/ 289
342

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 238

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm sáu mươi hai:

 

  (Sao) Bảo Tích thập tâm giả, giải kiến tiền văn, tiền vị thập tâm nan cụ, kim vị tâm ký nhất hỹ, từ bi hỷ xả, bách thiên chủng tâm, hà sở bất cụ!

(鈔)寶積十心者,解見前文,前謂十心難具,今謂心既一矣,慈悲喜捨,百千種心,何所不具。

(Sao: “Mười tâm trong kinh Bảo Tích” xem giải thích trong kinh văn thuộc phần trước. Trong phần trước [của Sớ Sao] có nói “mười tâm khó thể trọn đủ”, nay nói: Tâm đã chuyên nhất thì từ bi, hỷ xả, trăm ngàn thứ tâm, có thứ nào chẳng trọn đủ!)

 

  Kinh Đại Bảo Tích nêu ra mười tâm, trong phần trước đã nói, ở đây chẳng nhắc lại nữa. Trong phần trước từng nói: Rất khó trọn đủ mười loại tâm ấy. Trong đoạn giảng về nhất tâm bất loạn này, đại sư bảo chúng ta: Nếu thật sự niệm đến nhất tâm bất loạn, không chỉ là mười tâm được nói trong kinh Đại Bảo Tích, mà các thứ tâm đáng nên trọn đủ của hàng Bồ Tát do chư Phật, Bồ Tát đã dạy trong hết thảy các kinh luận thảy đều trọn đủ. Do vậy có thể biết: Pháp môn này chủ trương nhất tâm bất loạn, pháp môn nhất tâm là pháp môn thù thắng nhất trong hết thảy các pháp môn. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Một chính là hết thảy, hết thảy chính là một”. Từ chỗ này, chúng ta có thể thấu hiểu ý nghĩa chân thật của câu kinh văn này, đồng thời cũng có thể thấu hiểu [vì sao] chư Phật Như Lai, hết thảy tổ sư đại đức đã dạy chúng ta: “Pháp môn này đơn giản, dễ dàng, ổn thỏa, thích đáng, nhanh chóng”. Ở đây, chúng ta cũng có thể thấy được những ý nghĩa đó. Đọc đoạn khai thị này, hãy nên thấu hiểu vì sao Tịnh Tông thành tựu chắc thật, ổn thỏa, thích đáng, lẹ làng dường ấy!

 

  (Sao) Tịnh Danh bát pháp giả.

  (鈔)淨名八法者。

  (Sao: Tám pháp trong kinh Tịnh Danh).

 

  Kinh Tịnh Danh là Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh. Trưởng giả Duy Ma (Vimalakīrti) cũng là Như Lai hóa thân, nói rõ: Tu hành thì xuất gia và tại gia trọn chẳng sai khác. Chúng ta mong tu hành chứng quả, vãng sanh bất thoái, tại gia và xuất gia chẳng khác gì nhau! Nếu chỉ đơn thuần nói theo phương diện vãng sanh bất thoái, nói thật ra, tại gia đâm ra còn [thành tựu] dễ dàng hơn xuất gia. Đặc biệt là trong thời cận đại, có thể thấy sự thật này rất rõ rệt. Chúng ta đọc Vãng Sanh Truyện thời cận đại, hoặc những ghi chép về chuyện vãng sanh, thậm chí ngay trong tỉnh này (Đài Loan), chúng tôi đích thân mắt thấy, tai nghe những người niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, thật sự là chúng tại gia đông hơn hàng xuất gia. Đã thế, tại gia nữ chúng lại còn đông hơn tại gia nam chúng. Điều này cho thấy: Đối với chuyện tu hành chứng quả, tại gia có thành tựu y hệt [như người xuất gia]. Vì sao phải phát tâm xuất gia? Xuất gia có công đức xuất gia, rốt cuộc công đức xuất gia là ở chỗ nào? Chúng ta biết: Trong một đời này, nếu chẳng nghe Phật pháp, chẳng thể nghe Phật pháp thù thắng bậc nhất như vậy, chúng ta quyết định chẳng thể thành tựu trong một đời này. Tu học bất cứ pháp môn nào mà mong thành tựu ngay trong một đời thì gần như là chẳng thể được. Dẫu vào thời cổ, xét theo tỷ lệ số lượng thì cũng rất ít. Nguyên nhân ở nơi đâu? Đoạn phiền não khó khăn, trừ vọng tưởng khó khăn! Sở dĩ pháp môn này thành tựu dễ dàng là vì chẳng cần đoạn phiền não, chẳng cần trừ vọng tưởng, thường nói là “đới nghiệp vãng sanh”, dễ dàng hơn các pháp môn khác quá nhiều. Vì thế, cổ đức gọi pháp môn này là “vạn người tu, vạn người đến”. Đạo lý ở chỗ này!

  Chúng ta nghe biết [Phật pháp] như thế nào? Cần phải cậy vào những người xuất gia đời đời truyền thừa, chúng ta mới có thể tiếp xúc, mới có thể nghe pháp môn này. Phật pháp nếu chẳng có ai truyền, đương nhiên là pháp này cũng tiêu mất trong thế gian này, người đời sau chẳng có cơ hội nghe pháp môn này nữa! Do vậy, công đức xuất gia chẳng có gì khác: Đời đời truyền thừa pháp môn này, giới thiệu, phổ biến pháp môn này với quảng đại quần chúng, khiến cho hết thảy mọi người có cơ hội gặp gỡ, có cơ hội nghe thấy, có cơ hội học tập. Đấy là trách nhiệm của người xuất gia. Do đó, người xuất gia phải gánh vác gia nghiệp của Như Lai, gánh vác là đảm đương trọng trách ấy. Gia nghiệp của Như Lai là gì? Là hoằng pháp lợi sanh. Trong hết thảy các pháp môn, hoằng pháp thật sự lợi ích chúng sanh, thật sự khiến cho chúng sanh đạt được lợi ích chân thật, chỉ có pháp môn này! Trừ pháp môn này ra, nói thật ra, lợi ích đạt được đều hữu hạn. Vì sao hữu hạn? Chẳng thể liễu sanh tử, chẳng thể thoát khỏi tam giới. Tuy gieo một chút thiện căn trong tám thức điền, vẫn y như cũ chẳng thể tránh khỏi luân hồi, lợi ích rất hữu hạn! Chỉ có pháp môn này là có thể thoát khỏi tam giới theo chiều ngang, vãng sanh bất thoái thành Phật, thành tựu ngay trong một đời, cho nên pháp môn này cũng gọi là “đương sanh thành tựu pháp môn” (pháp môn thành tựu ngay trong một đời). Công đức xuất gia là ở chỗ này.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289