/ 289
539

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 262


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm hai mươi tám:


(Kinh) Thuyết thành thật ngôn, nhữ đẳng chúng sanh, đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh.

(經)說誠實言。汝等眾生。當信是稱讚不可思議功德一切諸佛所護念經。

(Kinh: Nói lời thành thật: “Chúng sanh các ngươi hãy nên tin kinh Khen Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm này”).


Đến phần kinh văn này, đức Phật đã nêu ra tựa đề của kinh, tức là tên gọi nguyên thủy của bộ kinh này. Kinh có tựa đề là Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh. Khi Cưu Ma La Thập đại sư phiên dịch, Ngài đã trực tiếp dùng danh hiệu A Di Đà Phật làm tựa đề kinh, chẳng dùng tựa đề do đức Phật đã nói trong kinh. Đấy chính là bi tâm đặc biệt của La Thập đại sư, vì câu Phật hiệu này, nói thật ra, chính là công đức khôn sánh, công đức vô lượng. Câu danh hiệu ấy nghe lọt vào tai, kinh thường nói là “nhất lịch nhĩ căn, vĩnh vi đạo chủng” (vừa lọt qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo). Bất cứ lợi ích thế gian và xuất thế gian nào cũng đều chẳng thể sánh bằng! Vì thế, lão nhân gia dùng Phật hiệu làm tựa đề kinh, hy vọng mọi người thường niệm, thường thấy, một phen khổ tâm như vậy. Ở đây, đức Phật đã nói ra tựa đề kinh thật sự. “Xưng Tán” (稱讚): Ai xưng tán (khen ngợi)? Mười phương ba đời hết thảy chư Phật xưng tán. Đức Phật hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên thế giới để chứng minh: Lời Phật xưng tán là chân thật. “Thuyết thành thật ngôn”: Hết thảy chư Phật đều nói với chúng ta lời thành thật nhất. Tiếp đó, khuyên chúng ta: “Nhữ đẳng chúng sanh, đương tín thị” (Chúng sanh các ngươi hãy nên tin tưởng điều này), quý vị phải nên tin tưởng. Một vị Phật khuyên, quý vị chẳng tin, điều ấy có thể tha thứ được. Hết thảy chư Phật đều khuyên, chẳng có một vị Phật nào không khuyên, mà quý vị vẫn chẳng thể tin tưởng, vẫn chẳng thể tiếp nhận, đó là một kẻ Nhất Xiển Đề thật sự như trong kinh Phật đã nói. Nhất Xiển Đề là “chẳng có thiện căn”.

Trong đoạn kinh văn này, có sáu lượt khuyến cáo như vậy. Mỗi phương Phật đều khuyên chúng ta như thế. Trong kinh này, đức Thế Tôn khuyên chúng ta hãy nên phát nguyện vãng sanh cõi ấy, khuyên ba lượt. Vì thế, xem cẩn thận phần kinh văn này, [sẽ thấy] đức Phật đã chí thành, khẩn thiết khuyên lơn, khích lệ chúng ta hơn mười lần. Một bộ kinh ngắn như vậy, [thế mà] khuyên lơn khích lệ nhiều lượt như thế, nếu chẳng phải là do pháp môn này thù thắng bậc nhất, cớ sao đức Phật phải làm như thế? Chư Phật Như Lai đối với chúng ta từ bi như thế nào, ân đức rốt cuộc to tát cỡ nào? Nếu quý vị thật sự lãnh hội kinh Di Đà, sẽ hiểu rõ: Ân đức ấy quá lớn, giống như trong kinh đã nói là “chẳng thể nghĩ bàn”. Đã thật sự hiểu rõ, hiểu rành rẽ, lẽ đâu chẳng tin tưởng? Há có lẽ nào chẳng cầu nguyện vãng sanh? Nhân duyên này thù thắng khôn sánh; kinh dạy: “Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên, mà được sanh về cõi ấy” chính là nói đến nhân duyên này! Trong hết thảy các kinh luận, hết thảy các pháp môn, trước nay chưa từng thấy mười phương ba đời hết thảy chư Phật đều đến khuyên dạy chúng ta, chỉ thấy trong kinh này! Lại thấy trong kinh Vô Lượng Thọ. Kinh Vô Lượng Thọ và kinh này cùng một loại, cổ nhân gọi là Đại Bổn và Tiểu Bổn, chúng ta ắt cần phải hiểu rõ điều này! Tịnh Tông Tam Kinh, ba kinh ấy có cùng một Thể, kinh Vô Lượng Thọ là căn bản. Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nhằm giảng rõ, bổ sung tỉ mỉ hơn phương pháp tu hành trong kinh Vô Lượng Thọ. Vì thế, trọng điểm của kinh ấy là nói về phương pháp niệm Phật: Quán Tưởng Niệm Phật, Quán Tượng Niệm Phật, Trì Danh Niệm Phật. Lại còn nói cặn kẽ nhân quả của chín phẩm. Kinh này (kinh Di Đà) đúng là hết thảy chư Phật thành khẩn khuyên lơn, khích lệ chúng ta nhất định phải cầu sanh Tịnh Độ.

Do vậy, sự xưng tán này chẳng phải là do kẻ bình phàm ca ngợi, mà là do hết thảy chư Phật xưng tán. “Bất khả tư nghị công đức” (Công đức chẳng thể nghĩ bàn), lời này chẳng phát xuất từ miệng kẻ tầm thường. Kẻ bình phàm nói “chẳng thể nghĩ bàn” thì cũng chưa chắc là thật! Chư Phật Như Lai nói “công đức chẳng thể nghĩ bàn”, rốt cuộc những gì chẳng thể nghĩ bàn? Nói thật ra, chắc chắn những điều ấy bọn phàm phu chúng ta chẳng thể tư duy, tưởng tượng, hay diễn tả được! Tuy là như vậy, chư Phật, Bồ Tát có phương tiện thiện xảo, như trong tác phẩm Yếu Giải của Ngẫu Ích đại sư đã quy nạp công đức chẳng nghĩ bàn thành năm loại lớn[1], chúng ta đều nên hiểu rõ chuyện này. Nửa đoạn sau là nói về “Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh” (kinh được hết thảy chư Phật hộ niệm).

/ 289