/ 289
404

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 234


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm năm mươi sáu:


(Sớ) Hựu Lý nhất tâm, chánh Văn Thù Nhất Hạnh tam-muội, cập Hoa Nghiêm nhất hạnh niệm Phật, nhất thời niệm Phật. Hựu như Khởi Tín minh Chân Như Pháp Thân, cập chư kinh trung thuyết.

(疏)又理一心,正文殊一行三昧,及華嚴一行念佛、一時念佛;又如起信明真如法身,及諸經中說。

(Sớ: Lại nữa, Lý nhất tâm chính là Nhất Hạnh tam-muội trong kinh Văn Thù [Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật] và nhất hạnh niệm Phật, nhất thời niệm Phật trong kinh Hoa Nghiêm. Lại như luận Khởi Tín nói đến Chân Như Pháp Thân và các kinh đã nói).


Sau khi đã giảng bốn loại Niệm Phật trên đây, Liên Trì đại sư mới chính thức vì chúng ta giảng rõ Lý nhất tâm là gì. Lý nhất tâm cũng có kinh luận để làm căn cứ, có thể thấy: Chẳng phải là tổ sư nói tùy tiện, hoặc thốt lời suy đoán. Đấy cũng là “y pháp, bất y nhân” thường được nhắc tới trong Tứ Y Pháp. [Lý nhất tâm] chính là Văn Thù Nhất Hạnh tam-muội và Hoa Nghiêm Nhất Hạnh Niệm Phật.


(Sao) Văn Thù Nhất Hạnh giả, dĩ Bát Nhã trí chuyên trì Phật danh, tường kiến tiền văn.

(鈔)文殊一行者,以般若智專持佛名。詳見前文。

(Sao: “Văn Thù Nhất Hạnh” là dùng trí Bát Nhã để chuyên trì danh hiệu Phật, xem giải thích tường tận trong phần trước).


Trong phần trước tuy đã nói, ở đây, đặc biệt nhấn mạnh Lý nhất tâm bất loạn.


(Diễn) Bát Nhã trí giả, tức tự tại quyết định giải lực.

(演)般若智者,即自在決定解力。

(Diễn: “Trí Bát Nhã” chính là sức quyết định thông hiểu tự tại).


“Giải” (解) là minh giải, [tức là] hiểu rõ, lý giải. Nhưng điều khẩn yếu trong câu này là “tự tại quyết định”, “quyết định” là quyết chẳng có sai lầm. Làm như thế nào để có thể đạt được tự tại? Đấy chẳng phải là chuyện dễ dàng. Mức độ thấp nhất là phải có cảnh giới như trong Tâm Kinh. Trong Tâm Kinh, Quán Tự Tại Bồ Tát chính là Quán Thế Âm, nêu gương cho chúng ta, “hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời” (khi hành Bát Nhã sâu xa). Trí Bát Nhã là Bát Nhã sâu xa. “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không” (Soi thấy năm uẩn đều không): Đấy là tự tại quyết định giải lực, tiêu chuẩn này rất cao. Vì sao có tiêu chuẩn cao như thế? Vì Ngài là Lý nhất tâm, chẳng phải là Sự nhất tâm. Tiêu chuẩn của Lý nhất tâm cao như thế đó.


(Diễn) Tín nhãn thanh tịnh, trí quang chiếu diệu, phổ quán cảnh giới, ly nhất thiết chướng, thiện xảo quán sát, phổ nhãn minh triệt dã.

(演)信眼清淨,智光照耀,普觀境界,離一切障,善巧觀察,普眼明徹也。

(Diễn: Tín nhãn thanh tịnh, trí quang chiếu sáng ngời, quán trọn khắp cảnh giới. Lìa hết thảy các chướng, khéo léo quan sát, chính là phổ nhãn sáng suốt, thấu triệt).


Giảng giải đơn giản về “tự tại quyết định giải lực”. Như thế nào thì mới là tự tại quyết định giải lực? “Tín nhãn thanh tịnh”, “tín nhãn” (信眼) chính là tín tâm. Mắt có thể thấy, tâm có thể hiểu rõ. Mắt ấy chẳng phải là nhục nhãn, tín nhãn chính là tâm nhãn. Nói “tâm nhãn” thì chúng ta vẫn chẳng dễ dàng hiểu rõ ý nghĩa cho lắm. “Tín tâm”: Nếu tín tâm thanh tịnh, trong kinh Kim Cang có nói một câu tiếp theo: “Tắc sanh Thật Tướng” (Bèn sanh Thật Tướng). Thật Tướng là gì? Là Lý nhất tâm. Quý vị bèn hiểu: Tiêu chuẩn của Lý nhất tâm chính là tiêu chuẩn trong kinh Kim Cang, hoặc tiêu chuẩn của Bát Nhã Tâm Kinh. Phải khế nhập cảnh giới ấy, tín tâm của quý vị mới có thể thanh tịnh. Tín tâm thanh tịnh, pháp thế gian và xuất thế gian chẳng có gì không thông đạt, chẳng có gì không hiểu rõ!

“Trí quang chiếu diệu, phổ quán cảnh giới” (Trí quang chiếu sáng ngời, quán trọn khắp cảnh giới): Cảnh giới này chính là Thể, Tướng, tác dụng của hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian. Nếu nói theo kinh Pháp Hoa, sẽ là Thập Như Thị (mười món Như Thị), [tức là] như thị Thể, như thị Tánh, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, mãi cho đến “như thị bổn mạt cứu cánh”. Ở đây nói là “phổ quán cảnh giới”, cũng có nghĩa là nói tới y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới, hoặc như kinh Hoa Nghiêm thường nói là “tổng cai vạn pháp” (總賅萬法: bao trùm vạn pháp), nó đều có thể chiếu phân minh.

“Ly nhất thiết chướng” (Lìa hết thảy chướng): Kiến Tư phiền não là chướng, Trần Sa phiền não là chướng, vô minh phiền não cũng là chướng, thảy đều lìa khỏi. Kiến Tư và Trần Sa quyết định lìa trọn hết. Dẫu vô minh chẳng lìa hoàn toàn, cũng phải lìa đôi chút, vô minh có muốn chướng cũng chẳng chướng được, trí Bát Nhã mới thấu lộ. Hàng Nhị Thừa chẳng có trí huệ Bát Nhã, nguyên nhân ở chỗ nào? Hàng Nhị Thừa đoạn Kiến Tư phiền não, nhưng Trần Sa và vô minh chẳng đoạn, đã phá Ngã Chấp, nhưng Pháp Chấp hãy còn, cho nên chẳng thể kiến tánh. “Chẳng thể kiến tánh” là đức dụng nơi bản tánh chẳng thấu lộ. Đức dụng trong bản tánh chính là trí huệ Bát Nhã. Vì thế, nhất định phải lìa hết thảy chướng.

/ 289