/ 289
491

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 257


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm mười ba:


(Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh cụ túc, thị lợi nghĩa.

(Sao) Thí quán tự tánh, khiếm thiểu hà sự, linh tri thể thượng, Di Đà thánh chúng chung nhật hiện tiền, Thường Tịch Quang trung, Cực Lạc tịnh bang vô thời bất vãng. Nại hà Phật kiến thị lợi, chúng sanh nhược manh, Phật thuyết thị lợi, chúng sanh nhược lung. Tuy thị lao tha kim khẩu tuyên dương, tu thị nhất hồi thân kiến thỉ đắc.

(疏)稱理,則自性具足,是利義。

(鈔)試觀自性,欠少何事,靈知體上,彌陀聖眾終日現前,常寂光中,極樂淨邦無時不往。奈何佛見是利,眾生若盲,佛說是利,眾生若聾,雖是勞他金口宣揚,須是一回親見始得。

(Sớ: Xứng Lý, tự tánh trọn đủ là ý nghĩa “điều lợi này”.

Sao: Thử quán tự tánh, có thiếu khuyết chuyện gì? Nơi cái thể linh tri, Phật Di Đà và thánh chúng suốt ngày hiện tiền. Trong Thường Tịch Quang, cõi tịnh Cực Lạc không lúc nào chẳng đến. Hiềm rằng Phật thấy điều lợi này, chúng sanh như mù; đức Phật nói điều lợi này, chúng sanh như điếc. Tuy Ngài nhọc nhằn miệng vàng tuyên dương, vẫn phải là [chính chúng ta] một phen đích thân trông thấy thì mới đạt được).

Trong đoạn này, Liên Trì đại sư đã nói xứng tánh. Do vậy có thể biết: Mê và ngộ sai biệt quá lớn. Chư Phật Như Lai thấy điều lợi ấy, chúng ta chỉ có thể nói theo Sự. Nói theo Lý, hoàn toàn chẳng phải là cảnh giới của bọn phàm phu chúng ta. Lý là chân tâm, là bản tánh. “Tự tánh” được nói ở đây chính là chân tâm bản tánh, tự tánh vốn trọn đủ, chẳng thiếu khuyết mảy may nào! Lục Tổ Huệ Năng đại sư lúc khai ngộ đã nói: “Nào ngờ tự tánh, vốn tự trọn đủ”, câu nói ấy hoàn toàn tương đồng với lời Liên Trì đại sư đang nói ở đây. Ắt cần phải là sau khi đã triệt ngộ thì mới thấy tự tánh vốn sẵn trọn đủ. Nếu còn thuộc địa vị mê hoặc, cũng có nghĩa là chúng ta mê mất tự tánh, có thể nói: Trước mắt chúng ta, thứ gì cũng đều khiếm khuyết, thứ gì cũng đều chẳng trọn đủ. Lợi và hại sai biệt há chỉ là một trời, một vực. Điều này nói rõ chuyện triệt ngộ và kiến tánh hết sức trọng yếu. Phật pháp chỉ dạy hết thảy chúng sanh chẳng có gì khác, chỉ là dạy chúng ta giác ngộ, chỉ nhằm dạy chúng ta khôi phục tự tánh mà thôi. Kinh Đại Thừa thường nói: “Viên mãn Bồ Đề, quy vô sở đắc” (Viên mãn Bồ Đề, trở về chỗ không có gì để đạt được). Viên mãn Bồ Đề là chứng đắc viên mãn Phật quả rốt ráo; khi ấy, hỏi quý vị rốt cuộc đạt được những gì? Mới hoảng nhiên đại ngộ, thứ gì cũng đều chẳng đạt được. Vì sao thứ gì cũng đều chẳng đạt được? Những gì đạt được thảy đều là vốn có sẵn trong tự tánh! Khi kẻ thuộc địa vị phàm phu như chúng ta quan sát, [sẽ thấy] người ấy đạt được quá nhiều, vô lượng trí huệ, trí huệ rốt ráo viên mãn, vô lượng đức năng, vô lượng tài nghệ, vô lượng thọ mạng, hết thảy các thứ vô lượng đều đạt được. Vì sao nói quý vị thứ gì cũng chẳng đạt được? Vì hết thảy vô lượng đều vốn sẵn trọn đủ trong tự tánh; ngoài tự tánh ra, thứ gì cũng đều chẳng có. Đó là ý nghĩa thật sự của “quy vô sở đắc”. Tánh trọn đủ tuy viên mãn như vậy, nhưng [phàm phu] chẳng thể kiến tánh, chẳng thể thọ dụng mảy may công đức vốn sẵn trọn đủ trong tự tánh. Đương nhiên là lục đạo phàm phu chẳng cần phải nói nữa, càng ngày càng trầm luân, càng khổ sở hơn. Nếu quý vị hỏi: Vì sao khổ ư? Càng mê càng sâu, cuộc sống ngày càng khổ sở hơn. Đạo lý ở chỗ này.

Những điều được nói trong đoạn này hoàn toàn là lời lẽ kiến tánh, hoàn toàn là cảnh giới đã khôi phục bản tánh, quý vị mới thấy “Di Đà thánh chúng” (Phật Di Đà và thánh chúng), Di Đà thánh chúng do đâu mà có? Tự tánh Di Đà, tự tánh Quán Âm, tự tánh Đại Thế Chí, tự tánh Liên Trì Hải Hội, có thứ gì thuộc về bên ngoài hay chăng? Thật đấy! Chẳng giả tí nào! Thường Tịch Quang là toàn thể của tự tánh chúng ta. “Thường” (常) là chẳng gián đoạn, vĩnh hằng, vĩnh viễn là tình trạng như vậy, chưa hề biến đổi, thường hằng. “Tịch” (寂) là tịch tĩnh. Chúng ta nói đến Định, Định đến mức tột cùng bèn gọi là “tịch diệt”. Tịch Diệt Nhẫn trong Ngũ Nhẫn chính là tự tánh vốn định, chẳng phải do tu được. “Quang” (光) là quang minh, cũng là trí huệ viên mãn. Kinh Đại Thừa nói ba chữ ấy chính là “Tam Đức bí tạng”, tức là Pháp Thân, Bát Nhã, Giải Thoát,“Thường” là Pháp Thân, “Tịch” là Giải Thoát, “Quang” là Bát Nhã. Thường Tịch Quang là tướng Tam Đức viên mãn. “Cực Lạc tịnh bang vô thời bất vãng” (Không lúc nào chẳng đến cõi tịnh Cực Lạc). Thường Tịch Quang là thế giới Cực Lạc, thế giới Cực Lạc là Thường Tịch Quang. Cố nhiên ba chữ ấy là Quả Đức, nay chúng ta phải tu. Nếu nhân và quả chẳng tương ứng, dẫu tu tập vất vả thế nào đi nữa, vẫn chẳng thể nhập cảnh giới ấy! Chúng ta khởi đầu tu từ đâu? Tu khởi đầu từ Định. Định là then chốt, chỉ cần đạt được một chữ trong ba chữ “Thường Tịch Quang”, hai chữ kia sẽ đều đạt được. Trong ba chữ ấy, hãy nên thực hiện từ đâu? Thực hiện từ Tịch. Tịch chính là “nhất tâm bất loạn” được nói trong kinh này, mà cũng là Niệm Phật tam-muội được nói trong Tịnh Tông, đấy là mục tiêu tu học của người tu Tịnh Độ chúng ta. Nếu tâm chúng ta thật sự ngày càng thanh tịnh hơn, mỗi năm một thanh tịnh hơn, công phu sẽ đắc lực, tu học đúng vào nề nếp. Vì thế, nhân và quả nhất định phải tương ứng.

/ 289