/ 289
423

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 258


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm mười lăm:


(Sao) Thử phân vi tứ: Nhất thị thí pháp quảng đại công đức, vị vô lượng thọ, vô lượng quang, Tam Bảo đạo phẩm chủng chủng đẳng.

(鈔)此分為四:一是施法廣大功德,謂無量壽,無量光,三寶道品種種等。

(Sao: Phần này chia làm bốn. Thứ nhất là công đức thí pháp rộng lớn, nghĩa là các thứ như vô lượng thọ, vô lượng quang, Tam Bảo, đạo phẩm v.v…)


Nói rõ “bất khả tư nghị công đức chi lợi” rốt cuộc là công đức nào? Là lợi ích nào? Ở đây, đại sư lại giảng rõ cặn kẽ, chia thành bốn điểm. Thứ nhất là “thí pháp quảng đại công đức” (công đức thí pháp rộng lớn). Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ chính là đức hiệu của Di Đà Thế Tôn, mà cũng là sự gia trì của Di Đà Thế Tôn đối với hết thảy đại chúng. Đúng như Thích Ca Thế Tôn xuất hiện trong thế gian này, lão nhân gia nói về “nhân từ, thanh tịnh”, [dùng những điều ấy để] chỉ dạy và gia trì chúng ta, có ý nghĩa giống như [những phẩm đức được bao hàm trong danh hiệu của A Di Đà Phật]. Phàm là người sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, tâm địa đều hết sức thanh tịnh; tâm tịnh, ắt cõi nước tịnh. Nếu tâm chẳng thanh tịnh, chẳng từ bi, người ấy chẳng thể vãng sanh! Thanh tịnh và từ bi thì ai nấy trong thế giới Tây Phương đều trọn đủ, ai nấy đều là như vậy, đều là thanh tịnh, từ bi. Vì thế, chẳng cần phải đề xướng thanh tịnh, từ bi nữa.

Ở bên ấy, đề xướng điều gì? Đề xướng Quang và Thọ. Quang biểu thị trí huệ, Thọ biểu thị sự thù thắng nhất trong hết thảy các thứ thọ dụng. Người thế gian nói đến phước báo, phước báo có phạm vi bao hàm hết sức rộng rãi. Trong phước báo, quan trọng nhất là trường thọ. Nếu chẳng có thọ mạng, dẫu phước báo lớn đến mấy, chính mình chẳng có cách nào hưởng thụ. Điều thứ nhất là phải có thọ mạng để hưởng thụ phước báo của chính quý vị. Vì thế, thọ mạng là đức bậc nhất. Đấy cũng là lý do vì sao trong vô lượng [đức năng, phước báo], chỉ dùng Thọ và Quang để đại diện, chính là vì ý nghĩa này.


(Diễn) Vô lượng thọ, vô lượng quang, Tam Bảo đạo phẩm chủng chủng đẳng: Thử chỉ sở thí chi pháp dã.

(演)無量壽、無量光、三寶道品種種等,此指所施之法也。

(Diễn: “Các thứ như vô lượng thọ, vô lượng quang, Tam Bảo đạo phẩm v.v…” là nói về những pháp được ban xuống).


A Di Đà Phật dùng điều gì để giáo hóa chúng sanh? Dùng những pháp ấy. Chư vị phải biết: Thọ tượng trưng cho phước báo, [vô lượng thọ là] vô lượng phước báo. Quang tượng trưng trí huệ. Chư Phật Như Lai thành Phật, có hiệu là Nhị Túc Tôn, Nhị (二) là trí huệ và phước đức, Túc (足) là trọn đủ, viên mãn. Trí huệ viên mãn và phước đức viên mãn, nên gọi là Nhị Túc Tôn (đấng trọn đủ hai thứ phước và huệ). Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật dạy mọi người hai thứ ấy, chư vị hãy ngẫm xem: Đó trực tiếp dạy cho quý vị một phương pháp để thành Phật rốt ráo viên mãn. Thế giới Tây Phương chẳng dạy gì khác, mà dạy thứ này. Đức Phật dùng phương pháp gì để dạy? Dưới đây bèn nói rõ.


(Diễn) Thử pháp hoặc xuất âm phu diễn, hoặc hiện tướng chỉ trần.

(演)此法或出音敷演,或現相指陳。

(Diễn: Những pháp ấy hoặc là phát ra âm thanh để phô diễn, hoặc là hiện tướng để chỉ bày).


“Xuất âm phu diễn” là ngôn giáo (dạy bằng lời nói), tức là giảng kinh, thuyết pháp. “Hiện tướng chỉ trần” là dùng thân giáo (nêu gương bằng thân nghiệp). Nói cách khác, chúng ta gọi là “giáo dục bằng chính cuộc sống”. Trong giáo dục cuộc sống, đầy ắp trí huệ, ngập tràn phước đức.

(Diễn) Dĩ bỉ độ chúng sanh, lục căn thanh tịnh, đắc đại tổng trì.

(演)以彼土眾生,六根清淨,得大總持。

(Diễn: Do chúng sanh trong cõi ấy, sáu căn thanh tịnh, đắc đại tổng trì).


Đúng như đức Thế Tôn đã nói trong kinh, chúng sanh trong thế giới ấy “sáu căn thanh tịnh”. Toàn bộ những lời lẽ trong phần kế tiếp đều là những điều được nói trong kinh, hết sức quan trọng. Nếu quý vị thật sự hiểu rõ, mới hiểu là “chẳng thể không đến Tây Phương Cực Lạc thế giới”! Sanh về nơi ấy, sáu căn thanh tịnh; chúng ta ở nơi đây mà mong sáu căn thanh tịnh há dễ dàng sao? “Đắc đại tổng trì” cũng là điều chúng ta niệm niệm mong cầu, nhưng cầu chẳng được! Đại tổng trì là gì? Là tổng cương lãnh của hết thảy vạn pháp thế gian và xuất thế gian, quý vị đã nắm được. Chỉ cần quý vị nắm được tổng cương lãnh, nói cách khác, tự nhiên thông đạt hết thảy các pháp, chẳng có một pháp nào không thông đạt. Từ Phật giáo sử, chúng ta biết Long Thọ Bồ Tát học xong Đại Tạng Kinh trong ba tháng, lại còn thông đạt toàn bộ. Vì sao Ngài có năng lực ấy? Tuy Lục Tổ đại sư chẳng duyệt Kinh Tạng, lão nhân gia chưa hề đi học, chẳng biết chữ, nhưng nếu chúng ta hỏi: “Tam Tạng mười hai phần giáo chính là một bộ Đại Tạng Kinh, Lục Tổ có năng lực thông đạt trong vòng ba tháng hay chăng?” Quan sát từ những ghi chép trong Đàn Kinh, chắc chắn là Ngài có năng lực ấy! Vì sao biết? Tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng suốt đời thọ trì kinh Đại Niết Bàn; kinh Đại Niết Bàn phân lượng rất đáng nể, bốn mươi quyển, đọc làu làu, nhưng chẳng hiểu ý nghĩa. Bà ta đọc cho Huệ Năng đại sư nghe. Sau khi nghe xong, Huệ Năng đại sư bèn giảng giải cho bà. Tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng nghe Lục Tổ giảng giải, bèn khai ngộ. Lục Tổ cần người khác đọc cho Ngài nghe vì Ngài chẳng biết chữ. Cho thấy Ngài đã thông đạt, tuy Ngài chưa hề học. Ngũ Tổ chẳng giảng kinh Đại Niết Bàn cho Ngài, thế mà Ngài thông đạt. Thiền sư Pháp Đạt học Pháp Hoa, thưa cùng Lục Tổ: Sư đã niệm kinh Pháp Hoa ba ngàn lượt. Niệm kinh Pháp Hoa một lần phải mất thời gian bao lâu? Mỗi ngày chỉ có thể niệm một lần, niệm một bộ. Ba ngàn bộ là mười năm! Dành thời gian mười năm để đọc kinh Pháp Hoa, vẫn chẳng hiểu ý nghĩa. Sư gặp Lục Tổ bèn đảnh lễ, đầu chẳng sát đất, ngạo mạn mà! Bị Lục Tổ nhìn ra, Lục Tổ hỏi Sư: “Ông ngạo mạn như vậy, nhất định là có điều gì đáng để kiêu ngạo”. Sư liền thưa Sư đã niệm ba ngàn bộ Pháp Hoa, đáng để kiêu ngạo! Kinh Pháp Hoa có ý nghĩa gì? Sư chẳng biết, bị Lục Tổ hỏi ngược lại [bèn ú ớ], Sư bèn hỏi quay ngược lại thỉnh giáo Lục Tổ đại sư. Lục Tổ đại sư bảo: “Ta chưa từng đọc qua, đương nhiên là cũng chưa hề nghe qua, ông hãy niệm cho ta nghe thử”. Kinh Pháp Hoa có hai mươi tám phẩm, Sư niệm đến phẩm thứ hai là phẩm Phương Tiện, Lục Tổ nghe tới đó, bảo: “Chẳng cần niệm nữa, kinh này ta đều biết cả rồi”. Vì thế, đối với cả một bộ Đại Tạng Kinh, Ngài có cần đến ba tháng hay chăng? Hoàn toàn thông đạt. Tổ giảng kinh Pháp Hoa cho Pháp Đạt, thiền sư Pháp Đạt khai ngộ. Khi ấy, lại đảnh lễ, đầu ép sát đất. Nếu quý vị hỏi vì sao những người ấy đối với pháp thế gian và xuất thế gian hễ tiếp xúc đều thông đạt ư? Do đắc đại tổng trì, chư vị phải biết điều này. Nếu chúng ta hỏi: “Chúng ta dùng phương pháp gì để có thể đắc đại tổng trì?” Chư Phật Như Lai truyền dạy chúng ta một phương pháp tuyệt diệu, “tín nguyện trì danh, cầu sanh Tịnh Độ”. Vì quý vị sanh về Tịnh Độ, bèn đắc đại tổng trì, tâm địa thanh tịnh, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều thông đạt toàn bộ. Huống hồ còn nghe Phật Di Đà thuyết pháp, còn nghe hết thảy chư Phật thuyết pháp. Dẫu không nghe, cũng thông đạt. Đến nghe để làm Ảnh Hưởng Chúng mà thôi! Vì thế, tôi nói lời chân thật, thật thà cùng mọi người. Sống trong Tây Phương Cực Lạc thế giới là cuộc sống như thế nào? Mỗi ngày đến chơi khắp các cõi Phật trong tận hư không khắp pháp giới, hằng ngày đi du lịch, hằng ngày vui chơi, sống cuộc đời ấy, chẳng có gì không thông đạt. Trí huệ và phước báo thảy đều viên mãn, huống hồ hoàn cảnh…

/ 289