/ 289
440

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 250


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm chín mươi mốt.


(Sao) Hựu ngôn “nhất thiết quốc độ, duy tưởng sở trì”. Tịnh tưởng thành tựu, tất đắc vãng sanh; cố vô nghi dã.

(鈔)又言一切國土,唯想所持,淨想成就,必得往生,固無疑也。

(Sao: Lại nói “hết thảy các cõi nước chỉ do tưởng mà được duy trì”. Tịnh tưởng thành tựu, ắt được vãng sanh, cho nên chẳng nghi ngờ).


Câu này do đức Phật dạy trong kinh. Chúng ta hãy đọc nguyên văn lời chú giải một lượt.

(Diễn) Nhất thiết quốc độ duy tưởng sở trì giả, Khởi Tín Luận vân: “Nhất thiết chư pháp, duy y vô minh vọng tâm nhi đắc trụ trì. Nhược ly vọng tâm, tắc vô nhất thiết chư pháp tự tướng khả đắc”. Lăng Nghiêm kinh vân: “Tưởng trừng thành quốc độ, tri giác nãi chúng sanh” đẳng.

(演)一切國土唯想所持者,起信論云:一切諸法,唯依無明妄心而得住持,若離妄心,則無一切諸法自相可得。楞嚴經云:想澄成國土,知覺乃眾生等。

(Diễn: “Hết thảy các cõi nước chỉ do tưởng mà duy trì”: Khởi Tín Luận ghi: “Hết thảy các pháp chỉ nương vào vô minh vọng tâm mà tồn tại. Nếu lìa vọng tâm thì chẳng có tự tướng của hết thảy các pháp để có thể được”. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Tưởng lắng đọng thành cõi nước, do tri giác mà có chúng sanh” v.v…).


Hai câu này đã nêu ra đơn giản nhưng minh bạch chân tướng của vũ trụ và nhân sinh. Đấy mới là tướng chân thật. Những điều Mã Minh Bồ Tát đã nói trong Đại Thừa Khởi Tín Luận đều căn cứ trên các lời dạy trong kinh điển nhà Phật, tổng hợp cách giảng của đức Phật. “Nhất thiết chư pháp” (Hết thảy các pháp), trong Phật pháp thường nói “y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới”, đó là hết thảy các pháp. Nếu nói theo cách hiện thời, [sẽ là] “vạn hữu trong vũ trụ”, bao gồm không gian vô hạn, bao gồm vô lượng tinh cầu, cùng với tất cả hết thảy sinh vật, thực vật, khoáng vật, đất đai trong các tinh cầu, thảy đều được bao gồm trong ấy. Những thứ ấy rốt ráo là do đâu mà có? Chúng “có” như thế nào? Từ xưa tới nay, khá nhiều nhà khoa học Trung Hoa và ngoại quốc đã thăm dò, nghiên cứu. Cận đại, có thuyết được gọi là Tiến Hóa Luận. Thật ra, Tiến Hóa Luận là do chẳng có cách nào giải thích viên mãn, cũng có nghĩa là trong thuyết ấy có rất nhiều lỗ hổng. Nói cách khác, đấy chỉ là sự phỏng đoán, tưởng tượng của một số người mà thôi, có phải là chân tướng sự thật hay không? Chẳng phải! Những điều đức Phật đã dạy trong kinh mới là chân tướng sự thật. Đối với chân tướng sự thật ấy, trong kinh luận thường nói là “bất khả tư nghị”. “Tư” (思) là gì? Tư duy, tưởng tượng. Vì sao nói là chẳng thể tư duy, tưởng tượng? Tư duy, tưởng tượng chẳng đạt được, quyết định là chẳng thể hiểu rõ. Chẳng thể dùng tư duy, tưởng tượng để có thể hiểu rõ chân tướng này, mà cũng chẳng có cách nào dùng ngôn ngữ để nói rành rẽ, hoặc dùng văn tự để viết ra, đều là chẳng có cách nào! Vì thế, gọi là “bất khả tư nghị”. Như thế nào thì mới có thể chứng đắc, mới có thể hiểu rõ? Đức Phật dạy: Chỉ có tâm thanh tịnh. Khi tâm đạt đến thanh tịnh, thường nói là “tâm như nước lặng”, một niệm chẳng sanh; khi ấy, tác dụng của tâm hết sức rộng lớn. Bát Nhã Tâm Kinh nói “chiếu kiến”, tâm thanh tịnh khởi tác dụng là chiếu kiến. Quý vị đã trông thấy, hoàn toàn hiểu rõ chân tướng. Quý vị hiểu rõ chân tướng ấy hoàn toàn giống hệt như đức Phật đã dạy trong kinh. Đức Phật thấy chân tướng ấy, quý vị cũng thấy chân tướng ấy, đối chiếu những điều đức Phật đã thấy với những điều quý vị thấy, có thể thấy là những điều [bản thân chúng ta] trông thấy quyết định chẳng có sai lầm. Hễ có sai lầm, sẽ chẳng phải là chân tướng. Chân tướng thì nhất định là ai nấy đều thấy như nhau, đó chính là chân tướng. Tôi thấy khác với quý vị, đó chẳng phải là chân tướng. Tức là như trong câu tôi vừa mới nói, hết thảy vạn hữu trong thế gian này chẳng phải là chân tướng. Vì sao? Tôi thấy khác với quý vị, quý vị lại chẳng thấy giống như kẻ khác! Sự thật bày ra trước mắt chúng ta, mỗi người nhìn rồi cảm nhận khác nhau, đó chẳng phải là chân tướng.

Những hiện tượng ấy phát sanh như thế nào? “Duy y vô minh vọng tâm” (Chỉ nương vào vô minh vọng tâm). Pháp Tướng Duy Thức Tông đã nói về chuyện này rất rõ ràng, rất thấu triệt, rất minh bạch, chỉ rõ chân tướng của vạn hữu trong vũ trụ, nhưng bộ phận kinh luận ấy hết sức phức tạp, rắc rối. Vì sao? Muôn vàn hình tượng trong vũ trụ quá phức tạp, quý vị muốn nói rõ ràng, nói minh bạch, đương nhiên là phức tạp, chẳng thể nào bằng mấy câu đơn giản mà có thể trao đổi rành rẽ được! Vì thế, [Duy Thức] phân tích từng chuyện một hết sức chi ly. Nói tổng quát, [vạn tượng trong vũ trụ] do vọng tưởng biến hiện. Ở đây, [sách Diễn Nghĩa] gọi vọng tưởng, chấp trước là “vô minh vọng tâm”. Vọng tâm có thể biến, cảnh giới được biến hiện giống hệt như nằm mộng. Cảnh giới trong mộng rất ngắn, vừa tỉnh giấc bèn biết là mới vừa nằm mộng, suy nghĩ chuyện trong mộng vẫn nhớ rất rành rẽ. [Thế nhưng, phàm nhân] trọn chẳng biết cảnh giới hiện thực của chúng ta chính là mộng cảnh! Lại còn nằm mộng trong mộng, quý vị có kinh nghiệm này hay không? Khi nằm mộng, trong giấc mộng lại nằm mộng. Hoàn cảnh hiện tiền của chúng ta là ở trong mộng. Vì thế, cổ đức thường nói: “Đại tác mộng trung Phật sự, kiến lập thủy nguyệt đạo tràng” (Làm Phật sự to lớn trong mộng, tạo dựng đạo tràng như bóng trăng trong nước); làm Phật sự to lớn trong giấc mộng, xác thực là một mộng cảnh. Biết đấy là mộng cảnh, bèn giác ngộ. Biết mộng cảnh là gì? Nguyên lai, hết thảy đều chẳng thật. Tuy là có, nhưng cái Có ấy được gọi là Huyễn Hữu, hoặc được gọi là Giả Hữu, trong Phật pháp thường nói tới Diệu Hữu. Diệu Hữu là chẳng thật, rất kỳ diệu, tuy chẳng phải thật sự, nhưng nó có! Tuy có, nó chẳng phải là thật, chẳng thật sự tồn tại, nên cái Có ấy được gọi là Diệu Hữu. Vì vậy, thức có thể biến, biến hiện y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Thức có thể trì, Trì (持) là gìn giữ, gìn giữ cho nó tồn tại trong một giai đoạn. Trong Duy Thức Học, sự gìn giữ ấy được gọi là Tương Tục Tướng (相續相: tướng liên tục), sanh diệt trong từng sát-na. [Tướng ấy sanh và diệt] trong từng sát-na một, [tướng trong sát-na trước không phải là tướng trong sát-na sau], nhưng chúng có hình trạng rất gần gũi, thuộc loại Tương Tự Tương Tục Tướng (gần như là tướng liên tục. Do sanh diệt rất nhanh, nên có cảm giác là liên tục), chuyện là như vậy đó. Do vậy, chính là “vô minh vọng tâm nhi đắc trụ trì” (do vô minh vọng tâm mà tồn tại).

/ 289