/ 289
430

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 232


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm năm mươi ba.


(Sao) Thử chi tứ giả, tuy đồng danh Niệm Phật, tiền thiển, hậu thâm. Trì Danh tuy tại sơ môn, kỳ thật, ý hàm vô tận. Sự nhất tâm tắc thiển, Lý nhất tâm tắc thâm. Tức Sự, tức Lý, tắc tức thiển, tức thâm, cố viết “triệt tiền, triệt hậu”. Sở dĩ giả hà? Lý nhất tâm giả, nhất tâm tức thị Thật Tướng, tắc tối sơ tức thị tối hậu cố.

(鈔)此之四者,雖同名念佛,前淺後深。持名雖在初門,其實意含無盡,事一心則淺,理一心則深,即事即理,則即淺即深,故曰徹前徹後。所以者何?理一心者,一心即是實相,則最初即是最後故。

(Sao: Bốn pháp này, tuy cùng gọi là Niệm Phật, nhưng phép trước cạn, phép sau sâu. Trì Danh tuy thuộc môn đầu tiên, nhưng thật ra, chứa đựng ý nghĩa vô tận. Sự nhất tâm là cạn, Lý nhất tâm là sâu. Do Sự chính là Lý, nên cạn chính là sâu. Vì thế nói là “thông triệt trước sau”. Vì sao vậy? Đối với Lý nhất tâm, nhất tâm chính là Thật Tướng, cho nên pháp thoạt đầu chính là pháp tối hậu vậy).


Từ đoạn kết luận này của đại sư, chúng ta mới thật sự thấu hiểu diệu hạnh Trì Danh chẳng thể nghĩ bàn. Trì Danh, Quán Tượng, Quán Tưởng, Thật Tướng, bốn loại Niệm Phật nếu đều triển khai tỉ mỉ để quan sát, [sẽ thấy]: Nó bao gồm Thiền, Mật, Tông, Giáo, vô lượng pháp môn trong Phật pháp, có nghĩa là Thiền và Mật đều chẳng thể vượt khỏi phạm vi của Niệm Phật! Kết luận này hay lắm, đã tổng kết “danh hiệu có công đức chẳng thể nghĩ bàn; chấp trì danh hiệu cũng là chẳng thể nghĩ bàn”. Quý vị nói một câu Phật hiệu là nông cạn thì nó rất nông cạn. Quý vị nói nó là sâu, sẽ là sâu không đáy, nó chính là Sự mà cũng là Lý. Ở đây, đại sư nói “triệt tiền triệt hậu”, Tiền là Trì Danh, Hậu là Thật Tướng.


(Diễn) Triệt tiền triệt hậu giả, Lý tức Sự cố triệt tiền, Sự tức Lý cố triệt hậu.

(演)徹前徹後者,理即事故徹前,事即理故徹後。

(Diễn: “Thông triệt trước sau”: Lý chính là Sự cho nên “thông triệt pháp trước”, Sự chính là Lý nên “thông triệt pháp sau”).


Trước và sau chẳng hai, Lý và Sự như một, pháp môn như vậy xác thực là các pháp môn bình phàm khác chẳng thể sánh bằng!


(Diễn) Lý nhất tâm tức Thật Tướng giả, như thượng sở ngôn Lý nhất tâm giả, tắc Năng Sở tình tiêu, Hữu Vô kiến tận, ly sanh diệt, không hữu đẳng tướng, cố tức Thật Tướng dã.

(演)理一心即實相者,如上所言理一心者,則能所情消,有無見盡,離生滅空有等相,故即實相也

(Diễn: “Lý nhất tâm chính là Thật Tướng”: Như trong phần trên đã nói “Lý nhất tâm chính là tình chấp về Năng Sở đều mất, kiến giải về Có và Không đã hết”. Do lìa các tướng như sanh, diệt, không, có v.v… nên chính là Thật Tướng).

Đó là hình trạng của Thật Tướng, trong pháp môn Niệm Phật thảy đều trọn đủ. Niệm đến khi công phu thành tựu, đương nhiên chẳng cần phải nói. Nay chúng ta khởi tâm niệm Phật, một câu Phật hiệu hiện tiền có phải là Thật Tướng hay chăng? Nếu đúng là như vậy, Phật hiệu thật sự chẳng thể nghĩ bàn. Thưa cùng chư vị, một câu Phật hiệu trong hiện tiền xác thực là Thật Tướng. Cớ sao là Thật Tướng? Nếu niệm Phật chẳng hoài nghi, không xen tạp, không gián đoạn, quý vị có thể niệm như vậy, câu Phật hiệu ấy chính là Thật Tướng. Đó gọi là “một niệm tương ứng một niệm Phật”, tương ứng với gì? Tương ứng với Thật Tướng. Nói cách khác, quý vị có hoài nghi, sẽ chẳng tương ứng với Thật Tướng, [vì] trong Thật Tướng chẳng có nghi. Quý vị có xen tạp, bèn chẳng tương ứng với Thật Tướng, [bởi lẽ], Thật Tướng là thanh tịnh, chẳng có xen tạp. Quý vị có gián đoạn, lại chẳng tương ứng, vì Thật Tướng bất sanh bất diệt. Có thể thấy ba điều kiện ấy thảy đều trọn đủ, câu Phật hiệu ngay lập tức là Thật Tướng.

“Tắc Năng Sở tình tiêu” (Tình chấp Năng và Sở đều tiêu); năng niệm (chủ thể niệm, cái tâm niệm Phật) và sở niệm (đức Phật được niệm, danh hiệu Phật được niệm). Quý vị niệm câu A Di Đà Phật, chớ nên nghĩ: “Ta là năng niệm, A Di Đà Phật là đối tượng được niệm bởi ta”. Nếu quý vị còn nghĩ như thế, tức là đã dấy vọng tưởng, xen tạp. Đó gọi là “tạp loạn”. Tình chấp Năng và Sở đều tiêu, Năng Niệm và Sở Niệm đã hợp thành một, là nhất niệm. Trong ấy, chẳng thể tìm thấy Năng và Sở. “Hữu vô kiến tận” (Kiến giải về Hữu và Vô đã hết). Hữu - Vô là tà kiến, chẳng phải là chánh kiến. Năng và Sở [như đã nhắc tới] trong phần trước chính là phiền não, là mê tình. Vì thế, hết thảy tà tri tà kiến cũng đều chẳng có. Phải niệm sao cho một câu Phật hiệu này dứt sạch phiền não và tri kiến, như vậy thì mới thật sự đạt đến “thanh tịnh, bình đẳng, giác”. “Thanh tịnh, bình đẳng, giác” là Thật Tướng, là bản tánh của chính mình, là bản thể của pháp giới. “Ly sanh diệt không hữu đẳng tướng” (Lìa các tướng như sanh, diệt, không, có v.v…), đương nhiên đó chính là Thật Tướng, chúng ta thường gọi điều này là “công đức của danh hiệu”. Người niệm Phật rất nhiều, người biết công đức chân thật của danh hiệu chẳng mấy. Nếu họ thật sự biết, công phu niệm Phật bèn đắc lực. Người ấy niệm một câu Phật hiệu xác thực là có thể tiêu tai diệt tội, có thể vãng sanh thấy Phật. “Tối sơ tức thị tối hậu” (Thoạt đầu chính là cuối cùng), “tối sơ” là khi chúng ta vừa mới phát tâm niệm Phật; “tối hậu” là viên thành Phật đạo. Điều này rất chẳng thể nghĩ bàn, bất cứ pháp môn nào cũng đều chẳng có cách nào sánh bằng Niệm Phật! Tuy nói như vậy, người tin tưởng rất ít, kẻ chẳng tin rất nhiều, luôn nghĩ là người niệm Phật tự khoe khoang, bốc phét, chẳng thật; kẻ bình phàm dấy lòng hoài nghi. Họ ít thiện căn, phước đức chẳng đủ, nghe pháp môn này chẳng tránh khỏi hoài nghi, do dự. Do vậy, [để tu tập] pháp môn này, nhất định phải là nhiều thiện căn, nhiều phước đức. Kinh Di Đà dạy: “Chẳng thể do ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy”, chính là nói rõ thiện căn và phước đức ít ỏi sẽ không được, sẽ chẳng thể tiếp nhận, thậm chí nghe xong còn hiểu lệch lạc ý nghĩa, hiểu biết sai lầm!

/ 289