/ 289
517

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 263


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm hai mươi chín:


(Sớ) Chư Phật cáo ngữ chúng sanh, cổ hữu nhị thuyết: Nhất vị chuyển dẫn, nhất vị đồng thời. Kim kiêm dụng chi.

(疏)諸佛告語眾生,古有二說:一謂轉引,一謂同時。今兼用之。

(Sớ: “Chư Phật nói với chúng sanh”. Cổ nhân có hai cách nói: Một là chuyển dẫn, một thuyết khác là đồng thời. Nay dùng cả hai thuyết ấy).


Mười phương chư Phật bảo đại chúng: “Nhữ đẳng chúng sanh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh” (Chúng sanh các ngươi hãy nên tin kinh Ca Ngợi Công Đức Chẳng Thể Nghĩ Bàn Được Hết Thảy Chư Phật Hộ Niệm này). Đối với lời này, từ xưa tới nay có hai cách nói: Một là “chuyển dẫn” (轉引: kể lại, nhắc lại), loại kia là “đồng thời” (同時: nói cùng một lúc).


(Sao) Chuyển dẫn giả, Từ Ân vị lục phương chư Phật, cáo bổn quốc trung chi ngữ, Thích Ca chuyển dẫn dĩ chứng kỷ ngôn. Linh Chi vị thị Thích Ca thuyết thử kinh thời, lục phương chư Phật đồng thời tán thán.

(鈔)轉引者,慈恩謂六方諸佛,告本國中之語,釋迦轉引以證己言;靈芝謂是釋迦說此經時,六方諸佛同時讚歎。

(Sao: “Chuyển dẫn”: Ngài Từ Ân nói sáu phương chư Phật nói lời ấy trong cõi mình, đức Phật Thích Ca kể lại lời ấy để chứng minh cho lời nói của chính mình. [“Đồng thời” là như] ngài Linh Chi bảo: Khi Phật Thích Ca nói kinh này, sáu phương chư Phật đồng thời tán thán).


Cổ đức có hai cách nói như vậy. Hai cách ấy đều hợp lẽ, lại cũng là sự thật. Từ Ân đại sư là ngài Khuy Cơ. Khuy Cơ đại sư nói như vậy trong Di Đà Kinh Thông Tán Sớ, đó là tác phẩm chú giải kinh Di Đà của Khuy Cơ đại sư. Ngài nói hết thảy chư Phật trong sáu phương giống như Thích Ca Mâu Ni Phật đối trước chúng ta, vì chúng ta giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, giới thiệu A Di Đà Phật. Nói cách khác, hết thảy chư Phật giảng Tịnh Độ Tam Kinh trong cõi nước của chính các Ngài, cũng giảng Tịnh Độ Tam Kinh cho nhân dân của chính mình. Đương nhiên, ý nghĩa này của ngài Từ Ân xác thực là sự thật. Thích Ca Mâu Ni Phật trích dẫn những lời tán thán Tịnh Độ của chư Phật khi giảng ba kinh cho đại chúng, trích dẫn những lời lẽ ấy để chứng minh lời Ngài nói giống hệt như chư Phật Như Lai, chẳng khác gì nhau! Linh Chi đại sư nói cách khác, nhưng cũng có lý. Ngài nói khi Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh này, cũng có nghĩa là khi đức Phật giảng ba kinh [Tịnh Độ], hết thảy chư Phật trong sáu phương, chẳng có vị Phật nào không tán thán, đây cũng là sự thật. Nói cách khác, khi Thích Ca Mâu Ni Phật vì chúng ta giảng kinh này, hết thảy chư Phật đều tán thán. Khi chư Phật giảng kinh này, Thích Ca Mâu Ni Phật cũng tán thán giống hệt. Nhất định là chư Phật tán thán lẫn nhau. Hai ý nghĩa đều là thật. Vì thế, Liên Trì đại sư sử dụng cả hai ý nghĩa.


(Sao) Kim kiêm dụng giả, dĩ thử quảng đại tối yếu pháp môn.

(鈔)今兼用者,以此廣大最要法門。

(Sao: Nay sử dụng cả hai [ý nghĩa ấy] là vì pháp môn rộng lớn, trọng yếu nhất này).


“Quảng đại tối yếu pháp môn”, câu này rất quan trọng. Nói thật ra, chẳng phải là triệt để hiểu rõ chân tướng sự thật, sẽ không thể thốt lên câu này. Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn quảng đại tối yếu, [tức là] pháp môn quan trọng nhất, là pháp môn tinh túy nhất.


(Sao) Chư Phật bình thời tất sở thường tán.

(鈔)諸佛平時必所常讚。

(Sao: Ắt luôn được chư Phật thường xuyên tán thán).


Giống như Thích Ca Mâu Ni Phật suốt một đời thuyết pháp cả bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội, gần như trong mỗi hội đều nhắc tới sự thù thắng của Tịnh Tông. Cuối kinh Hoa Nghiêm, “mười đại nguyện vương dẫn về Cực Lạc”. Trong phẩm Dược Vương của kinh Pháp Hoa cũng khuyên người ta vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đại Thế Chí Bồ Tát Niệm Phật Viên Thông Chương của kinh Lăng Nghiêm nay đã được xếp vào Tịnh Độ Ngũ Kinh. Các vị đại đức của Tịnh Độ Tông Nhật Bản đã tra duyệt Đại Tạng Kinh, thấy [pháp môn Tịnh Độ được] đức Phật nói rõ rệt, nói khẩn thiết trong hơn hai trăm bộ kinh điển, gần đến ba trăm bộ! Điều này chứng tỏ Thích Ca Mâu Ni Phật thường giảng pháp môn quảng đại tối yếu này. Vì thế, cổ đức nói “ngàn kinh vạn luận, nơi nào cũng chỉ quy” là có lý, [bởi lẽ đức Phật và chư Tổ] thường nhắc đến pháp môn này.

/ 289