/ 289
459

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 270

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm sáu mươi hai:

 

  (Sao) Lương dĩ xuẩn động hàm linh giai hữu Phật Tánh, tắc Bồ Đề giả. Phật dữ chúng sanh bổn lai vô nhị, vô minh sở phú, toại thành mê vọng, thị tắc tà giác, bất danh vi Chánh.

  (Diễn) Lương dĩ hạ xuất thượng sở dĩ. Phật dữ chúng sanh bổn lai vô nhị giả, vị Bổn Giác chi Thể, nhân tâm, quả chứng, vô nhị, vô biệt dã. Vô minh sở phú toại thành mê vọng giả, vị bất tri Chân Như pháp nhất cố, bất giác tâm khởi nhi hữu kỳ niệm, toại thành tam tế, lục thô dã. Thị tắc tà giác, bất danh vi Chánh giả. Vị phàm phu tuy cụ hữu linh giác, nhi toàn giai thị vọng, phi vi chánh cố.

(鈔)良以蠢動含靈皆有佛性,則菩提者,佛與眾生本來無二,無明所覆,遂成迷妄,是則邪覺,不名為正。

(演)良以下出上所以。 佛與眾生本來無二者。謂本覺之體。因心果證。無二無別也。 無明所覆遂成迷妄者。謂不知真如法一故。不覺心起而有其念。遂成三細六粗也。是則邪覺。不名為正者。謂凡夫雖具有靈覺。而全皆是妄。非為正故。

(Sao: Ấy là vì các loài hàm linh ngọ ngoạy đều có Phật Tánh, cho nên đối với Bồ Đề, Phật và chúng sanh vốn chẳng hai. Do bị vô minh che lấp, nên trở thành mê vọng. Đó là tà giác, chẳng gọi là Chánh.

Diễn: Từ chữ “ấy là vì” trở đi, nêu ra nguyên do của những điều vừa được nói trên đây. “Phật và chúng sanh vốn chẳng hai” nghĩa là xét theo cái Thể của Bổn Giác thì cái tâm tu nhân và cái quả đã chứng đắc chẳng hai, chẳng khác. “Do bị vô minh che lấp, nên trở thành mê vọng” nghĩa là: Do chẳng biết pháp Chân Như là một, nên cái tâm bất giác dấy niệm, bèn biến thành ba tế tướng và sáu thô tướng. “Đó là tà giác, chẳng phải là chánh”, có nghĩa là phàm phu tuy có linh giác, nhưng đều toàn là vọng, chẳng phải là chánh).

 

  Đoạn này nói rõ sự sai biệt giữa Phật và chúng sanh. Phật và chúng sanh vốn chẳng có sai biệt, sai biệt ở chỗ mê hay ngộ. Trên thực tế, mê hay ngộ chỉ trong một niệm. Ở đây, đại sư bảo chúng ta: “Xuẩn động hàm linh” (蠢動含靈) là nói tới hết thảy các động vật, dẫu là loài “động vật cấp thấp” như chúng ta thường nói, [chẳng hạn như] ruồi, trùng, kiến, chúng cũng có Phật Tánh. Bồ Đề là Bổn Giác trong tự tánh. Tự tánh vốn giác ngộ, chẳng phải do bên ngoài mà có. Tuy Phật đã thành Phật, Bồ Đề của Phật cũng chẳng tăng thêm phần nào. Chúng sanh tuy đọa lạc trong lục đạo, dẫu là đang ở trong các đường súc sanh, ngạ quỷ, hay địa ngục, Bồ Đề của họ cũng chẳng giảm bớt phần nào. Có thể nói là “tự tánh giác bất tăng, bất giảm”. Do đó nói “Phật và chúng sanh vốn chẳng hai”, “chẳng hai” là giống hệt. Hiện thời, là như nhau, hay khác nhau? Nói thật ra, vẫn là như nhau. Điểm khác nhau là trên Bồ Đề, chúng ta có thêm một chút mê, hỏng ở chỗ này. Phật, Bồ Tát chẳng thêm mê vào, chúng ta lại thêm vào một chút mê. Mê là gì? Kinh Lăng Nghiêm nói rất hay: “Tri kiến lập tri” (Từ trên tri kiến, lập thêm một cái biết), “tri kiến” [được nhắc tới trong câu kinh ấy của Lăng Nghiêm] chính là Bồ Đề. Hết thảy loài chúng sanh, mắt đều có thể thấy, tai đều có thể nghe, mũi có thể ngửi, lưỡi có thể nếm. Có thể thấy, có thể nghe, có thể cảm nhận, có thể nếm, cái “có thể” ấy chính là Bồ Đề, chúng sanh và Phật chẳng khác nhau. Rốt cuộc mê ở chỗ nào? Chư Phật, Bồ Tát thấy, nghe, hay, biết chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước, mà hiểu biết cảnh giới rành mạch, rõ ràng, đó là Bồ Đề. Trong sự thấy, nghe, hay, biết của chúng ta, kèm thêm phân biệt, chấp trước. Từ phân biệt, chấp trước, lại còn thêm vào tham, sân, si, mạn, đó là mê. Đấy chính là “vô minh sở phú, toại thành mê vọng” (do vô minh che lấp, bèn thành mê vọng). Cái giác của chúng ta chẳng thể gọi là Chánh Giác, mà là tà giác, chuyện là như vậy đó.

Đúng như trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật đã dạy: “Hết thảy chúng sanh chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà chẳng thể chứng đắc”. Cái mê ấy được gọi là vọng tưởng, là chấp trước. Trừ khử vọng tưởng, chấp trước, bèn thành Phật. Vì sao? Bồ Đề và quả địa Như Lai hoàn toàn giống hệt; Thể, Tướng, và tác dụng đều như nhau, bèn gọi là “thành Phật”. Hỏng là hỏng ở chỗ vọng tưởng, chấp trước. Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối luôn dấy vọng tưởng, ngay cả đêm ngủ vẫn dấy vọng tưởng. Nằm mộng là khi ngủ dấy vọng tưởng. Nếu ngủ mà chẳng dấy vọng tưởng, sẽ chẳng nằm mộng. Mộng sanh từ vọng tưởng; có thể thấy đích xác là chúng ta mê đã quá sâu, đích xác là hết sức nghiêm trọng. Ở đây, trước hết là nói rõ chúng sanh và Phật chẳng hai.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289