/ 289
424

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 269


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm năm mươi chín:


(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh tự quỹ, thị văn thử kinh nghĩa. Tự tánh tự giác, thị văn chư Phật danh nghĩa.

(疏)稱理,則自性自軌,是聞此經義;自性自覺,是聞諸佛名義。

(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh có quy củ là ý nghĩa “nghe kinh này”. Tự tánh tự giác là ý nghĩa “nghe danh hiệu chư Phật”).


Cuối mỗi đoạn kinh văn, Liên Trì đại sư đều bàn luận xứng tánh, các vị đại đức trong Giáo Hạ cũng thường gọi đoạn này là “hội quy tự tánh”. Trong các chú giải kinh luận, thông thường chúng ta chẳng thấy có cách nói hội quy tự tánh. Trong bộ Sớ Sao của Liên Trì đại sư, mỗi đoạn đều hội quy tự tánh, hiển thị Thiền và Tịnh xác thực là một. “Tự tánh tự quỹ”: “Quỹ” (軌) có nghĩa là phép tắc, mà cũng là trật tự. Giống như hiện thời chúng ta quan sát thấy trong vũ trụ có khá nhiều tinh cầu, tinh hệ, ngân hà, chúng nó đều vận hành rất trật tự, chẳng rối loạn trong không gian, dường như mỗi thiên thể đều có quỹ đạo riêng. Mỗi hành tinh trong chín đại hành tinh[1] thuộc Thái Dương Hệ di chuyển quanh mặt trời đều có quỹ đạo riêng. Điều đó mang ý nghĩa “quy tắc”. [“Tự tánh tự quỹ” nghĩa là] tự tánh vốn có quy tắc, vốn có lớp lang, chẳng rối ren!


(Diễn) Kinh hữu quỹ trì nghĩa, tự tánh bổn tự quỹ trì, tức thị chân kinh, cánh ư hà xứ tầm kinh.

(演)經有軌持義,自性本自軌持,即是真經,更於何處尋經。

(Diễn: Kinh có ý nghĩa “vâng theo khuôn khổ, phép tắc”. Tự tánh vốn tự gìn giữ khuôn khổ, quy tắc, đó chính là chân kinh, còn phải tìm kinh ở nơi đâu nữa?)


Kinh Phật nhằm dạy chúng ta lý luận, phương pháp, giảng rõ cảnh giới, xác thực là nó có quy tắc, có trật tự rạch ròi, chẳng rối loạn tí nào! Cổ nhân dùng Khoa Phán (科判), Khoa Phán [là một sáng tạo trong] Phật môn. Sau này, Nho gia cũng học theo phương pháp ấy, dùng Khoa Phán để phán định một bộ kinh hoặc một bài văn chương, họ gọi là “chương cú chi học” (章句之學), nhằm phân chia [nội dung] thành từng phần theo một thứ tự hoặc tầng lớp rõ ràng, minh bạch. Kinh Di Đà phân lượng chẳng lớn; cuối bản in này, chúng tôi có đính kèm phần Biểu Giải, bao gồm phần Khoa Phán của Liên Trì đại sư và Khoa Phán của Ngẫu Ích đại sư. Mỗi vị có cách phán định khác nhau, cho nên Yếu Giải và Sớ Sao có [Khoa Phán riêng biệt]. Xem Khoa Phán sẽ biết: Kết cấu văn tự hết sức hoàn mỹ. Thật sự là đạt tới mức độ: Thêm vào một chữ cũng chẳng được, mà bớt đi một chữ cũng chẳng được. Hễ bớt một chữ, [mạch văn, ý tưởng] sẽ chẳng liên tục, bị gián đoạn! Thêm vào một chữ, sẽ thành thừa thãi! Trong văn chương, làm được như vậy, đó là văn chương hay khéo bậc nhất. Văn tự được chia thành thứ lớp phân minh, nghĩa lý rạch ròi, có lớp lang. Một bộ kinh nhỏ là như thế, mà đối với một bộ kinh lớn cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Quý vị thấy Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh, kinh văn của bộ kinh ấy rất lớn, có tới tám mươi quyển, Thanh Lương đại sư cũng phân khoa, phán giáo, phân chia hết sức tinh tế. Ở đây, chúng ta có Khoa Văn Biểu Giải của kinh Hoa Nghiêm. Sau khi chúng ta xem Khoa Phán của bộ Đại Bát Nhã sáu trăm quyển, thật sự cảm thán là Quán Chỉ[2], mới biết kinh Phật đúng là vĩ đại. Những điều này đều có ý nghĩa “quỹ trì” (軌持: tuân thủ nguyên tắc, giữ vững khuôn khổ), xác thực là từ tự tánh lưu lộ, rành mạch, lớp lang, có trật tự, chẳng rối loạn. Tự tánh vốn trọn đủ như vậy, pháp vốn là như thế. Người thế gian có mấy ai minh tâm kiến tánh? Tại Trung Hoa, hết sức hy hữu; về căn bản là ngoại quốc chẳng có. Bởi lẽ, mọi người thấy mặt trời, mặt trăng, tinh tú vận hành trên bầu trời đều rất có quy tắc, họ liền nghĩ: Nhất định là phải có một người an bài chuyện ấy, bèn tưởng tượng người ấy được gọi là Thượng Đế, [cho rằng mọi sự do] Thượng Đế an bài, hoặc do thần tạo dựng! Thần và Thượng Đế đều do con người nghĩ ra, rốt cuộc là có hay không? Xác thực là hiện thời có khá nhiều người đánh dấu hỏi đối với thần và Thượng Đế. Nói theo Phật pháp, xác thực là có thần và Thượng Đế, nhưng họ chẳng phải là Tạo Vật Chủ (Tạo Hóa), chỉ là thiên thần.

/ 289