/ 289
434

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 244


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bảy mươi ba:


(Sao) Nhị giả chuyên tâm, như đản niệm danh hiệu, đắc thành mạt phẩm. Kim vị ký vân “đản niệm”, “đản” chi nhất tự, chánh duy đắc Sự, vị đắc Lý cố.

(鈔)二者專心,如但念名號,得成末品。今謂既云但念,但之一字,正唯得事,未得理故。

(Sao: Hai là chuyên tâm, như người chỉ niệm danh hiệu, đạt được phẩm vị vãng sanh thấp. Nay tôi nói: Chữ “chỉ” trong câu “chỉ niệm” có nghĩa là [hành nhân] chỉ đắc Sự nhất tâm, chẳng đắc Lý nhất tâm).


Đây là một khái niệm hết sức quan trọng trong phương pháp Niệm Phật. Chúng ta niệm Phật, công phu niệm phải như thế nào thì mới có thể đắc lực? Đại sư dạy chúng ta: Ắt cần phải có định tâm, hoặc là chuyên tâm. Đương nhiên là “định tâm” rất khó, chẳng phải là chuyện kẻ bình phàm mà hòng làm được! Nhưng “chuyên tâm” thì có thể nói là ai nấy đều có thể làm được. Định tâm, chắc chắn là có thể thượng bối vãng sanh. Kinh Vô Lượng Thọ nói “tam bối” (ba bậc): Thượng bối vãng sanh [cần phải có định tâm], còn chuyên tâm thì trung bối và hạ bối cũng quyết định có thể thành công. Chuyên tâm là “đản niệm danh hiệu, đắc thành mạt phẩm” (chỉ niệm danh hiệu, thành tựu phẩm vị thấp hơn). “Mạt” (末) chẳng phải là nói tới hạ hạ phẩm, mà vì đối với thượng phẩm thượng sanh ở trên, nên từ thượng phẩm trung sanh trở xuống, đều là Mạt, cũng có nghĩa là tám phẩm dưới trong chín phẩm, hễ chuyên tâm đều có thể đạt được. “Kim vị ký vân đản niệm” (Nay đã nói là “chỉ niệm”), trong kinh Đại Thừa thường thấy chữ “đản niệm”. Nói thật ra, “đản niệm” là niệm theo mặt Sự, hoàn toàn chẳng chú trọng nói theo Lý, chẳng phải là Lý niệm.


(Sớ) Cố tri cổ vân ngu nhân cầu Tịnh nghiệp giả, phi duy bất chỉ Lý chi nhất tâm, diệc phục bất chỉ Sự nhất tâm cố.

(疏)故知古云愚人求淨業者,非唯不指理之一心,亦復不指事一心故。

(Sớ: Vì vậy biết: Cổ nhân nói “người ngu cầu Tịnh nghiệp”, không chỉ là chẳng nói tới Lý nhất tâm, mà cũng chẳng nói tới Sự nhất tâm).


Người thật sự niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, cứ thật thà niệm là được rồi, chẳng cần bận tâm là Sự nhất tâm hay Lý nhất tâm; [cứ quan tâm] thì sẽ đâm ra khiến cho cái tâm bị loạn, rất khó đạt được nhất tâm, chỉ cần chuyên tâm niệm. Bất luận là Lý nhất tâm hay Sự nhất tâm, công phu đã thành thục, quý vị thấy bao nhiêu người đứng vãng sanh, hay ngồi vãng sanh, quý vị hỏi họ niệm đạt đến loại nhất tâm nào, họ đâu có biết! Người ta có thụy tướng (瑞相: tướng tốt lành) như vậy, đó là thật sự có thành tựu. Do vậy, câu này rất quan trọng. Dưới đây, Liên Trì đại sư còn giải nói cặn kẽ:


(Sao) Cổ đức vị hữu tham Thiền bất linh, cự biến tiền nhân, triêu mộ kháp số châu, cầu Tịnh nghiệp.

(鈔)古德謂有參禪不靈,遽變前因,朝暮掐數珠,求淨業。

(Sao: Cổ đức nói: - Có người tham Thiền chẳng hiệu nghiệm, liền thay đổi cái nhân [tu tập] trước đó, sáng chiều lần tràng hạt, cầu Tịnh nghiệp).


Đây là nêu lên mấy thí dụ. Những thí dụ ấy đích xác là có. Vào thời xưa đã có, mà hiện thời cũng có. Tham Thiền chẳng thể đắc Định, đừng nói là khai ngộ, ngay cả Thiền Định cũng chẳng đạt được. Nói thật ra, [những trường hợp giống như vậy] rất ư là nhiều. Do vậy, họ buông bỏ Thiền, quay lại niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ; ở đây nói đến hạng người này.


(Sao) Hựu vân: “Niệm kỷ thanh Phật, dục miễn Diêm lão tử thủ trung thiết bổng, nãi ngu nhân sở vi”. Chấp thử ngữ giả, toại sanh nghi báng, bất tri thử vị tham Thiền chí bất quy nhất, triếp tự cải đồ giả thuyết, phi ha Tịnh nghiệp cố.

(鈔)又云念幾聲佛,欲免閻老子手中鐵棒,乃愚人所為。執此語者,遂生疑謗,不知此為參禪志不歸一,輒自改途者說,非呵淨業故。

(Sao: Lại nói: “Niệm Phật mấy tiếng, muốn thoát khỏi gậy sắt trong tay cụ già Diêm La chính là việc làm của kẻ ngu”. Kẻ chấp vào lời ấy, bèn sanh hoài nghi, phỉ báng, chẳng biết lời ấy dành để nói với kẻ tham Thiền tâm chí không quy nhất, liền vội vã thay đổi đường lối, chẳng phải là quở trách Tịnh nghiệp vậy).


Đây là uốn nắn những hiểu lầm đối với Phật pháp của kẻ bình phàm tu học chẳng đắc lực trong xã hội, nhất là những chỉ trích do hiểu lầm. Loại người thứ hai “niệm Phật mấy tiếng”, nhằm mục đích nào? Nhằm mục đích chẳng bị đọa trong ba ác đạo. “Diêm lão tử” là Diêm La vương, “thủ trung thiết bổng” (gậy sắt trong tay) là [nói tới chuyện] chịu đựng những hình phạt và khổ nạn ấy trong ngạ quỷ hay địa ngục; do niệm Phật có thể tránh khỏi. Cũng có nghĩa là niệm Phật có thể chẳng đọa trong ba ác đạo, ý nghĩa thật sự ở chỗ này. Hạng người ấy từ Thiền quay trở lại, hoặc do sợ đọa trong ba ác đạo nên mới niệm Phật. Nói thật ra, động cơ (motivation) niệm Phật cầu vãng sanh tuy khác nhau, nhân duyên muôn ngàn sai khác, nhưng hễ sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới, quả báo sẽ giống hệt.

/ 289