/ 289
457

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 236

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm năm mươi tám:

 

  (Sao) Khởi Tín Chân Như giả, luận vân: “Nhược quán bỉ Phật Chân Như Pháp Thân, thường cần tu tập, tất cánh đắc sanh, trụ Chánh Định cố”.

  (鈔)起信真如者,論云:若觀彼佛真如法身,常勤修習,畢竟得生,住正定故。

(Sao: Trong Khởi Tín Luận, Chân Như được luận ấy giảng như sau: “Nếu quán Chân Như Pháp Thân của đức Phật ấy, thường siêng năng tu tập, rốt ráo được vãng sanh, trụ trong Chánh Định”).

 

  Lại nêu ra lời khai thị của Mã Minh Bồ Tát trong Đại Thừa Khởi Tín Luận. Khởi Tín Luận cũng khuyên dạy chúng ta niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Đây là một bộ luận điển rất quan trọng trong pháp Đại Thừa.

 

(Diễn) Nhược quán bỉ Phật Chân Như Pháp Thân giả, năng quán tức thị Nhất Tâm Tam Quán, sở quán tức thị Tam Đế Nhất Cảnh,  vị  chi  “quán bỉ Phật”  giả.  Thị thác bỉ quả Phật viên minh chi

Thể, hiển ngã chúng sanh Tánh Đức chi Phật dã.

  (演)若觀彼佛真如法身者,能觀即是一心三觀,所觀即是三諦一境,謂之觀彼佛者,是託彼果佛圓明之體,顯我眾生性德之佛也。

(Diễn: “Nếu quán Chân Như Pháp Thân của đức Phật ấy”: Chủ thể để quán là Nhất Tâm Tam Quán, đối tượng được quán là Tam Đế Nhất Cảnh. Nói “quán đức Phật ấy” chính là cậy vào cái Thể viên minh của đức Phật nơi quả địa để hiển lộ đức Phật nơi Tánh Đức của bọn chúng sanh chúng ta).

 

Hai câu này rất trọng yếu, nói rõ vì sao phải quán A Di Đà Phật. “Bỉ Phật” chính là Tây Phương thế giới A Di Đà Phật, phải quán Pháp Thân của Ngài. Từ kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật, chúng ta biết rõ ba thân của Tây Phương thế giới A Di Đà Phật là một Thể. Nêu ra một chính là ba, bất luận Hóa Thân hay Báo Thân, thảy đều là Pháp Thân, ba thân là một thân.

Đối với Quán, [nêu ra các khái niệm] năng quán và sở quán là dựa theo cách nói của Thiên Thai đại sư, còn trong [Khởi Tín] Luận chỉ nói Quán. Pháp sư Cổ Đức dùng phương pháp Chỉ Quán của tông Thiên Thai để giải thích. Nói Nhất Tâm Tam Quán nhằm vạch rõ chẳng phải là Thứ Đệ Tam Quán, mà là viên dung. Chân - Giả - Trung là Tam Quán, một tức là ba, ba tức là một, đó gọi là Nhất Tâm Tam Quán, chẳng có thứ tự. Cảnh giới được quán cũng là Nhất Tâm Tam Đế, “Tam Đế nhất cảnh”. Do vậy có thể biết, Giáo Hạ tu Quán, “tùy văn nhập quán” là phương pháp dụng công của Giáo Hạ. Tùy văn nhập quán rất gần với Thiền, Chỉ Quán cũng là Thiền. Ngàn muôn phần đừng hiểu lầm [tùy văn nhập quán] là dựa theo kinh văn để rồi dấy vọng tưởng [suy đoán lung tung kinh văn có ý nghĩa như thế này, hàm ý như thế nọ], sai mất rồi! Đấy chẳng phải là phương pháp tu trì của Giáo Hạ. Phương pháp tu trì của Giáo Hạ, đặc biệt là Nhất Tâm Tam Quán, đúng là rất dễ khai ngộ. Giáo Hạ nói [sự khai ngộ ấy là] “đại khai viên giải”, có thể thấy: Đều phải là thật sự dụng công, chẳng đổ công dốc sức sẽ không được!

  Trọng tâm của công phu là ở chỗ nào? Thiên Thai đại sư đã nói rất minh bạch: Mấu chốt ở ngay nơi Nhất Tâm. Cách tu Nhất Tâm Tam Quán là như thế nào? Nhất tâm tự nhiên có đủ Tam Quán, Tam Quán là tác dụng của nhất tâm. Nếu quý vị chẳng đạt tới nhất tâm, sẽ chẳng có Tam Quán! Chẳng đạt tới nhất tâm, tu bằng cách nào? Tông Thiên Thai có một phương tiện gọi là Thứ Đệ Tam Quán. [Trong cách tu này], Tam Quán chưa thể [vận dụng] đồng thời, chưa thể viên dung; hễ đồng thời viên dung, sẽ nhất định đạt tới nhất tâm. Do vậy có thể biết: Chúng ta niệm Phật đạt đến nhất tâm bất loạn, khi ấy, tâm chúng ta khởi tác dụng, Thiên Thai đại sư gọi nó là Nhất Tâm Tam Quán. Đúng là nhất tâm hết sức khó khăn, chúng ta khởi tâm động niệm bèn rớt vào hai, ba. “Hai” là nhị ý, Mạt Na Thức là Ý Căn, thức thứ sáu là Ý Thức. “Ba” là tam tâm, tức là A Lại Da Thức, Mạt Na Thức, và thức thứ sáu, tức Ý Thức. Chúng ta thường nói “tam tâm, nhị ý”, danh từ này phát xuất từ kinh Phật. Tam tâm nhị ý chẳng phải là nhất tâm. Mấu chốt là nhất tâm, chúng ta tu nhất tâm như thế nào? Chúng ta có thể tạm thời không hỏi tới Tam Quán, chỉ nói tới nhất tâm. Vì quý vị đã đắc nhất tâm, tự nhiên Tam Quán hiện tiền, cảnh giới được quán bởi quý vị sẽ tự nhiên là Tam Đế Nhất Cảnh, nhất cảnh là gì? Là Nhất Chân pháp giới như kinh Hoa Nghiêm đã nói.

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289