/ 289
507

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 230


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm năm mươi:


(Sao) Nhị tức Tịch Chiếu nan tư. Nhược ngôn kỳ hữu, tắc năng niệm chi tâm, bản thể tự không, sở niệm chi Phật, liễu bất khả đắc. Nhược ngôn kỳ vô, tắc năng niệm chi tâm, linh linh bất muội, sở niệm chi Phật, lịch lịch phân minh. Nhược ngôn diệc hữu vô, tắc hữu niệm vô niệm câu mẫn. Nhược ngôn phi hữu phi vô, tắc hữu niệm vô niệm câu tồn. Phi hữu tắc thường Tịch, phi vô tắc thường Chiếu, phi song diệc, phi song phi, tắc bất Tịch bất Chiếu, nhi Chiếu nhi Tịch. Ngôn tư lộ tuyệt, vô khả danh trạng, cố duy nhất tâm.

(鈔)二即寂照難思,若言其有,則能念之心,本體自空,所念之佛,了不可得;若言其無,則能念之心,靈靈不昧,所念之佛,歷歷分明;若言亦有無,則有念無念俱泯;若言非有非無,則有念無念俱存。非有則常寂,非無則常照,非雙亦,非雙非,則不寂不照,而照而寂。言思路絕,無可名狀,故唯一心。

(Sao: Hai là “Tịch và Chiếu khó nghĩ tưởng”. Nếu nói nó là Có thì bản thể của cái tâm năng niệm là Không, đức Phật được niệm trọn chẳng thể được. Nếu bảo là Không thì cái tâm năng niệm linh thông chẳng mê muội, đức Phật được niệm vằng vặc phân minh. Nếu bảo là “vừa Có, vừa Không” thì hữu niệm và vô niệm đều mất. Nếu nói “chẳng phải là Có, chẳng phải là Không” thì hữu niệm và vô niệm cùng tồn tại. Chẳng phải Có mà thường Tịch, chẳng phải là Không mà thường Chiếu, chẳng phải là “cùng Có, cùng Không”, chẳng phải là “chẳng phải Có, chẳng phải Không” mà chẳng Tịch, chẳng Chiếu, lại vừa Chiếu, vừa Tịch. Nói năng lẫn suy nghĩ đều chẳng được, không thể nào gọi tên hay hình dung. Vì thế, chỉ là nhất tâm).


Đoạn này nhằm giảng về ý nghĩa thứ hai của Thể Cứu, tức là “Tịch Chiếu nan tư”. Trước hết, chúng tôi nói ý nghĩa của bốn chữ ấy theo phương diện văn tự. Phàm phu, Nhị Thừa, Quyền Giáo Bồ Tát đều dùng vọng tâm. Dùng vọng tâm thì từ Nhị Thừa trở lên tuy tu Định, công phu định lực đã tu có [mức độ] thành công kha khá, có thể chế phục vọng tưởng, nhưng các Ngài chưa thể kiến tánh. Ắt phải là sau khi đã kiến tánh thì mới dùng chân tâm. Chân tâm là Tịch mà thường Chiếu, Chiếu mà thường Tịch, khác xa vọng tâm! Chúng ta niệm Phật, đương nhiên là đại đa số vẫn dùng vọng tâm để niệm. Dùng vọng tâm để niệm mà rất đúng pháp, bèn có thể đới nghiệp vãng sanh. Trong bốn cõi Tây Phương, cõi Phàm Thánh Đồng Cư và cõi Phương Tiện Hữu Dư đều là đới nghiệp vãng sanh. Nếu niệm đến Lý nhất tâm bất loạn, sẽ sanh trong cõi Thật Báo, hoặc cõi Thường Tịch Quang, khác hẳn!

Chúng ta có thể vãng sanh hay không? Đây là một câu hỏi lớn! Nếu muốn vãng sanh, nhất định là phải chế phục phiền não. Chúng ta chẳng đoạn được thì phải chế phục phiền não. Phiền não là gì? Phiền não là vọng tưởng, ngay cả độ chúng sanh cũng là dấy vọng tưởng. Quý vị thường có ý niệm độ chúng sanh, nói thật thà, chẳng thể đến Tây Phương Cực Lạc thế giới được! Chẳng thể không có nguyện độ chúng sanh, nhưng chớ nên có ý niệm độ chúng sanh; bởi nó là vọng niệm. Chúng ta suốt ngày từ sáng đến tối niệm câu A Di Đà Phật, vẫn thường nghĩ “ta phải độ chúng sanh”, tức là vọng niệm ấy xen tạp vào đó. Niệm Phật sợ nhất là xen tạp, quyết định chớ nên hoài nghi, chớ nên gián đoạn, chớ nên xen tạp! Pháp tốt đẹp như vậy, chẳng giới thiệu cho người khác, trong lòng rất khó chịu, đó là vọng tưởng. Chư Phật, Bồ Tát chẳng cảm thấy khó chịu, quý vị khó chịu nỗi gì! Vì sao chư Phật, Bồ Tát chẳng khổ sở? Duyên chưa chín muồi. Nếu duyên đã chín muồi, Phật, Bồ Tát tự nhiên sẽ đến. “Trong cửa nhà Phật, chẳng bỏ một ai”, người nào nhân duyên đã chín muồi, Phật, Bồ Tát tự nhiên sẽ hóa thân tới độ kẻ ấy, chẳng vứt bỏ một ai! Duyên chưa chín muồi, không thể đến, [vì có hiện thân đến tiếp độ] không chỉ là chẳng thể thành tựu việc gì, trái lại còn là chuyện xấu. Vì sao? Khiến cho kẻ ấy nẩy sanh ác cảm, khiến cho thời gian [cần thiết] để duyên của kẻ đó chín muồi bị kéo dài, vậy thì từ bi ở chỗ nào? Đó gọi là ngu si, ngu muội.

Do vậy, trong đời này, chúng ta gặp gỡ Phật pháp, ý niệm đầu tiên là “quyết định phải sanh về Tịnh Độ”. Chỉ sau khi đã sanh về Tịnh Độ thì mới có thể rộng độ chúng sanh, trong một đời này chẳng vội vàng độ chúng sanh. Có đồng tu đề nghị, bảo tôi phải nghĩ phương pháp lưu thông băng thâu âm và băng thâu hình giảng kinh của tôi. Trên thực tế, hiện thời đã được lưu thông chẳng ít, tôi biết nhiều nơi trên cả thế giới đều có. Còn có người dấy lên ý niệm muốn lập một hội gây quỹ, quyên mộ một khoản tiền để làm chuyện này, có nên hay không? Thoạt nghe thì dường như hay lắm, hiện thời, trong Phật môn có nhiều đạo tràng đều làm theo kiểu ấy, nhưng hễ làm chuyện ấy, sẽ chẳng thể vãng sanh! Chúng ta ngẫm xem: Vãng sanh là khẩn yếu, hay tu phước báo luân hồi trong lục đạo là khẩn yếu? Chúng ta phải cân nhắc cẩn thận! Trong các buổi giảng, tôi thường khuyên lơn, khích lệ các đồng tu giới thiệu Phật pháp, đề cao Phật pháp, trong Phật môn nói là “hoằng dương Phật pháp”, chúng ta phải làm chuyện này. Dùng tâm thái gì để làm? Tùy duyên, tùy phận, như vậy thì tốt. Đừng nên cố ý thực hiện, chớ nên lập kế hoạch để làm, chẳng cần phải có tổ chức để làm, vì sẽ tạo ra quá nhiều điều tệ hại! Lỡ như chúng ta do hảo tâm, có tổ chức sao cho mỗi huyện đều có một tiểu tổ, có một người phụ trách, lỡ như kẻ ấy hóa duyên tại đó, dùng món tiền [quyên góp] được để tiêu xài cho chính mình, trong tương lai kẻ ấy sẽ đọa địa ngục. Vì sao kẻ ấy đọa địa ngục? Chính là do chúng ta đã cài bẫy đưa kẻ ấy vào địa ngục, tội lỗi ấy quá nặng!

/ 289