/ 289
446

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 249


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm tám mươi chín. Đoạn này bàn luận xứng tánh, đương nhiên là kinh nghĩa sâu hơn đôi chút, có thể hiểu thì càng tốt, chẳng hiểu cũng không sao! Điều khẩn yếu là phải thật thà niệm Phật, đấy mới là điều quan trọng nhất.


(Sao) Vọng tâm vị tận, u u miên miên, thị vi mạng căn vị đoạn, Hoặc đoạn, chấp Không, tình tiêu, kiến tạ, nhân vong, gia phá, yên diệt, hôi phi, mạng chung chi vị dã. Chư vọng tận trừ, bất trực chân hà đãi? Cầu Phật bất hiện tiền, bất khả đắc dã.

(鈔)妄心未盡,幽幽綿綿,是為命根未斷,惑斷執空,情消見謝,人亡家破,煙滅灰飛,命終之謂也。諸妄盡除,不直真何待,求佛不現前,不可得也。

(Sao: Vọng tâm chưa hết, mờ mờ mịt mịt, đó là “mạng căn chưa đoạn”. Hoặc đã đoạn, nhưng chấp trước nơi Không, tình chấp tiêu trừ, kiến chấp rơi rụng, người chết, nhà tan, khói tắt, tro bay, chính là ý nghĩa “mạng chung”. Trừ sạch các vọng, há còn chẳng phải là chân ư? [Khi ấy], cầu Phật chẳng hiện tiền, trọn chẳng thể được).


Trong hai chữ “vọng tâm” còn có [mức độ] cạn hay sâu sai khác rất lớn. Trong lục đạo, đối với những vọng tâm thô hay tế, phàm phu thảy đều trọn đủ. Đức Phật dạy có hai loại sanh tử:

- Một loại rất thô, được gọi là Phần Đoạn sanh tử.

- Loại kia vi tế hơn, gọi là Biến Dịch sanh tử.

Đối với Phần Đoạn sanh tử, chỉ cần đoạn cái vọng tâm Kiến Tư (chúng ta thường nói là Kiến Tư phiền não, hoặc nói là Kiến Tư Hoặc), Phần Đoạn sanh tử sẽ chẳng còn nữa, nhưng Biến Dịch sanh tử hãy còn. Biến Dịch (變易: biến đổi) là như chúng ta mỗi năm tuổi một cao hơn, mỗi năm sẽ từ trẻ trung biến thành già nua hơn, đó là Biến Dịch. Biến (變) là biến hóa, Dịch (易) là thay đổi, chẳng giống như trước. Sự biến dịch ấy tuyệt đối chẳng phải là mỗi năm một thay đổi; nói thật ra, nó biến đổi trong từng sát-na. Nay chúng ta hai thứ sanh tử ấy đều có. Đoạn hết vọng tâm thô thì gọi là Tận. Phần Đoạn sanh tử trong tam giới lục đạo là từng giai đoạn [sanh tử] một; đối với mỗi giai đoạn, [hãy xét như sau để hiểu]: Giống như cả một đời này của chúng ta là một đoạn lớn. Nếu chia nhỏ hơn và cũng chia rất vi tế, mỗi ngày là một giai đoạn, mỗi giờ cũng là một giai đoạn. Vì thế, phân biệt thành thô hay tế sẽ là rất nhiều, [mỗi giai đoạn ấy đều là Phần Đoạn sanh tử]. Sau khi đã giải quyết xong Phần Đoạn sanh tử trong tam giới, người ấy vẫn có Biến Dịch sanh tử. Từ Tiểu Thừa A La Hán cho đến Đẳng Giác Bồ Tát đều có Biến Dịch sanh tử[1]. Đại Thừa Viên Giáo Bồ Tát có năm mươi mốt địa vị, cứ mỗi địa vị biến hóa bèn gọi là một lần biến dịch. Biến Dịch, nói thật ra là “chẳng có sanh tử”. “Sanh tử” là hình dung từ, [chứ chẳng phải là sanh tử thật sự], [dùng chữ] “sanh tử” [nhằm hình dung] nỗi khổ sở [trong mỗi lần biến dịch]! Mỗi lần thay đổi là một lần khổ nạn, giống như chúng ta học hành trong nhà trường, học từ lớp Một rất vất vả, sau đấy phải trải qua thi cử, sang năm lên lớp Hai. Từ lớp Một biến thành lớp Hai được gọi là Biến Dịch sanh tử. Lớp Một đã “chết”, lớp Hai “sanh” ra, có ý nghĩa này. Quả vị của Bồ Tát cũng giống như thế, từ địa vị Thập Tín Bồ Tát biến thành Thập Trụ, từ Thập Trụ biến thành Thập Hạnh, từ Thập Hạnh biến thành Thập Hồi Hướng, lại biến thành Thập Địa, đó gọi là Biến Dịch. Sự biến dịch này xác thực chẳng phải là thân thể này có sanh tử, mà là trải qua một phen nỗ lực, nỗ lực cũng rất vất vả để tiến lên một tầng cấp cao hơn, có ý nghĩa này. Những điều này đều gọi là “vọng tâm vị tận” (vọng tâm chưa hết sạch). Do vậy có thể biết: Nếu vọng thật sự đã hết, sẽ là hạng người nào? Là Phật. Phật chẳng có Biến Dịch, đương nhiên là đã chẳng có Phần Đoạn từ lâu. Đó mới là “liễu sanh tử”, thật sự thoát ly, vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử. Hai thứ sanh tử thảy đều giải quyết xong xuôi! “Vọng tâm vị tận” (Vọng tâm chưa hết) có phạm vi bao hàm rất lớn, hai loại sanh tử đều được bao hàm trong đó.

/ 289