/ 289
431

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 246


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bảy mươi chín:


(Sao) Tiệm tấn giả, căn sảo độn nhân, tiên cần Sự trì, hậu tiệm cứu Lý. Nhược căn tánh đại lợi, kính tựu Lý trì, cố danh “đốn nhập”, tác dụng tiểu thù, cập kỳ thành công, nhất dã.

(鈔)漸進者,根稍鈍人,先勤事持,後漸究理;若根性大利,徑就理持,故名頓入;作用小殊,及其成功,一也。

(Sao: Tiệm tấn là người căn tánh hơi độn, trước hết bèn siêng năng Sự trì, sau đó dần dần tham cứu Lý. Nếu là căn tánh rất bén nhạy, sẽ nhanh chóng hành theo Lý trì, nên gọi là “đốn nhập”. Tác dụng khác biệt đôi chút, nhưng xét đến sự thành công thì là một).


Chúng ta phải hiểu rõ ràng, minh bạch đạo lý và sự thật này; sau đấy, chúng ta niệm Phật thì tâm mới có thể định được. Ở đây, đại sư đã nói rất rõ ràng, bất luận là Sự trì hay Lý trì, căn tánh của chính mình nhạy bén hay chậm lụt khác nhau, nhưng sau khi đã niệm đến mức công phu thuần thục, hiệu quả như nhau. “Tiệm tấn” (漸進: tiến từ từ) là tùy thuận căn tánh của chính mình. Nếu chẳng phải là kẻ thượng thượng lợi căn, chúng ta tu tập theo đường lối Sự trì. Sự trì cũng do kinh dạy, chúng ta tin sâu xa từ phương Tây của thế giới Sa Bà qua khỏi mười vạn ức cõi Phật, xác thực là có thế giới Cực Lạc. Trong thế giới Cực Lạc, xác thực là có A Di Đà Phật. “Hữu Phật hiệu A Di Đà, kim hiện tại thuyết pháp” (Có Phật hiệu A Di Đà, nay đang thuyết pháp). Tín nguyện trì danh, một câu danh hiệu niệm đến cùng, đó là Sự trì. Đến khi nào chúng ta mới từ Sự trì tiến nhập Lý trì? Chẳng cần lo lắng chuyện này, cũng chẳng cần phải hỏi tới, ngày nào niệm đến Lý nhất tâm, khi ấy, quý vị niệm câu A Di Đà Phật sẽ từ Sự trì biến thành Lý trí. Vì sao? Lý nhất tâm sẽ kiến tánh. Lý là kiến tánh; chẳng kiến tánh, sẽ chẳng gọi là Lý trì. Bất luận Sự trì hay Lý trì, cảnh giới nơi Sự nhất tâm bất loạn đều gọi là Sự trì. Sau khi đã kiến tánh, bất luận là Lý trì hay Sự trì, đều gọi là Lý trì. Do vậy, tuy tác dụng chẳng giống nhau, phương pháp tu học nơi Lý và Sự khác nhau, thành tựu như nhau, đều là công phu thành phiến, Sự nhất tâm bất loạn hay Lý nhất tâm bất loạn, hoàn toàn giống nhau. Đối với người căn tánh nhạy bén, Lý trì tốt lắm, do Lý trì sẽ khai ngộ nhanh chóng. Nhưng phải ghi nhớ, căn tánh chúng ta có phải rất nhạy bén hay chăng? Nếu chính mình xác thực là căn tánh trung hạ, lầm tưởng là căn tánh thượng thượng, quý vị dụng công từ Lý trì, chỉ sợ một đời này ngay cả hạ hạ phẩm cũng chẳng đạt được, đáng tiếc lắm! Chẳng bằng Sự trì, người thật thà niệm một câu Phật hiệu đến cùng, thường là đều có thể vãng sanh. Đã có thể vãng sanh, phẩm vị sẽ chẳng rất thấp, đại khái là từ trung phẩm trở lên.


(Sớ) Hựu nhất tâm bất loạn hạ, hữu bổn gia “chuyên trì danh hiệu” nhị thập nhất tự, kim sở bất dụng, dĩ văn nghĩa bất an cố, nhưng y cổ bổn bất gia.

(疏)又一心不亂下,有本加專持名號二十一字,今所不用,以文義不安故,仍依古本不加。

(Sớ: Lại nữa, sau chữ “nhất tâm bất loạn”, có phiên bản thêm vào hai mươi mốt chữ “chuyên trì danh hiệu…” nay tôi chẳng dùng theo cách ấy, bởi văn và nghĩa chẳng ổn thỏa, vẫn y theo bản xưa, chẳng thêm vào).


Đoạn này nói tới “Tương Dương thạch kinh”, Tương Dương thuộc tỉnh Hồ Bắc, [ở đây nói tới] là kinh văn kinh A Di Đà được khắc trên đá [tại Tương Dương][1]. Bản ấy so với bản kinh Di Đà được lưu thông hiện thời nhiều hơn hai mươi mốt chữ. Có người chủ trương hai mươi mốt chữ ấy do người đời sau thêm vào, có người quan niệm [hai mươi mốt chữ ấy] có thể là nguyên văn lời dịch kinh Di Đà trong thuở ấy. Có thể là hai mươi mốt chữ ấy bị bỏ sót khi sao chép. Có hai cách nói như vậy. Liên Trì đại sư cũng thấy bản ấy. Hai mươi mốt chữ là: “Chuyên trì danh hiệu, dĩ xưng danh cố, chúng tội tiêu diệt, tức thị đa thiện căn, phước đức, nhân duyên” (Chuyên trì danh hiệu, do xưng danh nên các tội tiêu diệt. Đấy chính là nhiều thiện căn, phước đức, nhân duyên). Bản kinh khắc đá ở Tương Dương có hai mươi mốt chữ ấy, ý nghĩa của kinh đúng là rõ rệt hơn rất nhiều. Liên Trì đại sư chẳng chọn dùng, vì sao? “Dĩ văn nghĩa bất an” [ý nói] văn tự và ý nghĩa [của những chữ ấy] so với toàn bộ kinh Di Đà chẳng thỏa đáng cho lắm, “bất an” là chẳng thỏa đáng cho mấy. Theo cách nhìn của Liên Trì đại sư, [những chữ ấy] có thể là do người đời sau thêm vào, cho nên “nhưng y cổ bổn bất gia” (vẫn tuân theo bản xưa chẳng thêm vào). Bản được truyền lại từ xưa chính là bản dịch kinh Di Đà của Cưu Ma La Thập đại sư mà nay chúng ta đang đọc. Vào những năm cuối đời Thanh, thời đầu Dân Quốc, có chẳng ít vị đại đức cho rằng hai mươi mốt chữ ấy đã làm sáng tỏ kinh nghĩa hết sức trọng yếu! Lão cư sĩ Hạ Liên Cư hội tập hai bản dịch của kinh Di Đà, cũng thêm hai mươi mốt chữ ấy vào; thoạt nhìn, ý nghĩa càng thêm sáng tỏ, rõ rệt. Kinh dạy chúng ta: “Chẳng thể do chút thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”. Hai mươi mốt chữ ấy đã nói rõ ràng: Chuyên tâm trì danh là nhiều thiện căn, nhiều phước đức, nhiều nhân duyên, đã ban cho chúng ta một câu trả lời hết sức khẳng định đối với tín nguyện trì danh, khiến cho chúng ta có thể kiên định tín tâm.

/ 289