/ 289
404

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 252


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm chín mươi sáu:


(Sao) Ước Hạnh, tắc báo hành thuần thục, trí minh ư Lý, vô tướng, vô công, khoáng nhược hư không, trạm như đình hải, tâm thức vọng hoặc tịch nhiên bất khởi, phương viết Vô Sanh.

(鈔)約行,則報行純熟,智冥於理,無相無功,曠若虛空,湛如渟海,心識妄惑寂然不起,方曰無生。

(Sao: Xét theo Hạnh thì báo hành thuần thục, trí ngầm hợp Lý, chẳng có hình tướng, chẳng có công năng, thênh thang như hư không, êm ả như biển lặng, vọng hoặc trong tâm thức lặng yên chẳng dấy lên thì mới gọi là Vô Sanh).

Lần trước, chúng tôi đã giảng đến chỗ này. Trong đoạn này, chúng ta hãy nên chú ý “báo hành thuần thục”. Đó là cảnh giới của Bát Địa Bồ Tát, chẳng phải là cảnh giới của bọn phàm phu chúng ta. Không chỉ là minh tâm kiến tánh, mà còn là kiến tánh ở mức độ khá sâu. Theo kinh Nhân Vương, đó là Vô Sanh Nhẫn Bồ Tát, ở đây nói đến cảnh giới của các Ngài. Chúng ta lại xem phần kinh văn tiếp theo:


(Sao) Tiền thuyết do thông chư địa.

(鈔)前說猶通諸地。

(Sao: Những điều nói trong phần trước còn áp dụng cho các địa).


“Tiền thuyết” là [luận định Vô Sanh Pháp Nhẫn] xét theo Pháp. Xét theo Pháp thì có thể nói từ Sơ Địa trở lên. Những điều được nói ở đây cũng đều là cảnh giới của hàng Bồ Tát thuộc các địa.


(Sao) Hậu duy Bát Địa sở chuyên.

(鈔)後唯八地所專。

 (Sao: Những điều nói trong loại sau chuyên về Bát Địa).


Xét theo Hạnh, báo hành thuần thục là từ Bát Địa trở lên, từ Thất Địa trở xuống đều chẳng đạt tới cảnh giới này. Có thể thấy là cảnh giới này khá cao.


(Sao) Dư như tiền Tự trung biện, cố tri Vô Sanh Nhẫn vị, tự hữu thiển thâm, tắc thượng thượng phẩm trung, tùng Nhất Địa dĩ thượng chí Bát Địa, dĩ dung đa phẩm, dư khả tri hỹ. Cố tế phân chi, diệc ưng vô lượng.

(鈔)餘如前序中辨,故知無生忍位,自有淺深,則上上品中,從一地以上至八地,已容多品,餘可知矣。故細分之,亦應無量。

(Sao: Những điều khác thì như đã biện định trong phần Tựa nơi các đoạn trước. Vì thế, biết là đối với địa vị Vô Sanh Pháp Nhẫn, sẽ có các [địa vị] sâu hay cạn. Cho nên trong thượng thượng phẩm, từ Sơ Địa cho đến Bát Địa đã bao gồm nhiều phẩm, [do vậy], đối với những phẩm khác, có thể suy ra mà biết. Vì thế, nếu phân chia tỉ mỉ, cũng phải là vô lượng).

Đây là nói rõ [chia phẩm vị vãng sanh] thành ba bậc hoặc chín phẩm là phân chia đại lược, chẳng phải là chia cặn kẽ. Nếu chia cặn kẽ, thật sự là nói chẳng trọn hết. Chúng ta biết tình hình này là được rồi.


(Sớ) Hựu tam bối, cửu phẩm, nhị kinh tương phối, chư thuyết sảo dị, như Phụ Chánh sở giải dung chi.

(疏)又三輩九品,二經相配,諸說稍異,如輔正所解融之。

(Sớ: Lại nữa, phối hợp giữa ba bậc và chín phẩm của hai kinh thì các thuyết sai khác đôi chút, như trong tác phẩm Phụ Chánh[1] đã giải thích dung thông).


Kinh Vô Lượng Thọ nói “tam bối”, kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật nói “cửu phẩm”. Chúng ta hợp hai kinh lại để xem, rồi lại coi những lời giải thích của cổ đức. Trong ấy, đúng là “người nhân thấy là nhân, kẻ trí thấy là trí”, có rất nhiều cách nhìn khác nhau. Sau khi Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ xuất hiện, đối với cách nhìn của cổ đức, xác thực là có khá nhiều biện định, chứng minh. Vì cổ đức thường cho rằng: Ba phẩm thượng vãng sanh là thánh nhân, là Bồ Tát vãng sanh. Vãng sanh trong ba phẩm trung là Tiểu Thừa Tứ Quả La Hán vãng sanh. Ba phẩm hạ mới là bọn phàm phu chúng ta. Nói cách khác, phàm phu chẳng có phần trong ba phẩm thượng. Đối với chuyện này, Thiện Đạo đại sư đã giải thích rất cặn kẽ, nêu ra khá nhiều chứng minh nhằm chứng tỏ chín phẩm đều là phàm phu vãng sanh. Lão nhân gia nói hết sức hay, vì sao phàm phu vãng sanh có nhiều phẩm vị ngần ấy? Lão nhân gia đã quy kết triệt để bằng một câu: “Do gặp duyên khác nhau mà có chín phẩm sai biệt”. Câu nói này hết sức hay, nêu ra sự thật chân chánh. Theo cách nói ấy, phàm phu chúng ta cũng có phần trong thượng thượng phẩm vãng sanh, chẳng nhất định là phải chứng đắc Tứ Quả, hoặc chứng đắc quả vị Bồ Tát, quả vị Bồ Tát ấy còn chẳng phải là Bồ Tát bình phàm, mà là từ Sơ Trụ Bồ Tát trở lên trong Viên Giáo! Chúng ta thấy ở đây, Liên Trì đại sư cũng nêu ra [ý kiến của] vài vị. Đó là xét theo cách nhìn bất đồng:

/ 289