/ 289
370

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 241

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm sáu mươi bảy:

 

  (Sớ) Hựu thử nhất tâm, tức Đạt Ma trực chỉ chi Thiền cố.

  (Sao) Tầm thường thuyết Thiền giả húy Tịnh Độ, kim vị Đạt Ma thuyết Thiền, trực chỉ linh tri chi tự tánh dã. Thử Lý nhất tâm, chánh linh tri tự tánh cố. Môn đình thi thiết bất đồng, nhi sở chứng vô lưỡng tâm dã. Thiện tai Trung Phong chi ngôn viết: “Thiền giả, Tịnh Độ chi Thiền. Tịnh Độ giả, Thiền chi Tịnh Độ dã”, hữu vị hồ ngôn chi dã.

  (疏)又此一心,即達摩直指之禪故。

  (鈔)尋常說禪者諱淨土,今謂達摩說禪,直指靈知之自性也。此理一心,正靈知自性故。門庭施設不同,而所證無兩心也。善哉中峰之言曰:禪者,淨土之禪;淨土者,禪之淨土也。有味乎言之也。

(Sớ: Nhất tâm lại chính là Thiền trực chỉ của tổ Đạt Ma.

  Sao: Nói thông thường, kẻ hành Thiền kiêng kỵ Tịnh Độ, nay tôi bảo: Tổ Đạt Ma nói pháp Thiền nhằm chỉ thẳng tự tánh linh tri. Lý nhất tâm chính là linh tri tự tánh. Cách lập bày, thực hiện trong mỗi môn đình khác nhau, nhưng cái tâm đã chứng thì chẳng hai. Lành thay! Ngài Trung Phong nói: “Thiền là Thiền  của  Tịnh, Tịnh  là  Tịnh  của  Thiền”.

Lời ấy thú vị thay!)

 

  Khi Phật pháp truyền đến Trung Hoa nhằm đúng thời đại Tượng Pháp của đức Thế Tôn. Đức Phật đã từng tiên đoán: “Vào thời kỳ Chánh Pháp, Giới Luật thành tựu. Vào thời kỳ Tượng Pháp, Thiền Định thành tựu. Vào thời kỳ Mạt Pháp, Tịnh Độ thành tựu”. Phật pháp truyền đến Trung Hoa đúng một ngàn năm sau khi Thích Ca Mâu Ni Phật đã diệt độ; nói cách khác, [thời kỳ] Tượng Pháp vừa mới khởi đầu. Tượng Pháp [kéo dài] một ngàn năm, có thể nói là Phật pháp trong thời kỳ Tượng Pháp đã chuyển sang Trung Hoa, cho nên Thiền Tông Trung Hoa hết sức hưng thịnh. Tịnh Độ và Thiền tiến nhập [Trung Hoa] cùng một thời đại. Nói đến sự thù thắng, thật ra, [Tịnh Độ] hoàn toàn chẳng thua kém Thiền Tông. Đến thời kỳ Mạt Pháp trong hiện tại, Thiền đã suy, thật sự thành tựu thì xác thực là chỉ có Tịnh Tông. Trong quá khứ, người tham Thiền vẫn hành trì Tịnh Độ. Ở đây, Liên Trì đại sư bảo chúng ta: Tịnh và Thiền chẳng khác nhau, nhất trí, chỉ là chọn lựa phương pháp và kỹ xảo khác nhau, mục đích hoàn toàn như nhau. “Thử nhất tâm” trong lời Sớ chính là nói đến Lý nhất tâm, Lý nhất tâm như Tịnh Tông đã nói chính là Thiền do tổ sư Đạt Ma truyền đến Trung Hoa, thuộc loại thượng thượng Thiền trong Thiền Tông.

  Kế đó, đại sư giải thích, “tầm thường thuyết Thiền giả húy Tịnh Độ” (nói thông thường, người hành Thiền kỵ húy Tịnh Độ), “húy” (諱) là bài xích, chẳng mong muốn, kiêng kỵ nói tới Tịnh Độ. Nói thật ra, đối với Thiền lẫn Tịnh, kẻ ấy đều chẳng thông suốt, đều chẳng thật sự hiểu rõ. Nếu thật sự hiểu rõ, [sẽ biết Thiền và Tịnh] là cùng một chuyện, chẳng phải là hai chuyện. Một đằng dùng phương pháp “tín, nguyện, trì danh” để khế nhập cảnh giới này; một đằng sử dụng phương pháp tham thoại đầu hoặc quán tâm cũng nhằm đạt tới cảnh giới này. Có thể thấy là hình thức và phương pháp khác nhau, nhưng thành tựu thật sự là nhất trí. “Kim vị Đạt Ma thuyết Thiền” (Nay bảo Thiền do tổ Đạt Ma đã nói), có thể nói là Lục Tổ đại sư đã trực tiếp truyền thừa tông phái do tổ sư Đạt Ma lưu truyền. Trong Đàn Kinh, Ngài đã phát huy [yếu chỉ của tông phái ấy] tới mức cặn kẽ cùng tột. Vì thế, nếu mọi người hỏi Thiền của tổ Đạt Ma là gì ư? Quý vị đọc kỹ Đàn Kinh sẽ biết. “Trực chỉ linh tri” (Chỉ thẳng vào linh tri), trong Thiền Tông thường nói là “trực chỉ nhân tâm” (chỉ thẳng vào tâm người), [tức là] “bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm” (chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người). “Văn tự” (文字) là nói tới Giáo, tức là hết thảy kinh điển. Thiền chẳng đổ công dốc sức tu tập nơi kinh điển. “Trực chỉ nhân tâm”: Thực hiện từ nơi tâm địa.

  Thuở ấy, đức Phật dùng hai phương pháp giáo học khác biệt vời vợi. Đối với kẻ thượng thượng căn, Ngài bèn “trực chỉ nhân tâm”, chẳng cần lãng phí nhiều thời gian ngần ấy, lãng phí quá nhiều thời gian để nghiên cứu Giáo! Đối với căn tánh trung hạ, chẳng dùng Giáo sẽ không được, phải dựa theo thứ tự để từ cạn tới sâu, dạy học theo thứ tự. Trên thực tế, giống như cách giáo dục trong hiện thời, học trò trong nền giáo dục hiện thời có hai loại: Một loại là trẻ có thiên tài, loại kia là trẻ bình thường. Trẻ bình thường thì nhất định là [phải lần lượt học] Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, nghiên cứu sinh, đó gọi là Giáo Hạ. Trẻ thiên tài chẳng cần học Tiểu Học, Trung Học, Đại Học, mà trực tiếp học nghiên cứu sinh, đương nhiên loại người ấy rất ít, trong Phật môn cũng chẳng nhiều. Nếu chẳng phải là trẻ thiên tài, quý vị trực tiếp học nghiên cứu sinh, sẽ chẳng thành tựu được gì. Nói cách khác, chẳng phải là bậc thượng thượng căn mà muốn học Thiền, chắc chắn chẳng thể thành tựu. Do vậy, sau khi Thiền Tông đã nẩy nở thịnh vượng thành trào lưu tại Trung Hoa, người theo đuổi, hâm mộ rất đông! Vì thế, đúng là những kẻ chẳng tự lượng sức cũng không ít, thảy đều học theo. Người thật sự thành tựu, đừng nói ai khác, chỉ nói tới Lục Tổ Huệ Năng đại sư; người theo học với Huệ Năng đại sư chẳng phải chỉ là ngàn người, vạn người, quyết định chẳng phải chỉ có như vậy! Mấy vạn người là phỏng tính dè dặt nhất! [Pháp Bảo] Đàn Kinh cho chúng ta biết: Người thật sự học Thiền [với Lục Tổ] thành công là bốn mươi ba người! Trong Phật giáo sử Trung Hoa, đối với người học Thiền, hội ấy thù thắng nhất, có thể nói là “không tiền khoáng hậu” (trước đó chưa từng có, sau này chưa hề có). Trước Lục Tổ đại sư, số người được thành tựu bởi mỗi bậc đại đức Thiền Tông rất ít, từ tổ Đạt Ma cho đến Ngũ Tổ đều là “đơn truyền”, [nghĩa là] thầy dạy học suốt đời chỉ thành tựu một người, đến Lục Tổ mới là thù thắng khôn sánh, thành tựu bốn mươi ba người. Chúng ta xem lịch sử Thiền Tông, đệ tử thật sự đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh dưới tòa của một vị thiền sư, đại khái là một, hai, ba, bốn người. Trong một đời, Lục Tổ Huệ Năng đại sư độ nhiều người nhất, bốn mươi ba người. Do vậy ta hiểu, [hành Thiền mà nếu] chẳng phải là bậc thượng thượng căn, sẽ chẳng có phần!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289