/ 289
421

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 260


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm hai mươi:


(Sớ) Tu Di Tướng giả, Phật tướng vô tận, như Tu Di cố.

(疏)須彌相者,佛相無盡,如須彌故。

(Sớ: Tu Di Tướng: Phật tướng vô tận, như núi Tu Di).


Vị Phật thứ hai trong phương Đông có Phật hiệu là Tu Di Tướng (Mērudhvaja); ba Phật hiệu kế tiếp đều có chữ Tu Di (Śumēru), dụng ý biểu thị pháp hết sức rõ rệt. “Phật tướng vô tận”: Không chỉ là ba mươi hai tướng, tám mươi thứ hảo. Kinh điển gọi [thân tướng có] ba mươi hai tướng và tám mươi thứ hảo là Liệt Ứng Thân (劣應身: Ứng thân tương ứng với căn cơ kém cỏi), đó là thân thị hiện trong thế giới Sa Bà. Đây đều là thuận theo cái tâm của chúng sanh mà ứng với khả năng nhận biết của họ. Vì Phật chẳng có tướng, cho nên mới có thể hiện vô tận tướng. Chúng sanh chấp trước tướng của chính mình, nhận thức, chấp chặt cái tướng ấy; do vậy, chẳng thể biến hiện tướng thứ hai. Sai biệt ở chỗ này! Kinh Đại Thừa nói về Báo Thân Phật: “Phật có vô lượng tướng, mỗi tướng có vô lượng hảo”. Như kinh Hoa Nghiêm tán thán Tỳ Lô Giá Na Phật, kinh Tịnh Độ ca ngợi A Di Đà Phật, đều là vô lượng tướng hảo. Ở đây, Tu Di là tỷ dụ, dưới đây là lời chú giải.


(Sao) Tu Di, thử vân Diệu Cao. Chúng bảo sở thành viết Diệu, huýnh xuất quần sơn viết Cao. Phật chi tướng hảo, bách phước sở thành, vô bất cụ túc, thị chi vị Diệu. Nhân, thiên, Nhị Thừa, cập chư Bồ Tát, tướng hảo giai mạc năng cập, thị chi vị Cao.

(鈔)須彌,此云妙高,眾寶所成曰妙,迥出群山曰高。佛之相好,百福所成,無不具足,是之謂妙;人天二乘,及諸菩薩,相好皆莫能及,是之謂高。

(Sao: Tu Di, cõi này dịch là Diệu Cao. Do các báu hợp thành, nên gọi là Diệu. Vượt trỗi các núi là Cao. Tướng hảo của Phật do trăm phước hợp thành, không gì chẳng trọn đủ, nên gọi là Diệu. Tướng hảo của người, trời, Nhị Thừa và các Bồ Tát đều chẳng thể sánh bằng, nên gọi là Cao).


“Tướng” do đâu mà có? Chúng ta phải hiểu đạo lý này. Trong kinh luận, đức Phật bảo chúng ta: Tướng của hết thảy chúng sanh do nghiệp lực biến hiện. Tướng đẹp xấu chính là do nghiệp thiện ác, tốt xấu hiện tiền. Người phước báo to lớn vừa nhìn bèn thấy là tướng tốt, phước tướng! Có thể thấy là các thầy xem tướng đoán mạng thường nói: “Tướng chuyển theo tâm”. Lời ấy là thật. Tâm thiện, tướng mạo hiền lành. Tâm ác, tướng mạo khiến cho người ta vừa nhìn bèn cảm thấy có chút sợ hãi. Có thể thấy là “thành ư trung” (lòng thành bên trong), nhất định là “hình ư ngoại” (tỏ lộ ra hình tướng bên ngoài), chẳng có cách nào giấu diếm! Người thế gian dùng sự thông minh để giấu diếm dẫu khéo léo cách mấy, [chỉ] có thể lừa gạt những kẻ ngu, chứ đối với những kẻ giàu kinh nghiệm học vấn, hoặc người có học vấn thật sự, sẽ chẳng có cách nào che giấu, vừa thấy mặt liền hiểu rõ.

Đối với Phật tướng, tuy đức Phật đã thành Phật, nếu Ngài chẳng tu phước, chúng ta ngẫm xem, tướng Phật có tốt đẹp hay không? Đương nhiên là tốt đẹp. Vì sao? Đức Phật đã chứng đắc tâm tánh viên mãn, tự tánh là viên mãn, há lẽ nào tướng mạo chẳng viên mãn? Nhưng sau khi đức Phật đã thành Phật, nhất định vẫn dùng thời gian một trăm kiếp để chuyên tu phước, để tu tướng hảo. Cớ gì lại phải làm như thế? Chư vị phải biết: Thảy đều là làm cho chúng sanh thấy, khuyến khích chúng sanh “tu phước là trọng yếu”, đó là lời thật. Nếu chẳng kiến tánh, tướng mạo sẽ do nghiệp lực thiện hay ác biến hiện. Sau khi đã kiến tánh, [tướng mạo] hoàn toàn là do Tánh Đức lưu lộ, khác hẳn! Do vậy có thể biết: Tu phước hết sức trọng yếu; nhất định phải biết tiếc phước và tu phước. Vô lượng vô biên phương pháp tu hành của hàng Đại Thừa Bồ Tát, quy nạp lại sẽ là sáu đại cương lãnh. Kinh Đại Thừa gọi những cương lãnh ấy là Lục Độ (ṣaṭ-pāramitā, Lục Ba La Mật). Đức Phật dạy chúng ta tu học Đại Thừa, xử sự, đãi người tiếp vật đều chẳng thể rời khỏi sáu nguyên tắc ấy. Nương theo đó tu học là tu phước; ở đây nói là “bách phước sở thành” (do trăm phước tạo thành). Nương theo phương pháp ấy để tu, thật sự có phước.

Bố Thí (Dāna) là buông xuống. Phương pháp tu hành Lục Độ và phương pháp tu hành bình thường hoàn toàn bất đồng. Nói thật ra, [Lục Độ nhằm dạy] chúng ta giữ tấm lòng như thế nào, xử sự như thế nào trong xử sự, đãi người, tiếp vật trong cuộc sống hằng ngày, nguyên tắc là như vậy đó. Buông xuống là gì? Nói thật ra, thân, tâm, thế giới hết thảy đều phải buông xuống. Buông xuống là đừng để nó vướng mắc trong tâm. Tâm phải thanh tịnh, phải bình đẳng, phải chân thành, phải cung kính, phải từ bi. Những điều ấy đều là Tánh Đức vốn sẵn có trong bản tánh của quý vị. Khi tâm đạt đến thanh tịnh, những đức dụng ấy tự nhiên hiện tiền, cho nên chẳng phải là do học mà có. Như cung kính và từ bi chẳng do học được, chúng từ Tánh Đức tự nhiên lưu lộ.

/ 289