A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 231
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm năm mươi hai:
(Sớ) Hựu giáo phân tứ chủng niệm Phật, tùng thiển chí thâm, thử cư tối thỉ. Tuy hậu hậu thâm ư tiền tiền, thật tiền tiền triệt ư hậu hậu, dĩ Lý nhất tâm, tức Thật Tướng cố.
(疏)又教分四種念佛,從淺至深,此居最始。雖後後深於前前,實前前徹於後後,以理一心,即實相故。
(Sớ: Lại nữa, giáo pháp chia thành bốn loại niệm Phật, từ cạn đến sâu, pháp [trì danh] này đứng đầu tiên. Tuy pháp sau sâu hơn pháp trước, nhưng thật ra, pháp trước thông thấu pháp sau, vì Lý nhất tâm chính là Thật Tướng).
Lời Sao có giải thích cặn kẽ đoạn văn này. [Nói] “bốn loại niệm Phật” là quy nạp thành từng loại lớn. Có nhiều cách niệm Phật, nhưng quy nạp lại, chẳng ngoài bốn loại lớn ấy. Trong bốn loại lớn, có cạn, có sâu, pháp Trì Danh nông cạn nhất, Thật Tướng là sâu nhất. Càng về sau, càng sâu hơn loại trước. Loại trước tuy nông cạn, nó có thể quán triệt đến loại cuối cùng. Do vậy có thể biết, “cạn” hoàn toàn chẳng phải là “nông cạn, dễ thấy” trong cách nói theo quan niệm của bọn phàm phu chúng ta. Vì sao? Dùng phương pháp Trì Danh có thể niệm đạt tới Lý nhất tâm bất loạn. Nếu niệm đến Lý nhất tâm, sẽ là Thật Tướng Niệm Phật. Có rất nhiều đồng tu thường đến hỏi: “Thật Tướng Niệm Phật phải niệm theo cách nào? Cách tu ra sao?” Nói thật ra, chuyện này có học cũng chẳng hiểu được! Nếu quý vị chẳng minh tâm kiến tánh, bất luận dùng phương pháp gì để niệm Phật, sẽ đều chẳng phải là Thật Tướng Niệm Phật. Sau khi đã phá một phẩm vô minh, thấy một phần chân tánh, bất luận dùng phương pháp gì để niệm Phật, đều gọi là Thật Tướng Niệm Phật. Vì lẽ này, Thật Tướng Niệm Phật xác thực là phương pháp tu hành sau khi đã chứng đắc Lý nhất tâm.
Chứng đắc Lý nhất tâm, có còn phải niệm Phật hay không? Phải niệm! Không niệm thì vẫn chưa được, vì sao? Bậc Sơ Trụ trong Viên Giáo bèn chứng đắc Lý nhất tâm. Từ Sơ Trụ cho đến thành Phật còn có bốn mươi mốt tầng cấp. Niệm Phật trong bốn mươi mốt tầng cấp ấy đều gọi là Thật Tướng Niệm Phật. Có thể thấy Thật Tướng Niệm Phật không chỉ là tất yếu, mà còn [phải tu tập hành trì] trong thời kiếp khá dài. Trong kinh, Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói là ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Ba đại A-tăng-kỳ kiếp là nói theo Biệt Giáo. Nói chung, sẽ là trong A-tăng-kỳ kiếp thứ hai và thứ ba, [tức là để tu tập] Thật Tướng Niệm Phật, phải dùng tới hai A-tăng-kỳ kiếp trong ba đại A-tăng-kỳ kiếp. Nay chúng ta dùng Trì Danh thì trong A-tăng-kỳ kiếp thứ nhất bèn xưng danh, [A-tăng-kỳ] kiếp thứ hai và thứ ba đều là [tu tập] Thật Tướng [Niệm Phật]. Chúng ta biết chuyện này, trong tương lai thảy đều phải tu, hiện thời chẳng cần sốt ruột, có gấp cũng chẳng được!
(Sao) Tứ chủng như tiền Tự trung thuyết, nhất Xưng Danh, nhị Quán Tượng, tam Quán Tưởng, tứ Thật Tướng.
(鈔)四種如前序中說,一稱名,二觀像,三觀想,四實相。
(Sao: Bốn loại là như trong lời Tự thuộc phần trước đã nói: Một là Xưng Danh, hai là Quán Tượng, ba là Quán Tưởng, bốn là Thật Tướng).
Trong lời Tựa thuộc phần trước đã giới thiệu danh xưng của bốn loại Niệm Phật ấy. Loại thứ nhất là Xưng Danh, tức chấp trì danh hiệu. Loại thứ hai là Quán Tượng, loại thứ ba là Quán Tưởng, loại thứ tư là Thật Tướng.
(Sao) Xưng Danh giả, tức kim kinh.
(鈔)稱名者,即今經。
(Sao: Xưng Danh là [pháp hành trì được đề xướng trong] kinh này).
Kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ đều chủ trương Xưng Danh. Kinh điển trọng yếu nhất của Tịnh Tông, kinh Vô Lượng Thọ là kinh bậc nhất của Tịnh Tông. Kinh Di Đà do đức Thích Ca xứng tánh đàm luận, chẳng ai hỏi mà tự nói, thù thắng khôn sánh.
(Sao) Quán Tượng giả, vị thiết lập tôn tượng, chú mục quan chiêm. Như Pháp Hoa vân: “Khởi lập hiệp chưởng, nhất tâm quán Phật”, tức quán tướng hảo, quang minh hiện tại chi Phật dã. Nhược Ưu Điền vương, dĩ Chiên Đàn tác Thế Tôn tượng, tức quán nê, mộc, kim, đồng chú tạo chi Phật dã, cố vân Quán Tượng.
(鈔)觀像者,謂設立尊像,注目觀瞻。如法華云:起立合掌,一心觀佛,即觀相好光明現在之佛也。若優填王,以栴檀作世尊像,即觀泥木金銅鑄造之佛也,故云觀像。
(Sao: Quán Tượng là thiết lập tôn tượng, mắt chăm chú chiêm ngưỡng. Như kinh Pháp Hoa nói “đứng dậy, chắp tay, một lòng quán Phật” chính là quán tướng hảo và quang minh của vị Phật hiện tại. Còn như vua Ưu Điền dùng gỗ Chiên Đàn tạc tượng đức Thế Tôn, tức quán vị Phật bằng đất, gỗ, vàng, đồng đúc tạo. Do đó nói là “quán tượng”).