A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 245
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bảy mươi lăm:
(Sao) Diệc phân ngũ giáo giả, dĩ liên phân cửu phẩm, tắc tiểu, đại, thiển, thâm, tự hữu sai đẳng. Như Tiểu Giáo dĩ diêu tâm tạo nghiệp, nhi cảm tiền cảnh vi nhất tâm. Thỉ Giáo dĩ A Lại Da Thức sở biến vi nhất tâm. Chung Giáo dĩ thức cảnh như mộng, duy Như Lai Tạng vi nhất tâm. Đốn Giáo dĩ nhiễm tịnh câu mẫn vi nhất tâm. Viên Giáo dĩ tổng cai vạn hữu tức thị nhất tâm.
(鈔)亦分五教者,以蓮分九品。則小大淺深,自有差等。如小教以繇心造業而感前境為一心。始教以阿賴耶識所變為一心;終教以識境如夢,唯如來藏為一心;頓教以染淨俱泯為一心;圓教以總該萬有即是一心。
(Sao: Cũng chia thành năm giáo, vì chia thành chín phẩm sen. Cho nên phải có sai khác nhỏ, lớn, cạn, sâu. Như Tiểu Giáo coi “do tâm tạo nghiệp mà cảm tiền cảnh” là nhất tâm. Thỉ Giáo coi cái được biến bởi A Lại Da Thức là nhất tâm. Chung Giáo coi “thức cảnh như mộng, chỉ có Như Lai Tạng” là nhất tâm. Đốn Giáo coi “nhiễm và tịnh cùng mất” là nhất tâm. Viên Giáo coi “bao trùm vạn hữu” chính là nhất tâm).
Trong đoạn này, Liên Trì đại sư dùng cách phán giáo của tông Hiền Thủ. Tông Hiền Thủ còn gọi là tông Hoa Nghiêm. Các vị tổ sư đại đức của tông phái này, đối với hết thảy các kinh do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong suốt bốn mươi chín năm bèn xếp đặt thứ tự cạn, sâu, giống như chúng ta sắp xếp các môn học trong nhà trường hiện thời: Môn học nào đáng nên xếp vào bậc Tiểu Học để học sinh Tiểu Học tiếp nhận, môn học nào nên xếp vào bậc Trung Học, môn học nào đáng nên xếp vào bậc Đại Học. Nhưng chư vị ắt cần phải biết: Thuở Thích Ca Mâu Ni Phật tại thế, đích xác là chẳng có những ý nghĩa này, trọn chẳng có cách sắp xếp như vậy, do nguyên nhân nào? Thuở đức Phật tại thế, vì chúng sanh giảng kinh, thuyết pháp, do thời điểm, do nơi chốn, do [căn cơ của] người hỏi [khác nhau] mà [mỗi kinh] có chỗ sai khác. Người hướng về đức Phật thỉnh giáo, hoàn toàn chẳng phải là trình độ rất ngang nhau, có thể là người trước có trình độ rất thấp, người sau có trình độ rất cao. Đức Phật bèn ứng cơ thuyết pháp (thuyết pháp tương ứng với căn cơ), đấy là tình huống trong thuở ấy.
Về sau, kinh điển sau khi đã được chỉnh đốn liên tục, truyền sang Trung Hoa, những vị đại đức tại Trung Hoa nhằm dạy học thuận tiện, bèn làm giống như trong nhà trường hiện thời, căn cứ theo thứ tự [nội dung của từng môn học] là cạn hay sâu mà ấn định một thứ tự. Tông Hiền Thủ chia [toàn bộ giáo pháp của đức Phật] thành năm giáo, tông Thiên Thai chia thành bốn giáo, dựa theo thứ tự cạn hay sâu sai khác; nhưng những kinh ấy đều hoàn toàn là do đức Phật đã nói. Chúng ta thấy đức Phật nói những lời ấy, bèn biết là Ngài nói với những người thuộc một trình độ nào đó!
Tiểu Giáo là nói với hàng sơ học tiểu căn khí, đó là “do tâm tạo nghiệp”. Tiểu Thừa trình độ nông cạn, đức Phật vì họ thuyết pháp chỉ nói đến thức thứ sáu, tức ý thức, họ có thể lãnh hội điều này. Giống như người hiện thời nói về ý thức và tiềm ý thức (unconscious mind), họ có thể hiểu, [vì đó] là những danh từ trong khoa học hiện tại. Nói với họ về thức thứ tám, hoặc thức thứ bảy, họ mê hoặc, chẳng biết là chuyện gì. [Do đó], chỉ nói đến ý thức, chẳng nhắc đến tám thức. Hoặc là có những kinh luận, trong kinh Tiểu Thừa đôi khi nhắc đến tám thức, nhưng vẫn lấy sáu thức làm chánh yếu, [hai thức kia] chỉ được nhắc kèm thêm mà thôi. Họ chấp trước thân này là thực tại, chấp trước cảnh giới bên ngoài cũng là thực tại. Quả thật là đại đa số mọi người có sự phân biệt, chấp trước ấy, vì họ là “do tâm tạo nghiệp” nên mới cảm khá nhiều cảnh giới trong tam giới lục đạo. [Vì thế], họ coi những thứ ấy là nhất tâm.
Người thuộc loại căn tánh Đại Thừa Thỉ Giáo thông minh hơn người Tiểu Giáo, cũng có thể nói là họ có tư tưởng phóng khoáng hơn, chẳng bảo thủ, chấp trước như người Tiểu Thừa. Do vậy, đức Phật nói tám thức với họ. Nói tới Duy Thức (Vijñāptimātratā) thì theo cách nói hiện thời, [Duy Thức] là Tâm Lý Học. Nói càng sâu, càng rộng hơn sáu thức, bảo cho chúng ta biết là có tám thức: Ngoài sáu thức, còn có A Lại Da và còn có Mạt Na. Tuy đã biết tám thức, đây là Đại Thừa vừa mới khởi đầu! Trong cái tâm tám thức, cất giữ chủng tử thiện ác từ vô lượng kiếp tới nay. “Chủng tử” (種子, Bīja) là danh từ trong Pháp Tướng Duy Thức, người hiện thời gọi nó là “tiềm ý thức”, gặp duyên sẽ lôi kéo, kích thích [nghiệp tướng] sanh khởi. Do vậy, bèn khởi tác dụng. Hễ khởi tác dụng bèn gọi là “hiện hành” (現行, Adhyācāratā). Đức Phật nói: Trong A Lại Da Thức có đủ chủng tử của mười pháp giới. Chủng tử nào có sức mạnh to lớn, sẽ khởi tác dụng trước, [chủng tử nào] mạnh sẽ lôi [thần thức] đi trước. Đấy là tình hình hứng chịu quả báo trong lục đạo mười pháp giới. Do vậy, Thỉ Giáo coi cái được biến bởi A Lại Da Thức là nhất tâm.