/ 289
496

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 251


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm chín mươi hai:


(Sao) Diệc vô nhũ dưỡng giả, minh tự nhiên tăng trưởng, phi như Bắc Châu, do đãi chỉ đoan xuất nhũ nhi vi dưỡng dã.

(鈔)亦無乳養者,明自然增長,非如北洲,猶待指端出乳而為養也。

(Sao: “Cũng chẳng có bú mớm, nuôi nấng”, nói rõ [trong cõi Cực Lạc] tăng trưởng tự nhiên, chẳng như Bắc Câu Lô Châu còn phải đợi đầu ngón tay tiết ra sữa nuôi dưỡng[1]).


Đây là nói rõ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, ở bên ấy là hóa sanh trong hoa sen, quả báo hết sức thù thắng. Trong thế giới này, đức Phật nói có bốn đại bộ châu[2]. Bắc Châu có phước báo lớn nhất. Ở đây, nêu thí dụ để thuyết minh. [Phước báo của] người trong Bắc Câu Lô Châu (Uttarakuru) tuyệt đối chẳng thể sánh bằng phước báo trong thế giới Tây Phương.


(Sớ) Kỳ vãng sanh giả, diêu thượng nhất tâm bất loạn, tác tam cửu nhân. Cánh tế phân chi, diệc ưng vô lượng.

 (Sao) Tam cửu giả, Đại Bổn tam bối, Quán Kinh cửu phẩm dã.

(疏)其往生者,繇上一心不亂,作三九因;更細分之,亦應無量。

(鈔)三九者,大本三輩,觀經九品也。

(Sớ: Người vãng sanh do nhất tâm bất loạn như đã nói trong phần trên mà chia thành ba hoặc chín cái nhân. Nếu chia tỉ mỉ, cũng phải là vô lượng.

Sao: “Ba, chín”: Ba bậc trong kinh Đại Bổn, chín phẩm trong Quán Kinh).


“Ba, chín” chính là “tam bối” (ba bậc) được nói trong kinh Vô Lượng Thọ, Quán Kinh nói là “chín phẩm”. Ba bậc hoặc chín phẩm đều là phân chia đại lược; trên thực tế, vãng sanh thế giới Tây Phương, do trình độ của mỗi người khác nhau, sai biệt hết sức to lớn.

(Sao) Dĩ nhất tâm phân Sự Lý, Sự Lý diệc phục các phân thắng liệt, hậu đắc vãng sanh, như kỳ bổn nhân nhi vi phẩm vị dã.

(鈔)以一心分事理,事理亦復各分勝劣,後得往生,如其本因而為品位也。

(Sao: Do nhất tâm được chia thành Sự và Lý, Sự và Lý [nhất tâm] cũng đều chia thành thù thắng và kém cỏi, cho nên sau khi được vãng sanh cũng tùy thuộc cái nhân ấy mà chia thành phẩm vị [khác biệt]).


Đây là nói đại lược nguyên do của phẩm vị. Trên thực tế, chuyện phẩm vị xác thực là có, nhưng xét theo cái tâm của người trong thế giới Tây Phương thì thưa cùng chư vị, xác thực là chẳng có! Vì sao? Người ta tâm địa thanh tịnh, trước nay chưa từng nghĩ ta là thượng phẩm hay trung phẩm, chẳng có ý niệm ấy. Nếu có ý niệm ấy, người ấy đã xen tạp, tâm chẳng thanh tịnh. Do vậy, người trong thế giới Tây Phương xác thực là chẳng có quan niệm này. Hạ hạ phẩm vãng sanh cũng chẳng có ý niệm ấy, mà thượng thượng phẩm vãng sanh cũng chẳng có ý niệm ấy. Thế giới Tây Phương là một thế giới bình đẳng. Thật ra là có, nhưng họ chẳng khởi ý niệm ấy; xét theo mức độ thì thật sự có, giống như học trò đi học. Chúng ta mở một khóa giảng về Phật học, người tham dự khóa giảng ấy có kẻ trình độ Tiểu Học, có người trình độ Trung Học, có kẻ trình độ Đại Học, có người thuộc trình độ nghiên cứu sinh, nhưng trong khóa giảng ấy, mọi người quên khuấy các cấp độ trong nhà trường, cùng nhau học Phật ở nơi đây. Thế giới Tây Phương có tình hình giống như vậy, nhất định phải biết điều này. Do trình độ bất đồng, cho nên đến thế giới Tây Phương tu hành thành Phật có sớm hay muộn khác nhau. Có người đến đó, chẳng bao lâu đã thành Phật, có kẻ phải mất một thời gian rất dài mới có thể thành Phật. Từ chỗ này, chứng tỏ thật sự là có trình độ khác nhau. Từ chỗ thành Phật sớm hay muộn mà chia rõ ràng thành ba bậc hoặc chín phẩm. Nếu chẳng nhìn từ chỗ này, thế giới Tây Phương xác thực là bình đẳng.

/ 289