/ 289
345

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 271

 

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm sáu mươi lăm:

 

  (Kinh) Thị cố Xá Lợi Phất, nhữ đẳng giai đương tín thọ ngã ngữ, cập chư Phật sở thuyết.

    (Sớ) Giai đương tín thọ, thị vi đệ tam trùng khuyến.

  (經)是故舍利弗。汝等皆當信受我語。及諸佛所說。

   (疏)皆當信受,是為第三重勸。

(Kinh: Do vậy, này Xá Lợi Phất! Các ông hãy đều nên tin nhận lời ta và lời chư Phật đã nói.

  Sớ: “Đều nên tin nhận” là khuyên lần thứ ba).

 

  Trong hội này, đức Phật khuyên chúng ta tin tưởng lời đức Phật đã nói. Đây là lần thứ ba, trong phần sau sẽ còn có một lần nữa. Bốn lần khuyên lơn, khích lệ, thật sự tỏ rõ lòng đại từ đại bi của đức Phật, thật sự rát miệng buốt lòng [khuyên nhủ]. Chúng ta là đệ tử Phật, phải giống như Thiện Đạo đại sư đã dạy bảo trong [phần chú giải] chương Thượng Phẩm Thượng Sanh [của Quán Kinh]: Quyết định phải tin tưởng lời đức Phật dạy. Ngoài đức Phật ra, đối với những vị thiện tri thức được xã hội thế gian công nhận, hoặc là bậc A La Hán, Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát đã tu hành chứng quả, cho đến bậc Địa Thượng Bồ Tát, thậm chí Đẳng Giác Bồ Tát vì chúng ta thuyết pháp, nếu những gì các Ngài đã nói chẳng giống [những điều được dạy trong] ba kinh Tịnh Độ, chúng ta đều có thể chẳng cần tiếp nhận, đều có thể chẳng cần tin tưởng. Nhất định phải tin lời đức Phật thì chúng ta mới thật sự đắc độ trong một đời này.

Nếu chẳng tin lời Phật dạy, cứ tin lời chỉ dạy chẳng tương ứng của các vị từ hàng Bồ Tát trở xuống, quý vị sẽ gặp ma. Cớ sao nói là “gặp ma”? Ma chướng ngại quý vị chẳng thể vãng sanh trong một đời này, ma hy vọng quý vị đời đời kiếp kiếp đều phải luân hồi trong lục đạo. Đấy là ma đến gây chướng ngại, thử thách quý vị. Chúng ta ắt phải hiểu rõ chuyện này, quyết định phải tin tưởng lời đức Phật dạy. Ở đây, đức Thế Tôn nói hết sức hay, phải tin tưởng “ngã ngữ”, [tức là tin vào] lời dạy của Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. “Cập chư Phật sở thuyết” (Và lời nói của chư Phật), tức là sáu phương Phật khác miệng cùng tiếng tán thán lời dạy của Thích Ca Mâu Ni Phật, nhằm chứng minh cho Thích Ca Mâu Ni Phật: Những điều Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói hoàn toàn là chân tướng sự thật.

 

  (Sớ) Hữu phán thử xứ tức thuộc Lưu Thông, kim nhưng thuộc Chánh Tông, dĩ thừa thượng văn, chánh miễn tín thọ, linh vãng sanh cố. Tiền văn nhị giai khuyến nguyện, kim phục khuyến tín.

  (疏)有判此處即屬流通,今仍屬正宗,以承上文,正勉信受,令往生故。前文二皆勸願,今復勸信。

(Sớ: Có người phán định chỗ này thuộc về phần Lưu Thông, nay tôi phán định [phần kinh văn này] vẫn thuộc về phần Chánh Tông, do nó tiếp nối phần kinh văn trước đó, chính là để khuyên lơn [người nghe] hãy tin nhận hòng được vãng sanh. Hai lần khuyên trong những phần kinh văn trước nhằm khuyên nguyện, nay [trong phần kinh văn này] lại khuyên tin).

 

Hai lần trước nhằm khuyên lơn chúng ta “ưng đương phát nguyện, sanh bỉ quốc độ” (hãy nên phát nguyện, sanh vào cõi nước ấy). Ở chỗ này là khuyến tín, tức là lần thứ ba: “Giai đương tín thọ ngã ngữ, cập chư Phật sở thuyết” (Đều nên tin nhận lời ta và lời chư Phật đã nói). Nói thật ra, thật sự có thể tin thì phước báo và trí huệ đúng là vô lượng vô biên, chẳng có cách nào có thể xưng nói, kinh văn đã chép rõ điều này!

Từ xưa tới nay, các đại đức bên Giáo Hạ phán định kinh điển, đối với cách chia đoạn trong bộ kinh này, mỗi vị phân đoạn khác nhau. Có vị cổ đức phán định phần này thuộc về phần Lưu Thông của kinh A Di Đà, Liên Trì đại sư vẫn y như cũ, coi đoạn kinh văn này thuộc về phần Chánh Tông, Ngài có cách phán định khác với cổ nhân. Sau thời Liên Trì đại sư, trong Di Đà Kinh Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư phán định phần sáu phương Phật thuộc vào phần Lưu Thông, cách phán định cũng khác Liên Trì đại sư. Thậm chí cách phán định của Ngài cũng chẳng giống cách phân đoạn của các vị đại đức từ xưa tới nay; nhưng Ngẫu Ích đại sư cũng giải thích rất thỏa đáng, chúng ta nghe xong cũng [cảm thấy] rất hợp tình, hợp lý. Cách phán định như thế nào, [tùy thuộc] “người nhân thấy là nhân, người trí thấy là trí”. Điều quan trọng là chúng ta phải nương theo kinh văn, còn đối với cách phân khoa, phán giáo và những chỉ dạy của tổ sư đều dùng để tham khảo, [đừng chấp trước vào những thuyết đó]. Trong Tứ Y Pháp, [đức Phật] dạy chúng ta: “Y pháp, bất y nhân”. Kinh là “pháp” do đức Phật nói, là chỗ nương cậy duy nhất cho chúng ta. Những lời giải thích của các vị từ bậc Đẳng Giác Bồ Tát trở xuống đều là “nhân”, hễ tương ứng với những điều đã dạy trong kinh thì chúng ta chọn lấy; chẳng tương ứng, chúng ta chẳng chọn. Đó là nguyên tắc tu học do Thiện Đạo đại sư đã dạy chúng ta.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289