/ 289
310

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 256

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm mười.

 

  (Sớ) Vấn: Kiến hữu nhất sanh niệm Phật, lâm chung vị tất vãng sanh,  hà dã?  Đáp:  Lương diêu nhất sanh niệm Phật,  vị thị nhất tâm

niệm Phật cố.

(疏)問:見有一生念佛,臨終未必往生,何也?答:良繇一生念佛,未是一心念佛故。

(Sớ: Hỏi: Thấy có kẻ suốt đời niệm Phật, lâm chung chưa chắc vãng sanh, là vì lẽ nào? Đáp: Ấy là vì suốt đời niệm Phật, nhưng chưa phải là nhất tâm niệm Phật).

 

  Đoạn này hết sức trọng yếu. Có kẻ suốt đời niệm Phật mà chẳng thể vãng sanh, hạng người như vậy hết sức nhiều! Chúng ta thường nghe nói: “Người niệm Phật đông đảo, kẻ vãng sanh ít ỏi”. Sự chênh lệch nhiều ít ấy rất lớn, có thể nói là trong một vạn người niệm Phật, sợ rằng người thật sự có thể vãng sanh không tới mười người, nguyên nhân ở chỗ nào? Ở ngay trong đoạn này. Do vậy có thể biết: Những điều được nói trong đoạn này chính là khai thị mấu chốt để chúng ta biết niệm Phật có thể vãng sanh trong một đời này hay không, chúng ta chớ nên không lưu ý.

 

  (Sao) Du du chi đồ, nhất sanh niệm Phật, sở vị tuy bất giải đãi, diệc bất tinh tấn, vị năng nhất tâm, cố bất đắc sanh.

  (鈔)悠悠之徒,一生念佛,所謂雖不懈怠,亦不精進,未能一心,故不得生。

(Sao: Hạng người hời hợt, niệm Phật suốt đời, tuy nói là chẳng biếng nhác, nhưng cũng chẳng tinh tấn, chưa thể nhất tâm, cho nên chẳng được vãng sanh).

 

  Cho biết vì sao niệm Phật chẳng thể vãng sanh, nguyên nhân ở ngay chỗ này! Điều khẩn yếu là bản thân chúng ta có phải là hạng người như Liên Trì đại sư vừa nói hay chăng? Chính mình phải nghiêm túc phản tỉnh, nghiêm túc kiểm điểm, chúng ta có phạm lỗi lầm ấy hay không? Nói là “chẳng biếng nhác” vì người ấy hằng ngày niệm, chẳng phải là không niệm. Một ngày niệm mấy ngàn câu, niệm một vạn câu, hai vạn câu, ba vạn câu, thật sự niệm, nhưng cũng chẳng tinh tấn. Mỗi ngày niệm Phật hiệu nhiều như thế, vì sao nói là chẳng tinh tấn? Niệm thì có niệm, trong tâm vẫn tán loạn! Do vậy có thể biết: Tinh tấn là gì? Niệm đến mức thật sự nhất tâm, niệm tới mức phiền não ít đi, nhất định phải nhìn từ hiệu quả này. Xác thực là chúng ta ít vọng tưởng, ít phiền não, tâm thanh tịnh, đó là tinh tấn, quý vị đạt được hiệu quả. Đừng nói là người tại gia niệm vài chục năm, trong tâm vẫn loạn thành một nùi, người xuất gia cũng chẳng phải là ngoại lệ, thị phi, nhân ngã, vọng tưởng, chấp trước có tăng, chẳng giảm, chẳng cảm thấy giảm bớt, dẫu niệm Phật hiệu mà chẳng có tác dụng! Tuy niệm Phật hiệu, chẳng tinh tấn, chẳng có tiến bộ. “Chưa thể nhất tâm”, thành tích được khảo sát nơi nhất tâm, chúng ta có phải là niệm đến mức nhất tâm hay không? Muốn thật sự niệm đến nhất tâm, nhất định là phải buông xuống muôn duyên, những thứ chẳng tất yếu thảy đều bỏ hết. Những thứ chẳng bắt buộc phải xem, chẳng cần xem! Những thứ chẳng bắt buộc phải nghe, không cần nghe! Những thứ chẳng bắt buộc phải nói, cũng không cần phải nói, tâm quý vị tự nhiên thanh tịnh. Các đồng tu tại gia ai nấy có sự nghiệp, có gia đình, những chuyện có quan hệ mật thiết đối với sự nghiệp và gia đình thì chúng ta phải xem, phải nghe, phải nói; những chuyện nào chẳng có quan hệ quá to tát đối với sự nghiệp và gia đình ta, chúng ta có thể chẳng nghe, chẳng hỏi, chẳng nói tới. Nói cách khác, phải giảm vọng tưởng, phân biệt, chấp trước tới mức độ thấp nhất, khiến cho cái tâm định, tâm tĩnh lặng thì mới có thành tích đáng nói, mới có thể vãng sanh. Vì thế, trước hết là nói toạc ra nhân duyên khiến cho [hành nhân Tịnh Độ] chẳng thể vãng sanh.

 

  (Sao) Nhược quả chân thật dụng tâm, nhi vị thuần nhất, tuy kim thế bất sanh, diệc thực sanh nhân, tất ư lai thế thành tựu tam-muội nhi đắc sanh bỉ.

  (鈔)若果真實用心,而未純一,雖今世不生,亦植生因,必於來世成就三昧而得生彼。

(Sao: Nếu là thật sự dụng tâm, nhưng chưa thuần nhất, tuy chẳng thể vãng sanh trong đời này, cũng đã gieo cái nhân vãng sanh, ắt sẽ trong đời sau, thành tựu tam-muội mà được vãng sanh cõi ấy).

 

  Thật sự dụng tâm, cũng rất đúng pháp, nhưng chưa thể đạt tới “thuần nhất”, hai chữ này trọng yếu! Trong phần trước nói “chưa thể nhất tâm”, ở đây nói là “chưa thể thuần nhất”. Thật sự đạt đến thuần nhất, trong một đời này, quyết định được vãng sanh. Trong đoạn lớn này, quý vị chỉ ghi nhớ một điều, “nhất tâm” hoặc “thuần nhất”, quý vị sẽ được thọ dụng. Chẳng thể thuần nhất, khi vãng sanh bèn tùy thuộc duyên phận. Duyên thù thắng, khi lâm chung gặp thiện hữu trợ niệm, thiện hữu khai thị, nhắc nhở, một niệm cuối cùng là niệm Phật, bèn vãng sanh. Nếu trong sát-na lâm chung, chẳng gặp thiện tri thức, người nhà, quyến thuộc lại khóc lóc, lại làm ồn, vướng mắc đầy dạ, do một niệm sai lầm sẽ chẳng thể vãng sanh; đó là thời khắc mấu chốt. Đó là chẳng thể thuần nhất, bèn sợ khi lâm chung có kẻ nhiễu loạn. Họ cũng chẳng cố ý làm hại quý vị, mà là do tình cảm con người trong thế gian này! Nhưng đối với người niệm Phật mà nói, những điều đó đều là ma chướng, khi lâm chung, chúng đến dày vò quý vị, đến chướng ngại quý vị vãng sanh. Tập sách nhỏ có tên là Sức Chung Tu Tri (飭終須知: những điều cần biết để giúp đỡ người lâm chung) chính là tác phẩm diễn dịch cuốn Sức Chung Tân Lương (飭終津梁: hướng dẫn khi trợ niệm lâm chung) từ văn chương Văn Ngôn sang văn Bạch Thoại, đọc dễ hiểu hơn. Chúng ta hãy nên ấn hành nhiều để giúp đỡ người khác, nhắc nhở họ khi lâm chung phải biết tu học như thế nào, điều này hết sức quan trọng. Chính mình phải hiểu, người nhà quyến thuộc cũng phải biết, mới chẳng đến nỗi tạo thành chướng ngại. Suốt một đời thật sự niệm Phật, chẳng đạt đến thuần nhất, khi lâm chung chẳng thể vãng sanh, nhưng người ấy cũng đã gieo cái nhân rất tốt. Do cái nhân ấy, có thể tiếp tục niệm Phật trong đời sau, sẽ có thể vãng sanh. Vì một người thật sự niệm Phật, tâm địa từ bi, thiện lương, quyết định chẳng bị đọa vào ba ác đạo. Đời sau ở trong cõi trời, người, được làm thân người hay thân trời, còn có cơ duyên gặp gỡ pháp môn này lại tiếp tục tu hành.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289