/ 289
472

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 242


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm sáu mươi tám.


(Sao) Kim niệm Phật nhân, sơ dĩ Nhĩ Thức văn bỉ Phật danh, thứ dĩ Ý Thức chuyên chú ức niệm. Dĩ chuyên niệm cố, tổng nhiếp lục căn, nhãn, tỷ, thiệt, thân, như thị lục thức, giai tất bất hành.

(鈔)今念佛人,初以耳識聞彼佛名,次以意識專注憶念,以專念故,總攝六根,眼鼻舌身,如是六識,皆悉不行。

(Sao: Nay người niệm Phật, thoạt đầu dùng Nhĩ Thức để nghe danh hiệu của đức Phật ấy; kế đó, dùng Ý Thức để chuyên chú ức niệm. Do chuyên niệm, bèn nhiếp trọn sáu căn, mắt, [tai], mũi, lưỡi, thân, [ý], sáu thức như thế, thảy đều chẳng hiện hành).

Liên Trì đại sư bảo chúng ta: Hiệu quả của “tín, nguyện, nhất tâm trì danh” xác thực là có thể dung nhiếp hết thảy các pháp môn do Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói trong suốt bốn mươi chín năm. Trong phần trên đã nói về Thiền Tông, tức Tông Môn; sau khi đã đọc lời dạy của Liên Trì đại sư, ta biết nhất tâm xưng danh xác thực là tinh hoa của Thiền Tông. Hôm nay, đoạn khai thị này nhằm nói Giáo Hạ cũng chẳng lìa khỏi phương pháp trì danh này. Niệm Phật là dùng Nhĩ Thức để nghe danh hiệu. Trong phương pháp niệm Phật, các vị cổ đại đức thường nhắc nhở chúng ta: Trước hết, phải buông xuống vạn duyên, cũng tức là hết thảy vọng tưởng, phân biệt, chấp trước thảy đều buông xuống. Phật hiệu phải sanh khởi từ trong tâm, từ miệng niệm ra, sau đấy mới nghe lọt vào tai, dùng phương pháp này. Phương pháp này có thể nhiếp tâm, ở đây đang nói đến phương pháp này. “Nhĩ Thức văn bỉ Phật danh” (Nhĩ Thức nghe danh hiệu của đức Phật ấy), chính chúng ta tự niệm rồi tự mình nghe. Sau đấy, “dĩ Ý Thức chuyên chú ức niệm” (dùng Ý Thức chuyên chú nghĩ nhớ), “ức niệm” (憶念) là trong tâm nghĩ đến Phật, nghe danh hiệu Phật, trong tâm chuyên tưởng, ý thức chuyên chú ức niệm. Do quý vị chuyên chú, “tổng nhiếp lục căn” (nhiếp trọn sáu căn), tức là như Đại Thế Chí Bồ Tát đã dạy trong kinh Lăng Nghiêm “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”. Nhiếp lục căn theo cách nào? Ở đây, Tổ dạy chúng ta: Chỉ cần quý vị chuyên niệm, tức là chuyên chú ức niệm, lục căn tự nhiên được thâu nhiếp. “Nhãn, tỷ, thiệt, thân, như thị lục thức, giai tất bất hành” (Mắt, [tai], mũi, lưỡi, thân, [ý], sáu thức như thế, thảy đều chẳng hiện hành), chúng chẳng thể khởi tác dụng riêng biệt. Chuyên môn nghĩ tưởng Phật, sáu thức sẽ chẳng đến nỗi suy nghĩ loạn xạ!


(Sao) Niệm chi bất dĩ, niệm cực nhi vong.

(鈔)念之不已,念極而忘。

(Sao: Cứ niệm không ngừng, niệm đến tột bậc, các tình thức mất đi).


“Niệm cực” (念極) là nói tới công phu. Công phu sâu, thường gọi là “niệm mà vô niệm, vô niệm mà niệm”, tức là nói Năng lẫn Sở cùng mất, quên sạch chính mình là chủ thể đang niệm lẫn Phật hiệu được niệm. “Vong” (忘) ở đây là tỷ dụ, có nghĩa là chẳng chấp trước, chẳng phải là thật sự quên bẵng! Thật sự quên khuấy thì chính là “vô ký tánh” (tánh chẳng thiện, chẳng ác), chẳng được rồi, vẫn thuộc loại phiền não! “Vong” ở đây nhằm tỷ dụ chẳng chấp tướng, Thiền Tông nói “lìa hết thảy tướng” chính là ý nghĩa này. Kinh Kim Cang dạy: “Vô ngã tướng, vô nhân tướng, vô chúng sanh tướng, vô thọ giả tướng”, có ý nghĩa chẳng chấp tướng. “Vong” ở đây mang ý nghĩa “chẳng chấp tướng”. Năng niệm lẫn sở niệm đều chẳng chấp trước. Hễ chẳng chấp trước, Năng và Sở dung hòa thành một khối. Do có chấp trước, Năng và Sở mới đối lập; tới khi chẳng chấp trước, Năng và Sở hợp thành một. Khi hợp nhất bèn gọi là nhất tâm; hễ có Năng và có Sở bèn là nhị tâm. Từ chỗ này, đối với nhất tâm bất loạn, chúng ta lãnh hội chẳng khó. Nó cũng là bước đầu của công phu thành phiến. Khi công phu sâu, bèn đạt tới cảnh giới này.


(Sao) Sở vị hằng thẩm tư lượng giả, kỳ tư tịch yên. Vong chi bất dĩ, vong cực nhi hóa. Sở vị “chân vọng hòa hợp” giả, kỳ vọng tiêu yên, tắc thất thức, bát thức diệc tất bất hành.

(鈔)所謂恆審思量者,其思寂焉,忘之不已,忘極而化。所謂真妄和合者,其妄消焉,則七識八識亦悉不行。

(Sao: Cái được gọi là suy tưởng “luôn cân nhắc, suy lường” sẽ vắng lặng. Chẳng ngừng quên mất [sự suy lường ấy], quên rốt ráo, nó sẽ bị biến đổi. Nói là “chân và vọng hòa hợp” nghĩa là vọng đã tiêu thì thức thứ bảy và thức thứ tám cũng đều chẳng hiện hành).


Cảnh giới này thuộc về cảnh giới Lý nhất tâm. Do vậy có thể biết, công phu niệm Phật xác thực là có tầng cấp, không ngừng tiến cao hơn. Đầu tiên là “nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối”; đấy là phương pháp. Từ sơ phát tâm mãi cho đến Lý nhất tâm, cho đến viên thành Phật đạo, đều dùng phương pháp này, trọn chẳng thể thay đổi! Cảnh giới tăng cao hơn, có cần phải thay đổi phương pháp hay không? Chẳng cần! Vẫn là sử dụng phương pháp này đến cùng. Đạt đến chẳng phân biệt, không chấp trước, thuộc loại Sự nhất tâm bất loạn. Khi đạt tới “vong cực nhi hóa”, “chân vọng hòa hợp”, sẽ thuộc về Lý nhất tâm bất loạn, mà cũng là “minh tâm kiến tánh” như Thiền Tông đã nói, đã đạt đến cảnh giới kiến tánh. “Kỳ vọng tiêu yên” (Vọng đã tiêu sạch), “vọng” ở đây chỉ vọng tưởng. Cho đến khi ấy, vọng tưởng, phân biệt, chấp trước đều chẳng có. “Thất thức, bát thức diệc tất bất hành” (Thức thứ bảy và thức thứ tám cũng đều chẳng hiện hành): “Bất hành” là chẳng khởi tác dụng. Tác dụng của thức thứ tám là vọng tưởng, tác dụng của thức thứ bảy là chấp trước. Nói cách khác, tâm vọng tưởng và tâm chấp trước đều chẳng có, đều chẳng khởi tác dụng, đạt đến cảnh giới ấy.

/ 289