/ 289
413

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 240


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm sáu mươi bốn:


(Diễn) Thị tâm thị Phật giả, Thị diệc nhị nghĩa.

(演)是心是佛者,是亦二義。

(Diễn: “Tâm này là Phật”, chữ Là cũng có hai nghĩa).

Chữ “Thị” cũng có hai ý nghĩa.


(Diễn) Nhất, tâm tức Ứng Phật, cố danh “thị tâm thị Phật”, tức Sớ văn sở vị “hướng văn Phật bổn thị vô, tâm tịnh cố hữu”, tiện vị điều nhiên hữu dị. Cố ngôn tức thị Ứng Phật, tâm ngoại vô Phật dã.

(演)一、心即應佛,故名是心是佛,即疏文所謂向聞佛本是無,心淨故有,便謂條然有異,故言即是應佛,心外無佛也。

(Diễn: Một, tâm chính là Ứng Thân của Phật, nên gọi là “tâm này là Phật”, tức là như lời Sớ đã viết: “Từng nghe Phật vốn là chẳng có, do tâm tịnh bèn có Phật”, cho nên nói là rành rành có sai khác. Do vậy nói “[tâm] chính là Ứng Phật, ngoài tâm chẳng có Phật”).


“Tâm này là Phật” cũng có hai ý nghĩa. Một là Ứng Hóa Thân của Phật. Tâm vốn chẳng có tướng. Tuy chẳng có tướng, nó có thể tùy duyên hiện tướng. Tướng hiện ra được gọi là Ứng Thân Phật. Vì sao gọi là Ứng Thân? Do cảm ứng mà hiện. Giống như cái chuông này, chuông chẳng có âm thanh, khi quý vị gõ nó bèn có âm thanh. Gõ mạnh, tiếng chuông kêu to, gõ nhẹ, tiếng chuông kêu nhỏ. Quý vị gõ chuông là cảm, tiếng chuông là ứng. Quý vị chẳng gõ, do không gõ bèn chẳng có âm thanh. Phật cũng giống như thế, khi chúng sanh chẳng có cảm, Phật chẳng hiện thân, Phật chẳng có thân tướng. Chúng sanh có cảm, Phật bèn hiện tướng, Ngài bèn hồi ứng giống hệt. Đúng như kinh Lăng Nghiêm đã nói: “Tùy thuận cái tâm của chúng sanh, ứng với khả năng nhận biết của họ”. Tâm chúng sanh bất đồng; vì thế, Phật hiện hình tướng khác nhau. Chúng sanh trong chín pháp giới có cảm, Phật liền hiện thân trong chín pháp giới, giống như phẩm Phổ Môn đã nói: “Đáng nên dùng thân Phật để độ, bèn hiện thân Phật để thuyết pháp”, “hiện” (現) là ứng hiện. Quyết chẳng phải là Phật hữu tâm, Phật nói: “Người ấy cầu ta, ta phải ngay lập tức hiện đến”. Nếu Ngài có tâm ấy, sẽ là vọng tâm, chẳng phải là chân tâm, vì chân tâm chẳng có niệm. Vì Ngài chẳng có niệm, nên mới có ứng. Lại còn ứng rất nhanh chóng, do nguyên nhân nào? Vì chân tâm trọn khắp hết thảy mọi chỗ, không đâu chẳng tồn tại. Do vậy, sự ứng hiện của Ngài là “sanh ra từ nơi đâu, bèn diệt mất ngay nơi đó”, chẳng có đến đi. Chúng ta là người niệm Phật vãng sanh Tây Phương, A Di Đà Phật từ Tây Phương Cực Lạc thế giới đến đón tiếp chúng ta, có chuyện như vậy hay không? Chẳng phải vậy! Từ nơi xa xôi ngần ấy cớ sao Phật có thể đến nơi đây? Thân tướng của Phật ngay lập tức ở trước mắt, vì sao? Pháp Thân của A Di Đà Phật tận hư không khắp pháp giới. Chúng ta ở nơi đây có cảm, Phật ngay lập tức có ứng. Cổ nhân nói: “Sanh thì quyết định sanh, đi thì thật sự chẳng đi”. Do vì chẳng có đến đi, chuyện này rất kỳ diệu, kiến thức thông thường của lũ phàm phu chúng ta chẳng thể hiểu được. Vì thế, đó là cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn, là chân thật. Tâm có thể hiện tướng, có thể hiện hết thảy các tướng. Đó là Ứng Phật (Ứng Hóa Thân của Phật). “Tâm này là Phật”, tâm ấy là Ứng Phật. Ngoài tâm chẳng có Phật, ngoài Phật cũng chẳng có tâm. Đó là ý nghĩa thứ nhất.


(Diễn) Nhị, tâm tức Quả Phật, cố danh “thị tâm thị Phật”, tức Sớ văn sở vị “diệc vô Phật chi nhân” dã. Sơ thị Ứng Phật, nhị thị Quả Phật, thử ước tức Ứng tức Quả thích Thị dã.

(演)二、心即果佛,故名是心是佛,即疏文所謂亦無佛之因也。初是應佛,二是果佛,此約即應即果釋是也。

(Diễn: Hai, tâm chính là Quả Phật, vì thế gọi là “tâm này là Phật”, tức là như lời Sớ đã viết: “Cũng không có cái nhân của Phật vậy”. Thứ nhất là Ứng Thân Phật, thứ hai là Quả Phật. Đây là ước theo ý nghĩa [nhất tâm] chính là Ứng Phật và Quả Phật để giải thích chữ Thị).


Nhà Thiền thường nói: “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Quả Phật là chính mình. Khi hết thảy chướng ngại trong tâm tánh của chính mình đều trừ hết sạch, lúc Tánh Đức viên mãn hiện tiền, bèn gọi là “thành Phật”. Tâm là Phật, Phật là tâm, đấy là chính mình thành Phật. Ứng Phật trong phần trước là Tha Phật, thuận theo tâm chúng sanh mong mỏi [Phật sẽ] sanh khởi mà hiện ra Ứng Thân Phật. Tự Phật và Tha Phật đều là ý nghĩa “tâm này là Phật”.


(Sao) Kim vị thử kinh nhất tâm trì danh, diêu thử nhất tâm, chung đương tác Phật, tùng nhân chí quả, danh chi viết Tác.

/ 289