/ 289
403

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 272


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm sáu mươi bảy:


(Sớ) Hựu tín tức tâm tịnh, như Duy Thức thuyết.

(Sao) Thành Duy Thức Luận vân: “Tín giả, vị ư thật, đức, năng, thâm nhẫn lạc dục, tâm tịnh vi tánh. Hà ngôn tâm tịnh? Dĩ tâm thắng cố, như thủy thanh châu, năng thanh trược thủy. Hựu chư nhiễm pháp, các tự hữu tướng. Duy hữu bất tín, tự tướng hồn trược, phục năng hồn trược dư tâm, tâm sở, như cực uế vật, tự uế, uế tha. Tín chánh phiên bỉ, cố tịnh vi tướng”. Kim tu Tịnh Độ, chủ hồ tâm tịnh. Tín vi cấp vụ, minh diệc thậm hỹ!

(疏)又信即心淨,如唯識說。

(鈔)成唯識論云:信者,謂於實德能,深忍樂欲,心淨為性。何言心淨,以心勝故,如水清珠,能清濁水。又諸染法,各自有相,唯有不信,自相渾濁,復能渾濁餘心心所,如極穢物,自穢穢他。信正翻彼,故淨為相。今修淨土,主乎心淨。信為急務,明亦甚矣。

(Sớ: Tín lại chính là tâm tịnh như Duy Thức đã nói.

Sao: Thành Duy Thức Luận[1] viết: “Tín là nói tới đức, năng, thật, thâm nhẫn, thâm lạc, thâm dục, tâm tịnh là tánh”. Vì sao nói là tâm tịnh? Do tâm thù thắng vậy. Giống như thủy thanh châu có thể lắng trong nước đục. Lại nữa, các pháp ô nhiễm, mỗi pháp đều có tướng riêng. Chỉ có bất tín là tướng của chính nó vẩn đục, lại còn có thể làm vẩn đục các tâm và tâm sở khác, giống như một vật tột cùng ô uế, chính nó đã ô uế, lại còn làm các vật khác bị ô uế lây. Do Tín có thể thay đổi tướng ấy (tướng dơ bẩn vì bất tín) nên lấy tịnh làm tướng”. Nay tu Tịnh Độ thì lấy tâm tịnh làm điều chủ yếu. Tín là việc cấp bách cũng đã rõ rành rành).


Đây là đại sư rát miệng buốt lòng khuyên bảo, chẳng ngại tốn công dẫn kinh trích điển, nhằm bảo rõ cùng chúng ta: “Tín là trọng yếu”. Có rất nhiều đồng tu niệm Phật thường nói: “Tôi niệm Phật rất lâu, tâm vẫn chẳng thanh tịnh, vẫn chẳng thể đạt được hiệu quả”. Nay chúng ta đọc đoạn kinh văn này, hãy nên hiểu rõ câu trả lời. Niệm Phật chẳng đạt được hiệu quả thật sự, vẫn là do tín tâm chẳng đủ. Chúng ta thường nói là “công phu chẳng đủ”, công phu là gì? Tín, Nguyện, Hạnh gọi là công phu. Ba điều này khuyết một thì trên thực tế, hiệu quả sẽ rất khó thành tựu. Nếu có thể trong một thời gian ngắn ngủi mà đạt được hiệu quả thù thắng nhất, chỉ có một phương pháp là y giáo phụng hành. Đối với những phương pháp do đức Phật đã dạy trong kinh, chúng ta phải nghiêm túc thực hiện. Ở đây, đại sư nói rất hay: “Tín tức tâm tịnh”, [nghĩa là] Tín là tâm địa thanh tịnh. “Tín tâm thanh tịnh, tắc sanh Thật Tướng” (Tín tâm thanh tịnh bèn sanh Thật Tướng), đức Phật đã nói điều này trong kinh Kim Cang. Có thể thấy tín tâm xác thực là như kinh Hoa Nghiêm đã nói: “Tín là nguồn đạo, mẹ công đức”, lời này là thật. Đại sư trích dẫn một đoạn trong Thành Duy Thức Luận nhằm chỉ rõ câu nói ấy (“Tín tức tâm tịnh”) là có căn cứ, chẳng phải là nói tùy tiện. Thành Duy Thức Luận có nói: “Tín giả, ư thật đức năng” (Tín là đối với thật, đức, năng), thuộc trong ba chuyện ấy, tức là Thật, Đức và Năng. “Thâm nhẫn lạc dục”: Thâm nhẫn, thâm lạc, thâm dục. Hiểu ý nghĩa của sáu chữ “thật, đức, năng, nhẫn, lạc, dục”, sẽ tự nhiên hiểu [ý nghĩa của] đoạn trích từ bộ luận ấy.


(Diễn) Ư thật đức năng, thâm nhẫn lạc dục giả, vị: Ư Thật tắc thâm nhẫn, ư Đức tắc thâm lạc, ư Năng tắc thâm dục dã.

(演)於實德能,深忍樂欲者,謂於實則深忍,於德則深樂,於能則深欲也。

(Diễn: “Đối với thật, đức, năng, thâm nhẫn, thâm lạc, thâm dục”: Ý nói đối với Thật bèn nhẫn sâu xa, đối với Đức bèn vui thích sâu xa, đối với Năng bèn ưa muốn sâu xa).


Chữ Thâm (深) xuyên suốt cả ba chữ [nhẫn, dục, lạc].


(Diễn) Bát Thức Quy Củ vân: “Thâm nhẫn giả, ư chư pháp thật sự, thật lý, thâm tín minh khế, nhẫn khả ư tâm, bất vị hư vọng sự lý chi sở chuyển cố.

(演)八識規矩云:深忍者,於諸法實事實理,深信冥契,忍可於心,不為虛妄事理之所轉故。

(Diễn: Bát Thức Quy Củ[2] nói: “Thâm nhẫn là đối với thật sự và thật lý của các pháp, tin sâu, ngầm khế hợp, tâm thừa nhận, khẳng định, chẳng bị xoay chuyển bởi sự lý hư vọng”).

/ 289