. Thời ấy, Tịnh Độ Tông chỉ có một bộ kinh Vô Lượng Thọ, Lư Sơn Liên Xã căn cứ vào kinh Vô Lượng Thọ mà kiến lập.
Từ sau thời Viễn Công, trong hơn một ngàn năm, có thể nói là Tịnh Tông Trung Hoa khá hưng thịnh, không kém Thiền Tông. Cớ sao bảo là “pháp khó tin”? Nói thật ra, chúng ta có duyên quá thù thắng, những người chúng ta tiếp xúc đều là người niệm Phật. Vì thế, thấy pháp môn Niệm Phật này dường như chẳng khó, người niệm Phật đông lắm mà! Nếu lắng lòng quan sát kỹ, quý vị sẽ cảm thấy chẳng phải vậy! Pháp môn này xác thực là khó tin! Luận định theo dân cư trên cả thế giới, người gặp gỡ Phật pháp có thể chiếm mấy phần? Tỷ lệ quá thấp! Trong những người tiếp xúc Phật pháp, lại có mấy phần được nghe pháp môn Tịnh Độ? Trong những người nghe pháp môn Tịnh Độ, lại có mấy phần thật sự liễu giải Tịnh Tông? Cứ loại trừ từng tầng một như vậy, đúng là còn sót lại chẳng được mấy người. Chúng ta mới biết đức Phật nói “pháp môn này khó tin, khó nói”, xác thực là có đạo lý. Đoạn này nhằm nói rõ chuyện này!
(Sớ) Sa Bà thử vân Kham Nhẫn, nhất vân Nhẫn giới.
(疏)娑婆此云堪忍,一云忍界。
(Sớ: “Sa Bà” cõi này dịch là Kham Nhẫn, một cách dịch khác là “Nhẫn Giới”).
“Sa Bà” (Sahā-lokadhātu) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Kham Nhẫn. “Kham” (堪) nghĩa là có thể chịu đựng, có ý nghĩa là thế giới này bất hảo, [thế mà] người sống trong thế giới này có thể chịu đựng, có thể hứng chịu [sự bất hảo ấy]. Kham Nhẫn có ý nghĩa ấy. Vì thế, cũng gọi là Nhẫn Giới, Giới (界) tức là thế giới này.
(Sớ) Tức Thích Ca Thế Tôn sở chủ đại thiên thế giới dã.
(疏)即釋迦世尊所主大千世界也。
(Sớ: Tức là đại thiên thế giới nơi đức Thích Ca Thế Tôn làm chủ).
Thích Ca Mâu Ni Phật thật sự chẳng thể nghĩ bàn, thật sự hết sức khó có! Ngài đến thị hiện thành Phật trong thế giới này để hoằng pháp độ sanh.
(Sớ) Ngũ Trược giả, dĩ ngũ sự giao nhiễu, hồn trược chân tánh, cố danh ác thế.