/ 289
405

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 276

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm bảy mươi bảy:

 

(Sao) Tam, Giới Thủ, vị phi nhân kế nhân, tu chư khổ hạnh, nhi khởi thủ trước ngã năng trì giới chi kiến.

(Diễn) Phi nhân kế nhân giả, phi Niết Bàn nhân, kế dĩ vi nhân, hoặc bạt phát, huân tỵ, ngọa cức, đầu hôi, hoặc trì ngưu, cẩu đẳng giới, chủng chủng vô ích khổ hạnh.

(鈔)三、戒取,謂非因計因,修諸苦行,而起取著我能持戒之見。

(演)非因計因者。非涅槃因。計以為因。或拔髮熏鼻臥棘投灰。或持牛狗等戒。種種無益苦行。

(Sao: Ba là Giới Thủ (Śīla-vrata-parāmarśa), nghĩa là chẳng phải nhân mà coi là nhân, tu các khổ hạnh, dấy lên kiến giải chấp trước “ta có thể trì giới”.

Diễn: “Chẳng phải nhân mà coi là nhân”: Chẳng phải là cái nhân của Niết Bàn mà coi là nhân, [ví như ngoại đạo Ấn Độ] nhổ tóc, xông khói vào mũi, nằm trên gai, vùi mình vào tro, hoặc giữ giới của trâu, chó v.v… các thứ khổ hạnh vô ích).

 

  Đây là loại thứ ba trong Kiến Hoặc, nay chúng ta gọi Giới Thủ và Kiến Thủ là “thành kiến”, đấy cũng là quan niệm chủ quan, đều thuộc về loại này. “Phi nhân kế nhân” [nghĩa là] chẳng phải là nhân tố thật sự, nhưng người ấy chấp trước nó là nhân. Tu nhân, đương nhiên có thể chứng quả, người ấy đã nhìn sai cái nhân. Đối với chuyện thuộc loại như thế này, trong kinh, đức Phật đã nêu ra một thí dụ rất hay. Từ thí dụ ấy, chúng ta hiểu rõ loại kiến giải sai lầm này, có thể lý giải kiến giải sai lầm ấy rõ ràng hơn một chút. Thuở đức Phật tại thế, Ấn Độ thuở ấy có chẳng ít ngoại đạo, nay chúng ta nói là “tôn giáo”. Họ tu Định, có những người xác thực là có công phu định lực rất tốt. Chư vị phải biết, đối với những công phu định lực ấy, cảnh giới trong Định cũng thuộc về cảnh giới Hiện Lượng, do họ chính mắt trông thấy. Họ thấy sau khi trâu chết, linh hồn của nó sanh lên cõi trời. Do vậy, trong tâm những người ngoại đạo ấy bèn nghĩ: Người chết phải đọa trong ba ác đạo, trâu đã chết bèn sanh lên trời. Người ấy bèn nghĩ người chẳng bằng trâu! Trâu suốt một đời làm những gì? Trâu thay người cày ruộng, ăn cỏ xanh, người ấy bèn nghĩ: Muốn sanh lên trời thì phải học theo trâu, giúp nông dân cày ruộng, ăn cỏ ở bên ngoài. Cứ ngỡ là học theo trâu thì trong tương lai sẽ có thể sanh lên trời! Cái nhân để sanh lên trời tuyệt đối chẳng phải là do ăn cỏ, cày ruộng. Họ nẩy sanh chấp trước sai lầm nơi ấy, ngỡ đó là cái nhân để sanh lên cõi trời, bèn tu loại khổ hạnh theo kiểu như vậy.

Đức Phật bảo chúng ta: Sanh lên trời thì phải tu Thập Thiện Nghiệp Đạo. Vì sao trâu đã chết có thể sanh lên trời? Con trâu ấy đời này thuộc về súc sanh đạo, kiếp trước do ngu si nên đọa lạc làm súc sanh. Làm trâu suốt một đời này, chẳng tạo ác nghiệp, chỉ là hứng chịu quả báo. Sau khi chịu hết quả báo, do nó kiếp trước còn có nhân lành, tức là cái nhân do nó tu Thập Thiện Nghiệp Đạo trong đời trước đã chín muồi. Nó do cái nhân ấy mà sanh lên cõi trời, tuyệt đối chẳng phải là do nó làm trâu mà có thể sanh thiên. Đấy chính là đã hiểu sai bét cái nhân. “Phi nhân” (非因) có nghĩa là chẳng phải do nhân duyên ấy, nhưng quý vị so đo, chấp trước, cho đó là nhân duyên. Đó là kiến giải sai lầm, quý vị đã nhìn sai mất rồi!

  Nói theo Phật pháp, “nhân quả thông ba đời”. Quả báo cũng có ba thứ:

1) Có hiện báo, tức là hứng chịu quả báo ngay trong một đời này. Đối với hiện báo, bất luận làm thiện hay làm ác, thiện có thiện báo, ác có ác báo. Đại khái là khởi tâm động niệm tạo tác thiện hay ác đều hết sức mãnh liệt. Cái tâm ấy rất mạnh, đời này liền cảm vời quả báo. Có nhiều đồng tu đã đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, [đều biết] tiên sinh Liễu Phàm nghe Vân Cốc đại sư khuyên dạy, ông ta hiểu rõ, biết vận mạng có thể chuyển biến. Do vậy, nghiêm túc nỗ lực đoạn ác tu thiện, lại còn cả nhà đều hành thiện. Sức mạnh của việc làm lành rất lớn, chẳng cần chờ đến đời sau, đạt được hảo báo ngay trong đời này. Từ Liễu Phàm Tứ Huấn, chúng ta thấy được điều này.

2) Nếu quả báo không thuộc đời này, nhất định thuộc về đời sau. Do nhân lành, đời sau nhất định đắc thiện quả; do nhân ác, đời sau nhất định cảm ác báo.

3) Nếu đời sau chưa thọ báo, nhất định là trong đời sau nữa. “Đời sau nữa” tức là đời thứ ba trở đi, không nhất định là trong đời nào.

Nhân nhất định phải có duyên thì mới có thể kết thành quả. Vì thế, đối với nhân, duyên, quả báo, duyên rất trọng yếu. Phật pháp không nói “nhân sanh” mà nói “duyên sanh”. Bất luận kinh điển Đại Thừa hay Tiểu Thừa đều nói “duyên sanh”, Phật pháp coi trọng cái duyên. Vì sao không nói “nhân sanh”? Nhân đã gieo, chẳng có cách nào thay đổi. Không chỉ là chúng ta chẳng có cách nào thay đổi, mà chư Phật, Bồ Tát cũng chẳng thể nào thay đổi được! Mỗi người chúng ta, mỗi chúng sanh đều có trọn đủ các nhân trong mười pháp giới. Hôm nay, chúng ta từ sáng thức dậy, tâm địa rất thanh tịnh, chắp tay niệm một câu A Di Đà Phật. Đó là cái nhân của Phật pháp giới, đã gieo cái nhân ấy. Thấy hết thảy chúng sanh rất đáng thương, khởi tâm bố thí, đó là tâm Bồ Tát. Vì thế, chúng ta mỗi ngày khởi tâm động niệm, ngôn ngữ, tạo tác, đều là tạo nhân trong mười pháp giới. Những cái nhân ấy, nhân nào sẽ cảm vời quả báo? Tùy thuộc cái duyên. Nhân nào gặp duyên, sẽ cảm vời quả báo trước. Chúng ta có thể khống chế duyên, chứ đối với nhân thì chẳng có cách nào. Có thể khống chế duyên thì nói cách khác, có thể tự mình khống chế quả báo.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289