/ 289
429

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 227


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bốn mươi bảy:


(Sớ) Thích thử tứ tự, tiên tổng minh đại ý, thứ nãi tường trần Sự Lý. Đại ý vị “nhất, loạn” thị chánh phản ngữ, chánh ngữ nhất tâm, phản ngữ bất loạn.

(疏)釋此四字,先總明大意,次乃詳陳事理。大意謂一亂是正反語,正語一心,反語不亂。

(Sớ: Giải thích bốn chữ này, trước hết là nêu tổng quát đại ý, kế đến là trình bày cặn kẽ Sự và Lý. Đại ý là “nhất” và “loạn” là những từ ngữ được nói [theo hai phương diện] thuận và nghịch: Nói theo chiều thuận là “nhất tâm”, nói theo phía tương phản là “bất loạn”).


Bốn chữ ấy chính là“nhất tâm bất loạn”; câu này là cốt lõi của kinh Di Đà, là một câu khai thị hết sức quan trọng. Nói tổng quát đại ý thì “nhất” là nhất tâm, “loạn” là nói tới bất loạn. Nói “nhất” hay nói “loạn” chính là nói theo phương diện thuận hay nghịch. Nói theo chiều thuận sẽ là “nhất tâm”, nói tương phản sẽ là “bất loạn”.


(Sao) Nhất tắc bất loạn, loạn tắc bất nhất, hữu kỳ nhất tâm, vô kỳ loạn tâm, cố vân “chánh, phản”. Như ngôn “thuần nhất bất tạp, tinh nhất vô nhị” chi loại, thị dã.

(鈔)一則不亂,亂則不一,有其一心,無其亂心,故云正反。如言純一不雜,精一無二之類,是也。

(Sao: “Nhất” là bất loạn, hễ loạn sẽ chẳng nhất. Hễ có nhất tâm, sẽ chẳng có loạn tâm. Vì thế, nói là “thuận và nghịch”. Như nói “thuần nhất chẳng tạp, ròng rặt, chẳng hai” v.v… chính là theo ý nghĩa này).


Niệm Phật có thể thật sự sanh về Tịnh Độ hay không, then chốt ở ngay chỗ này. Trong Yếu Giải, Ngẫu Ích đại sư đã bảo chúng ta: “Có thể vãng sanh hay không được quyết định bởi có tín nguyện hay không?” Nói cách khác, quý vị có tín tâm hay không? Có nguyện tâm hay không? Có tín và có nguyện, quyết định vãng sanh. Xét theo phẩm vị vãng sanh, Tây Phương Tịnh Độ có bốn cõi, ba bậc, chín phẩm: “Phẩm vị cao hay thấp được quyết định bởi công phu niệm Phật sâu hay cạn”. Công phu sâu là tâm thanh tịnh; công phu cạn là tâm tán loạn, điều này có quan hệ chặt chẽ với Tín và Nguyện. Tin thật sự, nguyện thiết tha, tâm thường chuyên nhất. Vì sao? Người ấy nhất tâm nhất ý chuyên cầu Tịnh Độ, đối với các pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều chẳng phan duyên, đấy mới là Tín. Tin Tây Phương Tịnh Độ, lại tin tham Thiền, lại tin trì giới, lại tin niệm chú, đó chẳng phải là chân tín, chẳng phải là Tín. Lại còn nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới, vừa nguyện có tiếng tăm, lợi dưỡng trong hiện tiền. Đó chẳng phải là Nguyện. Nguyện của quý vị quá tạp, quá nhiều. Ở đây, [tổ Liên Trì] muốn nói tới sự chuyên nhất, “tinh nhất vô nhị” là nhấn mạnh điều này.

Người thật sự chuyên nhất ý chí, đích xác là tự nhiên buông xuống vạn duyên. Nhà khoa học dốc toàn bộ tinh thần làm thí nghiệm, ngay cả ăn lẫn ngủ đều quên bẵng, thời gian cũng quên khuấy, làm việc chẳng biết tới thời gian. [Có trường hợp] nhà khoa học Âu Tây đói bụng, luộc trứng gà, kết quả là đã bỏ cái đồng hồ đeo tay của chính mình vào nồi luộc! Nhìn từ chỗ này, [có thể] thấy người ấy dụng tâm chuyên chú. Tín tâm và nguyện tâm của chúng ta phải chuyên như vậy thì mới được. Trong Đàn Kinh, Lục Tổ đại sư đã nói: “Nếu người thật tu đạo, chẳng thấy lỗi thế gian”. Một người thật sự tu đạo, tâm chuyên chú nơi đạo, chuyện gì trong thế gian người ấy cũng chẳng màng, chẳng có thời gian để hỏi tới, thị phi, nhân ngã thảy đều chẳng biết, tâm người ấy chuyên chú nơi công phu. Đó là bậc tu đạo thật sự. Người tu Tịnh Độ, tâm chuyên chú nơi y báo và chánh báo trang nghiêm của Tây Phương; trong mười hai thời, khởi tâm động niệm tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới, hễ nghĩ bèn nghĩ tới Tây Phương Cực Lạc thế giới, hễ niệm bèn niệm Tây Phương Cực Lạc thế giới. Đấy chính là “trọn đủ Tín Nguyện Hạnh”. Hội đủ ba điều kiện ấy, người đó quyết định vãng sanh. Thiện Đạo đại sư bảo: “Trăm người tu, trăm người vãng sanh; ngàn người tu, ngàn người vãng sanh”. Chẳng sót một ai! Cái tâm còn tạp, còn loạn, còn dấy vọng tưởng, sẽ chẳng thể vãng sanh! Ngàn muôn phần chúng ta phải ghi nhớ điều này.

Có các đồng tu đến hỏi tôi: “Tiêu nghiệp chướng sâu nặng bằng cách nào? Làm thế nào thì mới có thể sám trừ nghiệp chướng?” Chư vị hãy nghĩ xem, người ấy có thể tiêu nghiệp chướng được hay chăng? Chẳng thể tiêu nổi! Vì sao chẳng thể tiêu nổi? Suốt ngày từ sáng đến tối luôn tăng trưởng nghiệp chướng! Nghiệp chướng là gì? Dấy vọng tưởng là nghiệp chướng. Suy Đông nghĩ Tây, suy trước nghĩ sau, đó là nghiệp chướng. Tiêu trừ nghiệp chướng như thế nào? Niệm A Di Đà Phật, nghiệp chướng liền tiêu trừ, vì một câu A Di Đà Phật chẳng phải là nghiệp chướng. Chẳng niệm A Di Đà Phật bèn dấy vọng tưởng; đó là nghiệp chướng hiện tiền. Chư vị hãy ngẫm xem, phương pháp nào tiêu trừ nghiệp chướng hữu hiệu nhất? Chính là niệm Phật. Niệm Phật, đọc kinh, quyết định tiêu trừ nghiệp chướng. Đọc kinh thì chẳng được nghiên cứu; hễ nghiên cứu, sẽ lại biến thành nghiệp chướng! Làm sao có thể nghiên cứu kinh cho được? Kinh là nghĩa chân thật của Như Lai; ta chưa thành Như Lai, làm sao có thể hiểu nghĩa chân thật của Như Lai? Về căn bản là chẳng thể nào! Do đó, quý vị hãy thật thà niệm. Niệm kinh bèn tiêu nghiệp chướng; nghiên cứu kinh sẽ tăng trưởng nghiệp chướng. Chuyện này chẳng do tôi đặt ra, mà do Thanh Lương đại sư đã nói. Tâm quý vị vẫn là loạn tâm, tạp tâm, vẫn là cái tâm nhiễm ô. Nhiễm ô là trong tâm có tham, sân, si, mạn, những gì quý vị hiểu về Phật pháp toàn là tà tri tà kiến, vì quý vị chẳng đoạn phiền não. Đoạn phiền não, Phật pháp do quý vị đã hiểu sẽ được gọi là Chánh Đẳng Chánh Giác, khác hẳn! Đoạn Kiến Tư phiền não, tri kiến sẽ là Chánh Giác. Chẳng đoạn Kiến Tư phiền não, đều là tà tri tà kiến. Bản thân chúng ta nhất định phải nhận biết rõ ràng điều này. Chúng ta chưa đoạn Kiến Tư phiền não, hãy thật thà niệm Phật, sẽ tiêu nghiệp chướng, phá vô minh, đoạn tà kiến.

/ 289