/ 289
417

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 237

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm năm mươi tám:

 

(Sao) Hựu Quán Phật Tam Muội Hải Kinh, Phật thị A Nan vân: “Trụ niệm Phật giả, tâm ấn bất hoại”. Thích viết: “Đế liễu tự tâm, danh vi quán Phật. Bất vị cảnh loạn, danh vi tam-muội. Nhất Thể bất di, danh vi tâm ấn” đẳng.

  (鈔)又觀佛三昧海經,佛示阿難云:住念佛者,心印不壞。釋曰:諦了自心,名為觀佛;不為境亂,名為三昧;一體不移,名為心印等。

(Sao: Lại nữa, trong kinh Quán Phật Tam Muội Hải, đức Phật dạy ngài A Nan: “Trụ trong niệm Phật là tâm ấn chẳng hoại”. Giải thích: “Hiểu rõ đúng thật tự tâm thì gọi là quán Phật. Chẳng bị loạn bởi cảnh thì gọi là tam-muội. Một Thể chẳng dời thì gọi là tâm ấn” v.v…).

 

  Đây là ý nghĩa nhất tâm bất loạn được nói trong kinh Quán Phật Tam Muội Hải. Trong nhiều kinh luận, chúng ta đọc nhiều, sẽ có thể hiểu rõ đức Phật dạy Lý nhất tâm bất loạn rốt cuộc là cảnh giới như thế nào! Tuy chúng ta rất khó chứng nhập cảnh giới ấy, tối thiểu là có thể liễu giải thêm đôi chút về mặt thường thức, chuyện này sẽ giúp cho công phu niệm Phật của bản thân chúng ta tăng tấn.

  Đức Phật bảo ngài A Nan: “Trụ niệm Phật giả, tâm ấn bất hoại” (Trụ trong niệm Phật là tâm ấn bất hoại), đó là phần kinh văn [trong chánh kinh]. Kế đó, giải thích niệm Phật là như thế nào? Tâm ấn bất hoại là như thế nào? “Đế” (諦) có nghĩa là chân thật, “liễu” (了) là hiểu rõ. “Đế liễu” (諦了) là chân thật hiểu rõ, chẳng sai lầm, hiểu rõ tự tánh, thâm nhập chánh xác. “Tự tâm” là chân tánh, là bản tánh của chính mình. Nhà Thiền gọi “đế liễu tự tâm”“minh tâm kiến tánh”, đó là “quán Phật”. Có thể thấy cảnh giới này xác thực thuộc về Lý nhất tâm. Lý nhất tâm là phá một phẩm vô minh, chứng một phần Pháp Thân, là cảnh giới này, chẳng phải là cảnh giới Sự nhất tâm. “Bất vị cảnh loạn, danh vi tam-muội” (Chẳng bị loạn bởi cảnh thì gọi là tam-muội). Niệm Phật tam-muội là cảnh giới gì? Trong tâm có chủ tể, chẳng bị cảnh giới lục phàm dao động, nhiễu loạn, cũng chẳng bị tứ thánh pháp giới khuấy loạn, đó mới là Niệm Phật tam-muội thật sự. Trong Quán Kinh Tứ Thiếp Sớ, Thiện Đạo đại sư đã giảng trong chương Thượng Phẩm Thượng Sanh: A La Hán vì chúng ta thuyết pháp, Địa Tiền Bồ Tát[1] vì chúng ta thuyết pháp, Địa Thượng Bồ Tát vì chúng ta thuyết pháp, mười phương hết thảy chư Phật đều vì chúng ta thuyết pháp, nhưng chẳng tương ứng với kinh Vãng Sanh, ta thảy đều không quan tâm tới, thảy đều chẳng nghe, thảy đều chẳng tiếp nhận. Đó là “chẳng bị tứ thánh pháp giới nhiễu loạn”, đó mới là Niệm Phật tam-muội. “Nhất Thể bất di, danh vi tâm ấn đẳng” (Một Thể chẳng dời thì gọi là tâm ấn). “Thể” là chân tâm, là bản tánh, cũng là Nhất Chân pháp giới được nói trong kinh Hoa Nghiêm. “Bất di” (不移) là bất động, bất biến. Vì sao? Chân tâm trọn khắp pháp giới. Hết thảy các cõi Phật trong tận hư không khắp pháp giới (nay ta gọi là vô lượng tinh hệ trong vũ trụ), đều do chân tâm biến hiện. Tâm là năng biến (cái có thể biến). Vô lượng vô biên tinh hệ trong vũ trụ cho đến hư không đều là sở biến (cái được biến). Năng và Sở là một, không hai. Vì thế, nói là “nhất Thể bất di”, đó gọi là “tâm ấn bất hoại”.

“Tâm ấn” (心印) là tỷ dụ chẳng có trước sau, đồng thời hiển hiện. Chúng ta viết chữ thì từng nét bút, từng vạch phải theo thứ tự, có trước, có sau. Nếu chúng ta muốn sao chép kinh văn trong trang này bèn có trước sau. Trong ấn loát, khi bản in gốc vừa ép xuống [giấy], toàn bộ phần kinh văn này đều hiện tiền, chẳng có trước sau, [dùng chữ “ấn”] nhằm nêu ra ý nghĩa này. Sâm la vạn tượng trong tận hư không khắp pháp giới sanh khởi có trước sau hay chăng? Thưa cùng chư vị, chẳng có trước sau. Các nhà khoa học hiện thời bất luận thăm dò ra sao, trước sau vẫn chẳng có cách nào hiểu rõ chân tướng, vì chẳng hiểu hết thảy các hiện tượng sanh khởi chẳng có trước sau.

Kinh Lăng Nghiêm nói: “Đương xứ xuất sanh, tùy xứ diệt tận” (Sanh ra từ nơi đâu, sẽ diệt ngay từ nơi đó), gần như là sanh diệt đồng thời. Nếu các nhà khoa học đọc kinh Lăng Nghiêm, có lẽ khoa học sẽ tăng tấn, tiến cao hơn một nấc, có thể chứng minh chân tướng được nói trong kinh Phật. Nay chúng ta nghiên cứu theo phương hướng sai lầm, luôn nghĩ chúng có thứ tự, luôn nghĩ chúng có khởi nguyên. Đối với khởi nguyên của vũ trụ, sinh vật và nhân loại, [giới khoa học] luôn bảo là chúng có trước sau, không biết là chúng chẳng có trước sau.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289