A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 235
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm năm mươi bảy:
(Sao) Hoa Nghiêm Nhất Hạnh giả, Đức Vân tỳ-kheo thị Niệm Phật pháp môn. Sớ vân: “Nhất Hạnh tam-muội, quán kỳ Pháp Thân, dĩ Như vi cảnh, vô cảnh phi Phật”.
(Diễn) Đức Vân tỳ-kheo thị Niệm Phật pháp môn giả. Sơ vân: “Ngã duy đắc thử ức niệm nhất thiết chư Phật cảnh giới, trí huệ, quang minh phổ kiến pháp môn”. Kế phục thị Trí Quang Phổ Chiếu Niệm Phật môn, nãi chí đệ nhị thập nhất Trụ Hư Không Niệm Phật môn”.
(鈔)華嚴一行者,德雲比丘示念佛法門,疏云:一行三昧,觀其法身。以如為境,無境非佛。
(演)德雲比丘示念佛法門者,初云我唯得此憶念一切諸佛境界,智慧光明普見法門,繼復示智光普照念佛門,乃至第二十一住虛空念佛門。
(Sao: “Hoa Nghiêm Nhất Hạnh”: Tỳ-kheo Đức Vân dạy pháp môn Niệm Phật. [Thanh Lương] Sớ ghi: “Nhất Hạnh tam-muội quán Pháp Thân, lấy Như làm cảnh, chẳng có cảnh nào không phải là Phật”.
Diễn: “Tỳ-kheo Đức Vân dạy pháp môn Niệm Phật”. Trước hết, Ngài nói: “Ta chỉ đắc pháp môn ức niệm cảnh giới của hết thảy chư Phật, trí huệ quang minh thấy trọn khắp này”. Sau đó, lại dạy pháp môn Trí Quang Phổ Chiếu Niệm Phật, cho đến môn thứ hai mươi mốt là Trụ Hư Không Niệm Phật).
Trong hết thảy các kinh do đức Như Lai đã nói trong bốn mươi chín năm, Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh xứng đáng nhất để đại diện cho sự giáo hóa trong suốt một đời Thích Ca Mâu Ni Phật. Nói theo cách hiện thời, kinh Hoa Nghiêm là khái luận của toàn thể Phật pháp. Cổ nhân nói Hoa Nghiêm là căn bản pháp luân, hết thảy các kinh đều là quyến thuộc của Hoa Nghiêm, cũng có thể nói “hết thảy các kinh là cành lá của Hoa Nghiêm”. Hoa Nghiêm là căn bản, giảng giải viên mãn đến mức độ rốt ráo tột bậc, mà cũng là khuôn mẫu quan trọng nhất để học Phật, nhất là phẩm Nhập Pháp Giới, năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử đã nêu gương tu học cho chúng ta. Hành giả Đại Thừa xem Thiện Tài đồng tử tham phỏng năm mươi ba vị thiện tri thức, sẽ biết phải nên học tập Phật pháp như thế nào. Vị thầy đầu tiên của Thiện Tài đồng tử là Văn Thù Bồ Tát. Một hội kinh trong phẩm Nhập Pháp Giới gồm có bổn hội và mạt hội. Bổn hội (本會: hội gốc, hội căn bản) chiếm đến ba quyển rưỡi trong phần kinh văn, [trong ấy thuật chuyện] Thiện Tài đồng tử tôn Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát làm thầy. Thiện Tài thành tựu Căn Bản Trí trong hội của ngài Văn Thù. Căn Bản Trí là gì? Trong kinh Bát Nhã thường nói: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”. Vô tri là Căn Bản Trí. Vô tri là khi chân tâm chẳng khởi tác dụng, nó bèn thanh tịnh, tịch diệt. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã nói: “Vốn chẳng có một vật, chỗ nào nhuốm bụi trần”, đó chính là Căn Bản Trí. Căn Bản Trí hết sức trọng yếu, giống như một cái cây, chẳng có cội rễ, lấy đâu ra cành, lá? Rễ sanh trưởng dưới đất, phần chánh yếu phát xuất từ rễ được gọi là cội (thân chánh của cây), từ cội lại chia thành cành, lại tách thành nhánh, lại có lá, hoa, quả, có thể thấy cội rễ vô cùng quan trọng.
Chẳng thể nói là người hiện thời tu học chẳng siêng năng, tích cực, chẳng thể nói họ không dụng công, nhưng xét theo hoàn cảnh tu học để nói, chẳng thể nói là không thuận lợi. Người thuở trước tìm kinh bổn chẳng ra! Nếu muốn có một bộ kinh, chỉ có cách chép tay, đâu có thuận tiện như hiện thời! Thuở tôi mới học Phật, theo pháp sư Sám Vân ở trong lều tranh[1] tại Bộ Lý, buổi tối xem kinh, khi ấy đèn sáng nhất là một cái bóng đèn điện nhỏ có độ sáng là hai nến (Candela)[2]. Do thuở ấy, trên núi chẳng có điện, pháp sư Sám Vân mua một bình ắc-quy (accumulateur, accu) của xe hơi, nạp đầy điện mang lên núi. [Trong chùa] có tất cả là sáu căn phòng, mỗi phòng thắp một ngọn đèn nhỏ, [có độ sáng] là hai nến. Chúng tôi đọc sách dưới ánh sáng [tù mù] như vậy, đâu có sáng ngời như hiện thời! Người học Phật hiện nay phước báo quá lớn, [đèn đuốc] sáng ngời như thế! Hoàn cảnh của cổ nhân còn khốn khổ, gian nan hơn chúng tôi.