/ 289
398

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 243

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bảy mươi mốt:

 

  (Sao) Sở vị vô sanh vô diệt, tất cánh không tướng, tập như thị Quán, Ngũ Dục tự đoạn, Ngũ Cái tự trừ, Ngũ Căn tăng trưởng, tức đắc Thiền Định.

(鈔)所謂無生無滅,畢竟空相,習如是觀,五欲自斷,五蓋自除,五根增長,即得禪定。

(Sao: Đó gọi là “vô sanh vô diệt”, tướng rốt ráo là Không. Tu tập pháp Quán như thế,  Ngũ Dục tự đoạn, Ngũ  Cái  tự  trừ, Ngũ  Căn  tăng

trưởng, liền đắc Thiền Định).

 

Đoạn văn này trích từ kinh Pháp Hoa Tam Muội Quán. [Dùng câu] “vô sanh vô diệt, tất cánh không tướng” (chẳng sanh, chẳng diệt, tướng Không rốt ráo) để giải thích “nhất tướng, nhất môn” được nói trong phần trước. Cách nói này rất phổ biến trong hết thảy các kinh giáo Đại Thừa, nhất là kinh luận [thuộc hệ thống] Bát Nhã đã nói nhiều nhất, mà cũng là nói tỉ mỉ nhất. Có thể nói là bộ kinh Đại Bát Nhã gồm sáu trăm quyển nhằm giảng rõ chân tướng sự thật này. Chân tướng sự thật là hết thảy các pháp bất sanh bất diệt. “Không” chẳng có nghĩa là do “không có tướng” cho nên gọi là Không; chẳng phải vậy, [mà là] “đương thể tức không” (chính cái bản thể của nó là Không), cảnh giới này rất sâu, rất cao. “Tập như thị Quán” (Tu tập pháp Quán như thế), thường có thể quán tưởng như thế. “Quán như thế” thì kinh Kim Cang Bát Nhã quen thuộc nhất đối với mọi người. Các kinh thuộc hệ thống Bát Nhã rất nhiều; trong đó, quen thuộc nhất đối với chúng ta là kinh Kim Cang Bát Nhã và Bát Nhã Tâm Kinh. Hai loại này thật sự là tinh hoa và cương yếu của Bát Nhã. Kinh Kim Cang dạy chúng ta: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng, như sương, cũng như chớp, hãy nên quán như thế”. Đó là “tập như thị Quán” (tu tập pháp Quán như thế). Đức Phật đã dùng sáu chuyện ấy (mộng, huyễn, bọt, bóng, sương, chớp) để tỷ dụ hết thảy vạn pháp:

1) “Mộng” (夢): Phàm phu đều có thể nằm mộng. Thời gian nằm mộng rất ngắn ngủi. Sau khi tỉnh giấc, biết mộng là rỗng tuếch! Chẳng biết một đời người của chúng ta tuy là mấy chục năm nóng lạnh, nhưng trong khoảng thời gian và không gian vô tận, xác thực là ngắn ngủi như cảnh trong mộng! Quý vị thường tưởng như vậy, đó là sự thật, trọn chẳng phải là hư cấu.

2) Chúng ta thường nói “huyễn” (幻) là làm trò ảo thuật. Ảo thuật được gọi là “huyễn thuật”, đương nhiên là giả, chẳng thật! Nhưng thủ pháp (kỹ xảo, tay nghề) của người ấy (người làm ảo thuật) rất cao minh; tuy giả, quý vị chẳng thể nhận biết, ngỡ nó là thật, thật ra là giả.

3) “Bào” (泡) là bọt nước, giống như [bong bóng] xà phòng. Trẻ nhỏ thổi bóng xà phòng, thời gian [chúng tồn tại] rất ngắn, [trong khoảnh khắc] bèn vỡ tan.

4) “Ảnh” (影) là hình bóng.

5) “Lộ” (露) là sương sớm, mặt trời vừa mọc bèn chẳng còn!

6) “Điện” (電) là tia chớp.

Sáu thứ ấy đều có thời gian tồn tại rất ngắn, tỷ dụ những gì hư huyễn, chẳng thật!

  Nếu quý vị có thể thường học tập và quan sát như vậy, dùng tiêu chuẩn này để quan sát hết thảy vạn pháp trong vũ trụ và nhân sinh, tự nhiên đoạn được Ngũ Dục. Ngũ Dục là tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê; tự nhiên sẽ chẳng khởi tâm tham luyến đối với những thứ ấy. Vì sao? Hiểu chúng là giả, chẳng thật, sẽ có thể buông xuống. Đức Phật nói “chúng sanh mê” là mê những gì? Ngỡ thật là giả, coi giả là thật, hoàn toàn là điên đảo, nên gọi là “điên đảo vọng tưởng”. Hết thảy vạn pháp trong thế gian vô thường, giả trất, chúng ta ngỡ chúng nó là thật. Thường trụ chân tâm, bất sanh, bất diệt, đó là thật; trong kinh, đức Phật thường dạy như thế, chúng ta khăng khăng nghĩ nó là giả, chẳng lưu ý đến nó, đó là điên đảo. Đối với chân, vọng, tà, chánh, thị, phi, thiện, ác đều điên đảo! Đã hiểu rõ chân tướng sự thật, sẽ tự nhiên đoạn được ý niệm tham luyến đối với ngũ dục lục trần. Chư vị phải biết “Ngũ Dục chi đoạn” (đoạn Ngũ Dục) chẳng phải là không có Ngũ Dục! Ngũ Dục chẳng gây trở ngại, cái gây trở ngại chính là tâm tham luyến Ngũ Dục! Phải đoạn cái tâm ấy, phải hiểu rõ đạo lý này! “Ngũ Cái tự trừ”, Ngũ Cái (五蓋) là tham, sân, si, ngủ nghê, điệu hối (掉悔: trạo hối, tức tâm lao chao, hay hối hận), năm thứ ấy. Tham, sân, si là Tam Độc phiền não, [cùng với] ngủ nghê và điệu hối đều có thể che lấp bản tánh, khiến cho tâm tánh của chúng ta chẳng thể thấu lộ. Do vậy, chúng được gọi là Ngũ Cái (năm thứ che đậy). Ngũ Cái cũng mang ý nghĩa phiền não. Ngủ nghê là hôn trầm, tinh thần chẳng thể phấn chấn. “Điệu” (掉) là điệu cử (掉舉: lao chao), “điệu cử” có nghĩa là tâm chẳng thể định, trong tâm quá nhiều vọng tưởng, quá nhiều ý niệm. Đặc biệt là khi chúng ta tĩnh tọa, hoặc lúc chỉ tĩnh trong khi niệm Phật, vọng niệm trong tâm đặc biệt nhiều. Đó là “điệu cử”. “Hối” (悔) là nghi hối (疑悔: nghi ngờ, hối hận). Thường là kẻ làm chuyện gì, hoặc là tu hành, học theo pháp môn này, thấy pháp môn của kẻ khác bèn có lòng hối hận [sao ta chẳng học pháp môn ấy, sao lại tu tập pháp môn này]. Hậu hối (hối hận) thuộc loại hoài nghi, chúng ta thường nói là “nghi hối”, thảy đều là chướng ngại, chướng ngại cái tâm thanh tịnh của quý vị, khiến cho tâm chẳng thanh tịnh. Nói theo pháp Niệm Phật, thì là: Chẳng thể thành tựu Niệm Phật tam-muội, bị nó (nghi hối) chướng ngại. Nếu chúng ta thật sự có thể thấy thấu suốt những phiền não ấy, sẽ tự nhiên buông xuống, Ngũ Cái tự trừ. “Ngũ Căn tăng trưởng”: Ngũ Căn là Tín, Tấn, Niệm, Định, Huệ. Đã đắc Thiền Định, Thiền Định ấy chính là Pháp Hoa tam-muội.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289