A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 255
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang năm trăm lẻ sáu:
(Sao) Na Tiên kinh vân: “Vương vấn Na Tiên, nhân sanh tạo ác, lâm chung niệm Phật, đắc sanh Phật quốc, ngã bất tín thị ngữ”.
(鈔)那先經云:王問那先,人生造惡,臨終念佛,得生佛國,我不信是語。
(Sao: Kinh Na Tiên chép: “Vua hỏi ngài Na Tiên: - Người suốt đời tạo ác, lâm chung niệm Phật, được sanh về cõi Phật, ta chẳng tin lời ấy”).
Na Tiên (Nāgasena) là danh hiệu của một vị xuất gia. Quốc vương [Di Lan Đà (Menander, Milinda)] gặp Ngài, hướng về Ngài thỉnh giáo một vấn đề: “Người suốt đời tạo ác, lâm chung niệm Phật bèn sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ta chẳng thể tin tưởng chuyện này!” Hỏi một vấn đề như vậy.
(Sao) Na Tiên đáp ngôn: Như trì đại thạch, trí ư thuyền thượng, nhân đắc bất một.
(鈔)那先答言:如持大石,置於船上,因得不沒。
(Sao: Ngài Na Tiên đáp: “Như lấy đá to đặt trên thuyền, do vậy đá chẳng chìm”).
Ngài Na Tiên trả lời, trước hết là nêu ra một tỷ dụ: Đá bỏ vào nước nhất định bị chìm. Nếu đặt đá ấy trên thuyền, đá chẳng bị chìm vào nước.
(Sao) Nhân tuy bổn ác, nhân niệm Phật cố, bất đọa Nê Lê.
(鈔)人雖本惡,因念佛故,不墮泥犁。
(Sao: Người tuy vốn ác, do niệm Phật nên chẳng đọa địa ngục).
Nê Lê (Nāraka, Niraya) là địa ngục, chẳng đọa địa ngục.
(Sao) Nhi đắc vãng sanh, diệc phục như thị.
(鈔)而得往生,亦復如是。
(Sao: Bèn được vãng sanh cũng giống như thế).
Giống như đá đặt trên thuyền, sẽ chẳng bị chìm trong nước. Người niệm Phật nương vào đại nguyện thuyền của đức Phật, cũng chẳng bị đọa trong ba ác đạo. Tỷ dụ này rất rõ ràng, đơn giản, cũng chẳng khó hiểu. Nếu muốn thâm nhập truy cứu, trong ấy vẫn có vấn đề! Chúng ta hiểu: Phàm là người niệm Phật vãng sanh, nếu chẳng sám hối tội lỗi, quyết định là chẳng thể vãng sanh, nhất định là phải sám hối tội lỗi. Sám hối tội lỗi có công đức rất lớn! Dẫu suốt một đời tạo tội nghiệp, lâm chung sám hối, chân thành, cung kính, gột lòng, đổi hạnh, tuy thời gian ngắn ngủi, tạm bợ, cũng có thể gột rửa tâm địa sạch làu, như vậy thì mới có thể tương ứng với bổn nguyện của Phật. Chúng ta thường nghe nói pháp môn Tịnh Tông đới nghiệp vãng sanh, [nhưng phải nhớ kỹ] chỉ mang theo nghiệp cũ, chẳng mang theo nghiệp hiện hành. Nói như vậy thì mới là thật sự hiểu rõ rệt, thật sự hiểu rành rẽ lời này, cho thấy sám hối tội lỗi chẳng thể nghĩ bàn, nguyện lực của A Di Đà Phật chẳng thể nghĩ bàn. Đấy mới là thật sự giải đáp vấn đề!
(Sao) Tắc kỷ chi tâm lực, Phật chi nguyện lực, giao tương thành dã.
(鈔)則己之心力,佛之願力,交相成也。
(Sao: Tức là do tâm lực của chính mình và nguyện lực của Phật kết hợp với nhau mà thành).
Tâm lực của chính mình là sức mạnh sám hối tội lỗi. Đó là hai thứ sức mạnh (tâm lực của chính mình và nguyện lực của Phật), cho nên [pháp môn Tịnh Độ] được gọi là “nhị lực pháp môn”.
(Sớ) Vấn: Ký vân vãng sanh, tích nhân hựu vị “sanh tắc quyết định sanh, khứ tắc thật bất khứ”, thị nãi hữu sanh vô vãng, kim viết “vãng sanh”, nhị nghĩa tương lệ.
(疏)問:既云往生,昔人又謂生則決定生,去則實不去,是乃有生無往,今曰往生,二義相戾。
(Sớ: Hỏi: Đã nói là “vãng sanh”, người xưa lại nói: “Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi”, tức là có sanh, nhưng chẳng có vãng, nay nói là “vãng sanh”, hai nghĩa mâu thuẫn).
Thoạt nhìn thì thấy có xung đột, có mâu thuẫn. Tịnh Tông có một tập sách nhỏ có tựa đề là Tịnh Độ Sanh Vô Sanh Luận giảng rõ chân tướng vãng sanh. Nói chẳng sai, nhưng nhất định phải hiểu ý nghĩa thật sự của nó, ngàn muôn phần đừng nẩy sanh hiểu lầm nơi văn tự. [Nếu chấp trước văn tự rồi nẩy sanh hiểu lầm] thì sai mất rồi, sẽ nẩy sanh chướng ngại đối với việc cầu sanh Tịnh Độ của chúng ta. Ở đây, đại sư trả lời rất hay:
(Sớ) Đáp: Dĩ sanh ư tự tâm, cố bất vãng nhi vãng, danh vi “vãng sanh”, như Hoa Nghiêm Giải Thoát trưởng giả thuyết.
(Diễn) Dĩ sanh ư tự tâm cố bất vãng nhi vãng giả.
(疏)答:以生於自心,故不往而往,名為往生,如華嚴解脫長者說。
(演)以生於自心故不往而往者。
(Sớ: Đáp: Do sanh trong tự tâm, nên chẳng vãng mà vãng, gọi là “vãng sanh”, như trong kinh Hoa Nghiêm, trưởng giả Giải Thoát đã nói.