367

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 248

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm tám mươi sáu:

 

  (Sao) Kiêm Bồ Tát, Thanh Văn giả, như Quán Kinh thượng phẩm thượng sanh vân: “Phật dữ Quán Âm, Thế Chí, vô số hóa Phật, bách thiên tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên, hiện kỳ nhân tiền, nhi diệc hữu Phật bất lai nghênh, Bồ Tát lai giả, kim tùng đa phần.

(鈔)兼菩薩聲聞者,如觀經上品上生云:佛與觀音勢至,無數化佛,百千比丘,聲聞大眾,無量諸天,現其人前;而亦有佛不來迎,菩薩來者,今從多分。

(Sao: “Kiêm Bồ Tát, Thanh Văn”: Như trong phần thượng phẩm thượng sanh của Quán Kinh có nói: “Phật và Quán Âm, Thế Chí, vô số hóa Phật, trăm ngàn tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên, hiện trước người ấy”. Cũng có trường hợp, Phật chẳng đến đón, Bồ Tát đến đón, nay nói theo đa số).

 

Tiếp tục nói về trạng huống “kỳ nhân lâm mạng chung thời” (khi người ấy sắp lâm chung) Phật đến tiếp dẫn. Trong kinh có nói Bồ Tát, Thanh Văn, đại chúng theo A Di Đà Phật cùng đến tiếp dẫn. Ở đây, đại sư trích dẫn kinh văn trong phần Thượng Phẩm Thượng Sanh của kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật: “Phật và Quán Âm, Thế Chí”, đấy là Tây Phương Tam Thánh, “vô số Hóa Phật” đó là thượng phẩm thượng sanh, “bách thiên tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên” (trăm ngàn tỳ-kheo, Thanh Văn đại chúng, vô lượng chư thiên). Vãng sanh, Phật đến nghênh tiếp, Bồ Tát, Thanh Văn bao nhiêu, gần như là mỗi người mỗi khác. Có người được Phật, Bồ Tát đến rất đông, có người thì Phật, Bồ Tát tới rất ít. Đấy chẳng phải là Phật, Bồ Tát không công bằng, mà là do chính bản thân người niệm Phật chúng ta cảm ứng đạo giao khác nhau. Chúng sanh có cảm, Phật, Bồ Tát có ứng. Sức năng cảm có cạn hay sâu khác nhau, chư Phật, Bồ Tát ứng hiện cũng có thù thắng hay kém cỏi chẳng bình đẳng; trong ấy, tuân theo tỷ lệ thuận khít khao. Nếu chúng ta lắng lòng suy nghĩ những chuyện này, [sẽ thấy] chẳng khó lý giải.

Trong thế gian này, chúng ta nói tới chuyện hoằng pháp lợi sanh thì pháp duyên cũng là mỗi người một khác. Vì sao? Chính là vì trong kiếp quá khứ và đời này, mỗi cá nhân kết duyên cùng hết thảy chúng sanh khác biệt. Nếu chúng ta kết duyên rất sâu, rất rộng, pháp duyên sẽ hết sức thù thắng. Kết duyên cạn, kết duyên rất ít, pháp duyên chẳng thù thắng! Do vậy có thể biết: Phải tự hỏi chính mình, chẳng cần hỏi ai khác. Mạnh Tử nói là “phản cầu chư kỷ” (quay lại cầu nơi chính mình). Cũng có trường hợp “Phật bất lai nghênh” (Phật chẳng đến đón). Chúng ta xem phần Hạ Phẩm Hạ Sanh trong Quán Kinh, [sẽ thấy] Phật chẳng đến, mà là Quán Thế Âm Bồ Tát, Đại Thế Chí Bồ Tát đến nghênh tiếp, cũng có tình hình ấy. Quá nửa tình hình ấy là do người đó có duyên rất sâu với Bồ Tát, có duyên khá nhạt mỏng đối với Phật. Có những người trong nhà thờ phụng Quán Thế Âm Bồ Tát, niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, quên bẵng A Di Đà Phật. Khi lâm chung, đương nhiên là Quán Âm Bồ Tát đến tiếp dẫn, đúng như kinh Lăng Nghiêm đã dạy: “Thuận theo cái tâm của chúng sanh, ứng với khả năng nhận lãnh của họ”, đúng là cảm ứng đạo giao!

 

  (Sớ) Vấn: Lâm chung Phật hiện, diệc hữu ma phủ?

  (疏)問:臨終佛現,亦有魔否。

  (Sớ: Hỏi: Lâm chung Phật hiện, cũng có trường hợp là ma hóa hiện hay chăng?)

 

  Đây cũng là một đại sự được khá nhiều người quan tâm. Khi lâm chung, nếu ma biến thành A Di Đà Phật đến tiếp dẫn chúng ta, chúng ta có thể bị mắc lừa to lớn! Có thể nào khi lâm chung sẽ có tình hình này hay chăng? Ở đây, Liên Trì đại sư đã giải đáp.

 

  (Sớ) Cổ vị vô ma, thoát hoặc hữu chi, quý tại biện thức.

  (疏)古謂無魔,脫或有之,貴在辨識。

  (Sớ: Cổ nhân nói ‘chẳng có ma’. Nếu như là có thì cốt yếu là phân biệt để nhận biết).

 

  Từ thời cổ tới nay luôn nói như vậy, người niệm Phật chẳng bị ma đến quấy nhiễu. Người thật sự niệm Phật, xác thực là chẳng có ma đến quấy nhiễu. Nếu người niệm Phật còn có ma đến quấy nhiễu, nhất định là có nguyên nhân khác, nguyên nhân gì vậy? Tín tâm đối với Tây Phương Tịnh Độ A Di Đà Phật chẳng kiên định, nguyện tâm chẳng thiết tha, sẽ có thể gặp phải ma sự. Nếu là chân tín, nguyện thiết, chắc chắn là chẳng có ma sự. “Thoát hoặc hữu chi”: “Thoát” (脫) là giả thiết, [“thoát hoặc hữu chi”] là giả sử, nếu như là có, “quý tại biện thức” [nghĩa là] quý vị có thể nhận biết, điều này hết sức quan trọng. Trong lời Sao dưới đây, đại sư dạy chúng ta làm thế nào để phân biệt cảnh giới Phật và cảnh giới ma.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net