/ 289
437

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 229


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm năm mươi:


(Sao) Thể cứu giả, văn Phật danh hiệu, bất duy ức niệm, tức niệm phản quán, thể sát cứu thẩm, cúc kỳ căn nguyên. Thể cứu chi cực, ư tự bổn tâm, hốt nhiên khế hợp. Trung nhị nghĩa giả, sơ tức Như Trí bất nhị.

(鈔)體究者,聞佛名號,不惟憶念,即念反觀,體察究審,鞫其根源,體究之極,於自本心,忽然契合。中二義者,初即如智不二。

(Sao: “Thể cứu” là nghe danh hiệu Phật, không chỉ ức niệm, mà còn từ ngay nơi niệm quán ngược lại, hòng lãnh hội thấu hiểu, truy tìm đến tận nguồn cội của nó. Thể cứu đến mức cùng cực, sẽ bỗng dưng khế hợp bản tâm của chính mình. Trong ấy có hai nghĩa, nghĩa thứ nhất là Như và Trí chẳng hai).


Giải thích lời giảng về Lý nhất tâm bất loạn trong phần Sớ. Hai chữ “thể cứu” (體究) chẳng dễ hiểu cho lắm, vì nó đòi hỏi phải là công phu nội tại. Lại còn phải lìa hết thảy tư duy và phân biệt thì mới là Thể Cứu. Chẳng giống như “nghiên cứu” mà chúng ta đang nói trong hiện thời; nghiên cứu là dùng thức thứ sáu, tức ý thức, [tức là] dùng cái tâm có thể tư duy. Ở đây, ắt phải lìa khỏi hết thảy phân biệt và chấp trước, đấy mới là Thể Cứu. Tiếp đó, [lời Sao] giải thích Thể Cứu là gì? “Văn Phật danh hiệu, bất duy ức niệm” (Nghe danh hiệu Phật, không chỉ là ức niệm), [hãy chú ý] “không chỉ là ức niệm”. Nếu nghe danh hiệu Phật, ức niệm chẳng quên, sẽ chẳng thuộc về Thể Cứu, mà thuộc về Sự niệm, là cảnh giới Sự nhất tâm bất loạn. “Tức niệm phản quán, thể sát cứu thẩm” (Từ ngay nơi niệm, quán ngược lại, hòng lãnh hội xem xét), đó là Thể Cứu, có độ sâu hơn công phu Sự niệm một tầng nữa. Chúng ta dùng phương pháp nào [để Thể Cứu] chẳng quan trọng! Chẳng cần phải dùng [phương pháp nào cả], có dùng cũng vô ích. Vì sao? Quý vị vẫn dùng tâm ý thức, dùng tâm ý thức thì chắc chắn chẳng phải là Thể Cứu. Chẳng bằng thật thà niệm một câu Phật hiệu đến mức “không xen tạp, không gián đoạn”, Sự niệm quyết định thành công. Sau khi Sự niệm đã thành công, niệm lâu ngày, niệm nhuần nhuyễn, niệm thấu suốt, tự nhiên bèn nhập Lý niệm. Kinh Lăng Nghiêm dạy: “Chẳng cậy vào phương tiện, tâm được tự khai”. “Tâm được tự khai” chính là Thể Cứu. Tâm khai ý giải bèn minh tâm kiến tánh, pháp môn này thù thắng ở chỗ này! Bậc thượng thượng căn nghe đoạn khai thị này, vừa nghe bèn ngộ nhập, chẳng khác gì Thiền; kẻ trung hạ căn chẳng có phần. Trung hạ căn chẳng có phần nơi Thiền, vậy là [kẻ trung hạ căn tu Thiền sẽ] chẳng thoát khỏi tam giới, chẳng có cách nào liễu sanh tử. Trong Tịnh Tông, tuy kẻ trung hạ căn chẳng có phần [nơi Thiền], vẫn có thể vãng sanh y hệt, đới nghiệp vãng sanh. Sau khi sanh đến thế giới Tây Phương, ba căn thượng trung hạ bình đẳng, chẳng hai, chẳng khác, điều này chẳng thể nghĩ bàn! Chúng ta nhất định phải nhận thức rõ rệt điều này!

“Tức niệm phản quán”: Phản quán (反觀) rất khó diễn tả, mà cũng rất khó hiểu. Trong kinh Lăng Nghiêm, pháp “phản văn văn tự tánh, tánh thành vô thượng đạo” (xoay ngược cái Nghe để nghe tự tánh, tánh trở thành vô thượng đạo) của Quán Thế Âm Bồ Tát chính là ý nghĩa này. Kinh Lăng Nghiêm dạy chúng ta phương pháp xoay chuyển lục căn, đức Phật chỉ nêu ra một căn của sáu trần bên ngoài, quay ngược lại duyên theo tự tánh để nói: Hãy nên xoay ngược dòng[1] của sáu căn, [chuyện đó] được gọi là “phản văn” (反聞) , dùng chữ Văn (聞: nghe) để biểu thị. Nói cách khác, lục căn chẳng duyên theo trần cảnh, mà duyên theo căn tánh của sáu căn, đó là đúng! Căn tánh của sáu căn là Chân Như bản tánh của chính mình. Do vậy, quý vị có thể quay lại. Trong hội Lăng Nghiêm, đối với sáu căn, đức Phật nêu ra một căn là Nhãn Căn. Phần đầu của kinh Lăng Nghiêm có một đoạn kinh văn rất dài [thường được các vị chú giải] gọi là “thập phiên hiển kiến” (十番顯見: mười phen giảng rõ cái Thấy). “Kiến” ở đây chẳng phải là Nhãn Thức, chẳng phải là “ngũ câu ý thức”[2] đồng thời khởi tác dụng với Nhãn Thức, chẳng phải là thứ ấy. Lìa khỏi Nhãn Thức lẫn ngũ câu ý thức; sau khi đã lìa khỏi, sẽ là kiến tánh. Kiến tánh [thì “tánh” như vừa mới nói chính] là chân tánh, nơi mắt gọi là tánh Thấy, nơi tai là tánh Nghe, nơi mũi gọi là tánh Ngửi, là một tánh. Một tánh, chứ không phải là hai tánh! Có thể thật sự tìm được thứ này, bèn thành vô thượng đạo. Vì lẽ này, Phật pháp được gọi là “nội học” (內學), phải hướng nội, hồi quang phản chiếu, đừng duyên theo cảnh giới bên ngoài. Duyên theo cảnh giới bên ngoài, sẽ vĩnh viễn chẳng đạt được chân tướng. Đức Phật dạy chúng ta dùng phương pháp này để tu hành. Trì Danh Niệm Phật cũng dùng phương pháp này: Đối với một câu Phật hiệu của ta, ta chẳng duyên theo Thanh Trần bên ngoài. Ta tìm tòi, tìm kiếm cội nguồn của Phật hiệu, Phật hiệu do đâu mà có? Niệm xong, nó lại đến nơi đâu? Hoàn toàn là công phu của nhà Thiền, chẳng khác gì tham Thiền, tham thoại đầu, và quán tâm! Cổ đức nói “niệm Phật chính là thâm diệu Thiền”, là có lý! Nếu chư vị mong biết cách phản quán như thế nào, mà chẳng đọc Lăng Nghiêm thì sẽ chẳng có cách nào! Trong quyển sáu của kinh Lăng Nghiêm, nói chung là kinh văn trong nửa quyển ấy hoàn toàn giảng về công phu này, [tức là giảng về] phương pháp và công phu tu hành của Quán Thế Âm Bồ Tát.

/ 289