/ 289
327

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 274

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm bảy mươi hai.

 

  Tứ, hỗ chương nan sự linh thiết cảm phát.

  四、互彰難事令切感發。

  (Bốn, [đức Phật Thích Ca và chư Phật tán thán lẫn nhau] hòng lần lượt phơi bày sự khó khăn để phát khởi sự cảm kích thiết tha).

 

  Đối với đoạn kinh văn tiếp theo, Liên Trì đại sư đã đặt một tiểu đề mục là “hỗ chương nan sự linh thiết cảm phát”, “chương” (彰) có nghĩa là “chương minh” (彰明: sáng tỏ), rõ rệt. Chư Phật tán thán lẫn nhau, phơi bày sự thật này rất rõ ràng, rất minh bạch, khiến cho thính chúng sau khi nghe xong sẽ cảm động sâu xa, phát nguyện cầu sanh Tịnh Độ. Đề mục này có ý nghĩa ấy.

 

  (Kinh) Xá Lợi Phất! Như ngã kim giả, xưng tán chư Phật bất khả tư nghị công đức.

  (經)舍利弗。如我今者。稱讚諸佛不可思議功德。

  (Kinh: Này Xá Lợi Phất! Như ta nay xưng tán công đức chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật).

 

  Đức Thế Tôn gọi ngài Xá Lợi Phất. Hễ gọi tên Ngài thì đoạn kinh văn tiếp đó sẽ hết sức trọng yếu, [gọi tên] nhằm nhắc nhở Ngài chú ý. “Như ngã kim giả” (Như ta nay), “ngã” (我) là Thích Ca Mâu Ni Phật tự xưng, “kim” (今) là hiện tại, là khi đức Phật giảng kinh Di Đà. Giảng kinh Di Đà là tán thán A Di Đà Phật, “xưng tán chư Phật bất khả tư nghị công đức” (ca ngợi công đức chẳng thể nghĩ bàn của chư Phật) giảng kinh Vô Lượng Thọ, giảng kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Ba kinh ấy chuyên môn tán thán vô lượng vô biên công đức của A Di Đà Phật, chuyên môn tán thán y báo và chánh báo trang nghiêm trong Tây Phương Cực Lạc thế giới. Ở đây, nói “xưng tán chư Phật” mà chẳng nói “xưng tán A Di Đà Phật”, La Thập đại sư dịch như vậy. La Thập đại sư dịch kinh theo lối dịch ý, chẳng phải là trực dịch. Huyền Trang đại sư dịch theo lối “trực dịch” (直譯), [nghĩa là] chiếu theo sát nguyên văn tiếng Phạn để dịch từng câu một. Nguyên văn tiếng Phạn chẳng phải là “xưng tán chư Phật” mà là “xưng tán Vô Lượng Thọ Phật”.

 

  (Sớ) Đường dịch đản vân.

  (疏)唐譯但云。

  (Sớ: Bản dịch đời Đường chỉ nói).

 

  “Đường dịch” là bản dịch của Huyền Trang đại sư.

 

  (Sớ) Như ngã kim giả, xưng dương tán thán Vô Lượng Thọ Phật.

  (疏)如我今者,稱揚讚歎無量壽佛。

  (Sớ: Như ta nay ca ngợi, tuyên dương, tán thán Vô Lượng Thọ Phật).

 

  Hợp hai bản dịch lại để xem, ý nghĩa bèn hết sức rõ ràng. Nguyên lai, La Thập đại sư nói “chư Phật” chính là A Di Đà Phật, Vô Lượng Thọ Phật là A Di Đà Phật. Vì sao nguyên văn là A Di Đà Phật, La Thập đại sư lại dịch thành “chư Phật”?

  (Sớ) Thử ngôn xưng tán chư Phật, Cổ Nhai vân: “Dĩ Di Đà chư Phật, đồng nhất Pháp Thân cố”.

  (疏)此言稱讚諸佛,古崖云:以彌陀諸佛,同一法身故。

(Sớ: Ở đây nói “khen ngợi chư Phật”: Ngài Cổ Nhai nói: “Do Phật Di Đà và chư Phật có cùng một Pháp Thân”).

 

  Nói cách khác, Di Đà là chư Phật, chư Phật là Di Đà, rất chẳng thể nghĩ bàn! Công đức chẳng thể nghĩ bàn, ý nghĩa được bao hàm trong ấy hết sức phong phú, ý vị sâu xa!

 

  (Sao) Đồng nhất Pháp Thân giả, như Hoa Nghiêm tụng vân: “Thập phương chư Như Lai, đồng cộng nhất Pháp Thân, nhất thân, nhất trí huệ, lực, vô úy diệc nhiên”.

  (鈔)同一法身者,如華嚴頌云:十方諸如來,同共一法身,一身一智慧,力無畏亦然。

(Sao: “Cùng một Pháp Thân”: Như trong kinh Hoa Nghiêm có bài kệ rằng: “Mười phương chư Như Lai, cùng chung một Pháp Thân, một thân, một trí huệ, lực, vô úy cũng vậy”).

 

  Trong Phật môn thường nói “Phật Phật đạo đồng”, rốt cuộc là thật sự tương đồng? Hay là đôi bên rất tiếp cận? “Tiếp cận” thì chẳng phải là hoàn toàn tương đồng. Chúng ta đọc ba kinh Tịnh Độ, đọc kinh luận Đại Thừa, sau đó mới hiểu rõ: Thật sự tương đồng, hoàn toàn giống nhau. Không chỉ là Phật Phật đạo đồng, mà Phật và hết thảy chúng sanh trong mười pháp giới, chẳng một ai bất đồng. Điều đó chính là như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Tình dữ vô tình, đồng viên mãn Chủng Trí” (Tình và vô tình cùng viên mãn Chủng Trí), “đồng” ở đây là “đồng” với Phật, chẳng phải là “đồng” với ai khác! “Tình” (情) là nói tới hữu tình chúng sanh trong chín pháp giới, “vô tình” (無情) là y báo trang nghiêm trong chín pháp giới, hoàn toàn cùng Phật tương đồng, nhưng trong cảnh giới của chúng ta, cảm giác hoàn toàn bất tương đồng. Không chỉ là bất đồng với Phật, mà giữa mỗi người chúng ta, Giáp và Ất bất đồng. Ất và Bính cũng bất đồng. Nhưng trong cái nhìn của chư Phật Như Lai, các Ngài thấy hoàn toàn như nhau, chúng ta thấy bất đồng, nguyên nhân rốt cuộc là ở chỗ nào? Vì chúng ta sử dụng cái tâm bất đồng, [cho nên] thấy hết thảy cảnh giới đều bất đồng. Tâm bất đồng là gì? Là cái tâm sanh diệt, sanh diệt là vọng niệm. Tâm chúng ta là vọng tưởng, tạp niệm, sanh diệt và khởi diệt chẳng ngừng trong từng sát-na. Tâm Phật là định, là thanh tịnh, chẳng có hiện tượng sanh diệt. Điều này cho thấy: Dùng cái tâm bất sanh bất diệt để nhìn cảnh giới bên ngoài, tất cả hết thảy cảnh giới đều là bất sanh bất diệt, đều tương đồng. Dùng cái tâm sanh diệt để nhìn Phật, Phật cũng là sanh diệt; do vậy, bất đồng! Đó là chân tướng sự thật. Do hết thảy chư Phật Như Lai có cùng một Pháp Thân, cho nên “một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”. Kinh Hoa Nghiêm đã nói chân tướng sự thật này minh bạch và triệt để nhất. Đã là như vậy, chúng ta tùy tiện lạy bất cứ vị Phật nào chẳng phải là đều có thể được ư? Đúng vậy! Bất cứ vị Phật nào, bất cứ vị Bồ Tát nào cũng đều hoàn toàn tương đồng. Lý như thế, mà Sự cũng như thế. Nhưng bí quyết tu học chỉ có một, quyết định chẳng thể trái nghịch, tức là phải chuyên tinh! Bất luận tu học pháp môn nào, pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp, quý vị chỉ có thể học một pháp môn, chẳng thể học rất nhiều pháp môn. Học rất nhiều pháp môn, quý vị sẽ tạp, sẽ loạn, chẳng nhất. Quý ở chỗ “nhất”! “Nhất” là chuyên nhất, [hễ chuyên nhất], quý vị bèn có thành tựu.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289