349

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 239

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm sáu mươi hai:

 

  (Sao) Đức Vân Niệm Phật môn giả, Hoa Nghiêm Nhập Pháp Giới phẩm, Đức Vân tỳ-kheo cáo Thiện Tài ngôn: “Ngã đắc ức niệm nhất thiết chư Phật cảnh giới trí huệ quang minh phổ kiến pháp môn”, nhi phục khai nhị thập nhất môn, khởi ư Trí Quang Phổ Chiếu, chung ư Trụ Hư Không.

(鈔)德雲念佛門者,華嚴入法界品,德雲比丘告善財言,我得憶念一切諸佛境界智慧光明普見法門,而復開二十一門,起於智光普照,終於住虛空。

(Sao: “Pháp môn Niệm Phật của ngài Đức Vân”: Trong phẩm Nhập Pháp Giới của kinh Hoa Nghiêm, tỳ-kheo Đức Vân bảo Thiện Tài: “Ta đắc pháp môn Nghĩ Nhớ Cảnh Giới Của Hết Thảy Chư Phật, Trí Huệ Quang Minh Thấy Trọn Khắp”, rồi lại chỉ ra hai mươi mốt môn [Niệm Phật], bắt đầu bằng môn Trí Quang Phổ Chiếu, kết thúc bằng môn Trụ Hư Không).

 

  Kinh Hoa Nghiêm là kinh điển căn bản của Đại Thừa Phật pháp, cổ đức gọi nó là Căn Bản Pháp Luân. Hết thảy các kinh đều là cành lá của Hoa Nghiêm, giống như một cái cây, Hoa Nghiêm là cội cây, tức là căn bản của cây. “Căn bản của cây” tức là thân chánh, hết thảy các kinh đều là cành, lá, nhánh nhóc, hoa, quả trên thân cây. Từ tỷ dụ này, chúng ta liễu giải địa vị và tánh chất trọng yếu của kinh Hoa Nghiêm trong Phật pháp. Kinh Hoa Nghiêm giảng rất nhiều pháp môn tu hành. Trong phẩm Ly Thế Gian, đức Thế Tôn đã giảng tất cả hơn hai ngàn pháp môn. “Hơn hai ngàn” chỉ là nêu theo từng loại mà thôi, [tức là] quy nạp [những pháp môn liên quan] thành từng loại một. Trên thực tế là nói bất tận, pháp môn vô lượng! Vô lượng pháp môn quy nạp thành hơn hai ngàn loại, cũng khá cặn kẽ. Trong khá nhiều pháp môn, chư Phật Như Lai đề cao pháp môn nào? Đối với hết thảy các pháp môn, chư vị ắt phải có một quan niệm, phải khẳng định lời Phật dạy: “Pháp môn bình đẳng, chẳng có cao thấp”, chẳng thể nói pháp môn nào cao, pháp môn nào thấp, chẳng có lẽ ấy! Vì sao? Thành tựu cuối cùng của tất cả hết thảy các pháp môn đều là viên thành Phật đạo, đương nhiên [các pháp môn] đều là tốt đẹp như nhau. Tuy pháp môn bình đẳng, nhưng căn khí của chúng sanh sai khác; có những căn khí thích hợp pháp môn này, chẳng thích hợp pháp môn kia. Chúng sanh có căn tánh khác nhau; do vậy, đức Phật mở ra nhiều pháp môn.

Hiện thời, đức Phật chẳng trụ thế. Không chỉ là chúng ta chẳng tìm thấy Phật, mà Bồ Tát cũng tìm chẳng thấy, thậm chí A La Hán, thiện tri thức cũng chẳng gặp được. Pháp môn nhiều như vậy, chúng ta chọn lựa như thế nào để biết pháp môn ấy thích hợp căn khí của chính mình? Nếu chọn lựa chẳng thích đáng, sẽ phiền phức to lớn! Pháp môn giống như các vị thuốc bán trong tiệm thuốc. Có mấy ngàn, mấy vạn loại thuốc, hễ khế cơ liền trị được bệnh. Nếu thuốc đúng bệnh, dùng thuốc bệnh liền hết, bèn khỏi bệnh. Nếu thuốc chẳng đúng với chứng bệnh, không chỉ là bệnh nặng thêm, chỉ sợ uống vào một lần bèn “ô hô, ai tai” (ôi chao! buồn thay). Pháp môn chẳng khế cơ, tai hại quá lớn. Uống lầm thuốc, thân mạng bị hại. Thân này sau khi đã chết, kinh Địa Tạng nói sau bốn mươi chín ngày lại đầu thai. Vì thế, trong Phật pháp trọn chẳng coi trọng thân mạng. [Chọn lựa] pháp môn sai trật, sẽ hại Pháp Thân huệ mạng, nghiêm trọng lắm, có tánh chất nghiêm trọng lớn hơn uống sai thuốc quá nhiều lần!

Đức Phật liễu giải trạng huống hiện thời của chúng ta, mà cũng biết căn khí của người hiện thời. Không chỉ là Thích Ca Mâu Ni Phật đề cao pháp môn Niệm Phật; trong hội Hoa Nghiêm, Phổ Hiền Bồ Tát cũng đề cao pháp môn này. Từ kinh Vô Lượng Thọ và kinh Di Đà, chúng ta thấy mười phương ba đời hết thảy chư Phật khác miệng cùng tiếng giới thiệu pháp môn này, đều đề cao pháp môn này. Do vậy có thể biết, chúng ta chẳng gặp thiện tri thức chân chánh chỉ dạy, hãy tuyển chọn pháp môn này để tu, quyết định chẳng sai lầm! Chúng ta hãy lắng lòng quan sát xã hội hiện thời, người học Phật rất đông, người học Phật bị ma dựa cũng lắm! Chúng ta hãy dò hỏi tỉ mỉ, chẳng nghe nói có ai niệm Phật mà bị ma dựa. Bị ma dựa nhiều nhất là kẻ học Thiền, học Mật, học Giáo, dễ dàng biến thành cuồng huệ. Đó cũng gọi là “ma dựa”, đều chẳng bình thường! Chỉ riêng pháp môn Niệm Phật này, đặc biệt là người thật thà niệm Phật, hầu như chẳng có một ai không thành tựu. Điều này chứng tỏ chư Phật, Bồ Tát đã giới thiệu với chúng ta pháp môn này chẳng sai lầm! Huống hồ pháp môn này là pháp môn bậc nhất để Như Lai phổ độ hết thảy chúng sanh, vì pháp môn này trên độ Đẳng Giác Bồ Tát, dưới độ chúng sanh trong địa ngục.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net