A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 259
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm mười bảy:
(Sao) Khởi Tín Luận vân: “Thị tâm tùng bổn dĩ lai, ly tâm duyên tướng, ly ngôn thuyết tướng. Thị cố, cử tâm tức thác, động niệm tức quai, trệ cú giả mê, thừa ngôn giả táng”. Nhiên tắc đương như chi hà? Túng nhiêu giam khẩu vong cơ, y nhiên đọa lạc vô ký, thị chi vị “bất khả tư nghị”.
(鈔)起信論云:是心從本以來,離心緣相,離言說相,是故舉心即錯,動念即乖,滯句者迷,承言者喪。然則當如之何,縱饒緘口忘機,依然墮落無記,是之謂不可思議。
(Sao: Khởi Tín Luận nói: “Tâm này từ trước đến nay lìa tướng tâm duyên, lìa tướng ngôn thuyết. Do vậy, động tâm bèn trật, dấy niệm liền sai, vướng vào câu văn bèn mê, nương theo lời nói bèn mất”. Vậy thì phải nên làm như thế nào? Dẫu ngậm miệng, dứt bặt suy nghĩ, vẫn nghiễm nhiên đọa vào vô ký. Vì thế mới nói là “chẳng thể nghĩ bàn”).
Đại sư trích dẫn một đoạn từ trong Đại Thừa Khởi Tín Luận của Mã Minh Bồ Tát. Khởi Tín Luận là một quyển sách để nhập môn học Phật, là Đại Thừa Khởi Tín (khơi gợi lòng tin đối với Đại Thừa), chẳng phải là Tiểu Thừa, đương nhiên càng chẳng phải là nhân thiên thừa. Cảnh giới trong bộ sách ấy là cảnh giới của bậc Bồ Tát vừa mới kiến tánh, phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, tức là Sơ Trụ Bồ Tát trong Viên Giáo. Khởi Tín Luận là cảnh giới như vậy. Nếu xét theo Biệt Giáo, sẽ là cảnh giới của Sơ Địa Bồ Tát. Vì thế, được gọi là Đại Thừa thật sự, danh phù hợp thực, Đại Thừa Khởi Tín mà! Trong luận ấy, Thật Tướng và chân tướng chẳng thể nghĩ bàn của tâm tánh thảy đều được nêu tỏ.
“Thị tâm” (Tâm này): Cái tâm này là chân tâm, là bản tánh. Chẳng có cách nào diễn tả, mà cũng chẳng có cách nào tưởng tượng chân tâm. “Ly tâm duyên tướng” (Lìa tướng tâm duyên), “tâm duyên” là khởi tâm động niệm, duyên lự, phân biệt. Trong chân tâm trước nay chẳng dấy động ý niệm, chưa hề có phân biệt, nó giống như một tấm gương, hoặc giống như một ao nước lặng. Nước lặng thì tuyệt đối chẳng cuộn sóng, tình hình giống như thế, chưa hề động, bèn soi chiếu cảnh giới bên ngoài rành mạch, rõ ràng. Đấy là chân tâm. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tịnh cực quang thông đạt”, [nghĩa là] tịnh đến tột cùng, chân tâm sẽ hiện tiền, vì chân tâm là bất động, cái có thể động là vọng tâm. Chính vì sự thật có tình hình như vậy, cho nên trọng điểm trong sự giáo học của đức Phật là tu Định.
Nói thật ra, tu Định chính là khôi phục bản tánh. Chỉ cần khôi phục bản tánh, vô lượng trí huệ và đức năng trong bản tánh thảy đều hiện tiền. Nói cách khác, chẳng thể diễn tả những điều này được! Chẳng thể thốt thành lời, đức Phật nói suốt bốn mươi chín năm, những điều đức Phật đã nói đều là nói phương tiện, hy vọng chúng ta sẽ từ phương tiện mà lãnh hội chân thật. Chân thật [chỉ] có thể dùng tâm để hiểu, chẳng thể truyền trao bằng lời lẽ, ngôn ngữ bất lực!
“Thị cố, cử tâm tức thác” (Vì thế, động tâm bèn trật): “Cử tâm” (舉心) là vừa mới dấy lên ý niệm suy nghĩ, sai mất rồi! “Động niệm tức quai” (Dấy niệm bèn sai): Ý niệm vừa động liền trái nghịch tự tánh, chẳng phải là tự tánh. Chẳng khởi tâm, không động niệm, chẳng phân biệt, không chấp trước, khi ấy chính là cảnh giới tự tánh hiện tiền. Hễ động niệm bèn trật, bèn mê; bất động là giác. Nếu chúng ta nắm vững nguyên tắc này, vâng theo nguyên tắc này để tu học, sẽ có hy vọng khai ngộ. Tham Thiền chẳng thể khai ngộ, học Giáo chẳng thể viên giải, gốc bệnh phát xuất từ phân biệt, chấp trước, khởi tâm động niệm. Dùng chú sớ của kinh điển để nghiên cứu thì sai bét mất rồi! Hễ nghiên cứu bèn mê. Những thứ ấy chẳng thể nghiên cứu được, đấy là chỗ khác biệt giữa Phật pháp và thế gian pháp. Vì vậy, quyết định chẳng thể dùng phương pháp của thế gian pháp để nghiên cứu Phật pháp, nhất định phải hiểu điều này!
“Trệ cú giả mê” (Vướng vào câu văn bèn mê), “cú” (句) [ở đây dùng để chỉ các câu văn trong] kinh điển. Thường nói “tử tại cú hạ” (chết ngắc nơi câu văn, ý nói khăng khăng chấp trước văn tự), có ý nghĩa ấy, đương nhiên là chẳng thể khai ngộ. Khai ngộ bèn sống sót nơi câu văn, kẻ đó (kẻ chẳng khai ngộ) chết ngắc nơi câu văn.
“Thừa ngôn giả táng” (Nương theo lời nói bèn bị chôn vùi), nghe giảng mà chấp trước ngôn ngữ thì cũng sai luôn! Mã Minh Bồ Tát dạy chúng ta, thái độ tu học phải là “ly ngôn thuyết tướng”, [nghĩa là] đừng chấp trước ngôn ngữ; “ly danh tự tướng”, [nghĩa là] đừng chấp trước danh tướng, thuật ngữ; “ly tâm duyên tướng”, [nghĩa là] đừng nên phân biệt, tư duy, tưởng tượng. Thái độ này hoàn toàn đúng như Quán Âm Bồ Tát đã dạy trong Tâm Kinh: “Dĩ thâm Bát Nhã Ba La Mật chiếu kiến” (Dùng Bát Nhã Ba La Mật sâu xa để soi thấy), đó là đã “chiếu kiến”. Vì sao? Tâm địa thanh tịnh, chẳng có khởi tâm, chẳng có động niệm, chẳng có phân biệt, chẳng có chấp trước. Xem kinh giáo bèn dùng phương pháp này, nghe giảng kinh cũng là [dùng] phương pháp này. Tu học hết thảy các pháp môn đều chẳng lìa khỏi phương pháp này. Cho đến trong cuộc sống hằng ngày, mặc áo, ăn cơm, xử sự, đãi người tiếp vật cũng dùng phương pháp này. Vậy thì chúc mừng quý vị, mức độ thấp nhất là quý vị đã thành Viên Giáo Bồ Tát, đã thành Pháp Thân đại sĩ, chẳng phải là phàm phu. Ngay cả A La Hán, Bích Chi Phật, Quyền Giáo Bồ Tát cũng chẳng sánh bằng quý vị. Phải là như vậy thì mới có thể nhập môn Đại Thừa Phật pháp! Nếu là như vậy, quý vị vừa xem bộ Sớ Sao do tổ sư đã viết bèn hiểu ngay.