/ 289
602

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 261

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm hai mươi ba:

 

  (Kinh) Các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới.

  (經)各於其國。出廣長舌相。遍覆三千大千世界。

(Kinh: Mỗi vị đều ở nước mình, hiện tướng lưỡi rộng dài, che khắp tam thiên đại thiên thế giới).

 

  Trong đoạn này, đức Phật hiện tướng lưỡi rộng dài để chứng minh cho chúng ta.

 

  (Sớ) Kỳ quốc giả, bổn sở trụ quốc, các ư kỳ quốc giả, kiến Phật Phật giai nhiên dã.

  (疏)其國者,本所住國,各於其國者,見佛佛皆然也。

(Sớ: “Nước mình”: Cõi nước mà chính vị ấy đang trụ. Trong mỗi cõi nước, thấy mỗi vị Phật đều là như thế).

 

  Từ đây trở đi, đối với mỗi một phương thuộc sáu phương đều có một đoạn kinh văn như vậy. Ở đây, do đã trình bày rõ ràng, những phần sau có thể tỉnh lược, [chẳng chú giải cặn kẽ khi thấy những phần kinh văn tương tự]. Điều quan trọng nhất trong phần kinh văn này là bảo chúng ta: Hết thảy chư Phật Như Lai, chẳng có một vị Phật nào không tán thán Tịnh Độ, chẳng có một vị Phật nào không khen ngợi A Di Đà Phật, đều là khuyên lơn, khích lệ trọn khắp hết thảy chúng sanh niệm Phật cầu sanh Tây Phương Tịnh Độ. Do vậy có thể thấy: Tây Phương Tịnh Độ thật sự thù thắng khôn sánh. Từ những phần trước, chúng ta đọc mãi tới đây, bèn có thể thấy pháp môn này xác thực là để tiếp dẫn chúng sanh căn cơ đã chín muồi. Gọi là “chúng sanh căn cơ đã chín muồi” nghĩa là cơ duyên thành Phật của họ đã chín muồi trong một đời này. Nói cách khác, đối với kẻ cơ duyên thành Phật chưa chín muồi trong một đời này, có nói với họ pháp môn này, họ khó thể tiếp nhận. Nếu căn cơ đã chín muồi, vừa nghe pháp môn này, họ bèn sanh tâm hoan hỷ, bèn bằng lòng niệm Phật. Quan sát từ hình tướng, chúng ta liền biết người ấy thiện căn đã chín muồi hay chưa. Nói thật ra, [đối với người ấy] pháp môn này không chỉ là đã chín muồi, mà là đã chín nẫu rồi! Trong đời này, người ấy sẽ làm Phật, chứ Bồ Tát hoặc A La Hán đều chẳng muốn làm! Đời này, người ấy đến Tây Phương Cực Lạc thế giới bèn thành Phật. Pháp môn này rất thù thắng, rất đặc biệt, hết thảy chư Phật đều hiện tướng lưỡi rộng dài để chứng minh. Hết thảy chư Phật đều ở trong khu vực giáo hóa của chính mình, tức là ngự ngay trong cõi nước mà chính mình đang giáo hóa, giống như Thích Ca Mâu Ni Phật ở trong thế giới Sa Bà, tình hình [hiện tướng lưỡi để chứng minh trong mỗi cõi Phật] đều giống hệt như nhau!

 

  (Sớ) Tả hữu vi quảng, tiền hậu vi trường.

  (疏)左右為廣,前後為長。

  (Sớ: Trái, phải là rộng, trước, sau là dài).

 

  Giải thích tướng lưỡi rộng dài. Tướng lưỡi của đức Phật chẳng thể nghĩ bàn.

 

  (Sớ) Tam thiên đại thiên, tường như Câu Xá trung thuyết.

  (疏)三千大千,詳如俱舍中說。

  (Sớ: Tam thiên đại thiên thế giới là như trong Câu Xá Luận đã nói tường tận).

 

  Câu Xá Luận đã nói về tam thiên đại thiên thế giới rất tỉ mỉ.

  (Sớ) Phú đại thiên giả, cực ngôn thiệt tướng chi quảng trường dã.

(疏)覆大千者,極言舌相之廣長也。

(Sớ: “Che phủ đại thiên”: Nói tột bậc tướng lưỡi rộng dài).

 

  Tướng lưỡi của Phật có thể che khắp tam thiên đại thiên thế giới; đấy là nói về tướng lưỡi rộng dài.

 

(Sớ) Dĩ đa kiếp khẩu nghiệp thanh tịnh cố, nhược tường kỳ diêu, như Hoa Nghiêm trung thuyết.

  (疏)以多劫口業清淨故,若詳其繇,如華嚴中說。

(Sớ: Do vì nhiều kiếp khẩu nghiệp thanh tịnh. Nếu muốn hiểu tường tận nguyên do thì như trong kinh Hoa Nghiêm đã nói).

 

  Vì sao đức Phật có tướng lưỡi rộng dài? Kinh Hoa Nghiêm có nói đạo lý này.

 

  (Sớ) Ngôn thử dĩ minh Phật ngữ vi tất khả tín, linh đoạn nghi dã.

  (疏)言此以明佛語為必可信,令斷疑也。

(Sớ: Nói điều này nhằm chỉ rõ lời Phật ắt đáng tin, hòng đoạn nghi).

 

  Mục đích của kinh văn ở ngay trong một câu kinh này: Nhằm làm cho chúng ta đoạn nghi sanh tín.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289