/ 289
457

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 226


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bốn mươi ba:

(Sớ) Hựu đa tắc Đại Bổn thập nhật, Thanh Vương thập nhật, Đại Tập thất thất nhật, Bát Châu cửu thập nhật đẳng; thiểu tắc Đại Bổn nhất nhật, Quán Kinh thập niệm đẳng. Ngôn nhật giả, dĩ kinh thiên đạo hối minh chi nhất châu cố.

(疏)又多則大本十日,聲王十日,大集七七日,般舟九十日等;少則大本一日,觀經十念等。言日者,以經天道晦明之一周故。

(Sớ: Lại nữa, nhiều thì như kinh Đại Bổn nói mười ngày, kinh Cổ Âm Thanh Vương nói mười ngày, kinh Đại Tập nói bốn mươi chín ngày, kinh Bát Châu nói chín mươi ngày v.v… Ít thì như kinh Đại Bổn nói một ngày, Quán Kinh nói mười niệm v.v… Nói “ngày” là nói đã tròn một chu kỳ trời tối rồi sáng vậy).


Vẫn là nói về chuyện ấn định kỳ hạn để niệm Phật, nói “bảy ngày” chủ yếu là kinh A Di Đà, ấn định kỳ hạn từ một ngày cho đến bảy ngày. Nhiều thì như kinh Vô Lượng Thọ nói mười ngày, kinh Đại Tập nói bốn mươi chín ngày, [tức là] dự liên tiếp bảy Phật Thất, kinh Bát Châu Tam Muội dạy chuyên tu pháp môn Niệm Phật, lấy chín mươi ngày làm kỳ hạn. Do vậy có thể biết: Đối với thời gian dài hay ngắn, trong kinh, đức Phật trọn chẳng nói nhất trí. Vì sao? Chư vị phải hiểu, đức Phật giảng kinh khế cơ, khế lý, một pháp hội nào đó có thính chúng [riêng biệt] của pháp hội ấy. Thính chúng khác nhau, cũng có nghĩa là thiện căn và tập khí của thính chúng chẳng giống nhau. Có những người thiện căn sâu dầy, căn tánh nhạy bén, đức Phật nói kỳ hạn ít hơn. [Thính chúng] căn tánh chậm lụt, nghiệp chướng sâu nặng, đức Phật sẽ nói kỳ hạn dài hơn. Tôi nghĩ nếu đức Phật Thích Ca xuất hiện trước mặt chúng ta trong hiện thời, nhất định sẽ chẳng thể nói [kỳ hạn] bảy ngày! Chắc chắn là “bảy ngày” chúng ta chẳng làm được! Bốn mươi chín ngày cũng chẳng làm được. Chỉ sợ phải nói “bảy năm”, từ ba năm cho đến bảy năm chắc là cũng có thể thành tựu.

Căn tánh của chúng ta trong hiện thời kém xa cổ nhân, tâm địa tạp loạn, tâm cổ nhân xác thực là thanh tịnh. Tạp loạn là cội nguồn của khổ báo, tâm địa thanh tịnh là nguyên do của lạc báo. Đại Bổn và Quán Kinh nói “ít” thì là một ngày, Quán Kinh nói ít hơn nữa, “mười niệm”. Câu kế tiếp rất trọng yếu, bất luận là một ngày, bảy ngày, hay mười ngày, hễ nói tới “ngày” đều là nói một ngày đêm, “hối minh chi nhất châu” (một chu kỳ tối rồi sáng), hai mươi bốn giờ được coi là một ngày. Do vậy có thể biết: Niệm Phật mà nếu là ban ngày niệm, tối nghỉ ngơi thì đó là niệm nửa ngày, chẳng phải là một ngày.


(Sao) Kỳ yếu giả, nhược cứ Như Lai đắc Bồ Đề, thật bất hệ ư nhật, tắc phi nhật, phi kiếp, yên hữu thất nhật?

(鈔)期要者,若據如來得菩提,實不係於日,則非日非劫,焉有七日。

(Sao: “Kỳ hạn”: Nếu xét theo phương diện đức Như Lai đắc quả Bồ Đề, thật sự chẳng hạn cuộc nơi ngày giờ, chẳng thể nói đến ngày hay kiếp, há có bảy ngày ư?)


Đây là nói theo Lý.


(Sao) Nhược cứ Bồ Tát tu hành, động kinh trần kiếp, tắc vô cùng vô tận, hà chỉ thất nhật?

(鈔)若據菩薩修行,動經塵劫,則無窮無盡,何止七日。

(Sao: Nếu xét theo sự tu hành của Bồ Tát, trải qua số kiếp nhiều như vi trần, nên [thời gian tu tập] vô cùng vô tận, há chỉ là bảy ngày?)


Nói theo phương diện tu hành nơi mặt Sự của hàng Bồ Tát, phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp, hoặc vô lượng kiếp, bảy ngày làm sao có thể thành tựu cho được? Đây là một đằng nói theo Sự, một đằng nói theo Lý.


(Diễn) Như Lai đắc Bồ Đề, thật bất hệ ư nhật, dĩ nhật giả thời dã, y sắc tâm phận vị giả lập, vô hữu tự thể cố. Bách pháp trung thời, vi nhị thập tứ bất tương ứng hành nhiếp. Kim Như Lai đắc Bồ Đề, tọa đoạn tam tế, hà hữu ư thời? Thời giả, giai chúng sanh vọng tưởng phân biệt dã!

(演)如來得菩提,實不係於日,以日者時也,依色心分位假立,無有自體故,百法中時,為二十四不相應行攝。今如來得菩提,坐斷三際何有於時,時者皆眾生妄想分別也。

(Diễn: “Như Lai đắc quả Bồ Đề, thật sự chẳng hạn cuộc nơi ngày giờ”: Do “ngày” là thời, nương theo sự phân biệt giữa sắc pháp và tâm pháp mà giả lập, chẳng có tự thể. Trong Bách Pháp, Thời thuộc vào hai mươi bốn món Bất Tương Ứng Hành pháp. Nay Như Lai đắc Bồ Đề, dứt sạch ba thời, há có thời ư? [Sở dĩ có] “Thời” đều là do chúng sanh vọng tưởng, phân biệt).


Thời gian và không gian đều chẳng phải là chân thật, chẳng có thực thể để có thể đạt được! Trong Bách Pháp, Thời và Không (thời gian và không gian) thuộc về Bất Tương Ứng Hành Pháp. Nói theo cách hiện thời, chúng thuộc loại khái niệm trừu tượng, tuyệt đối chẳng phải là sự thật. Phật pháp nói hết thảy các pháp, tâm pháp thuộc về phương diện tinh thần, sắc pháp thuộc phương tiện vật chất. Bất Tương Ứng Hành Pháp chẳng phải là tâm pháp, mà cũng chẳng phải là sắc pháp, thậm chí cũng chẳng phải là Tâm Sở Hữu Pháp (các pháp thuộc về tác dụng tâm lý), chúng từ Tâm, Tâm Sở, và Sắc pháp mà giả lập, chẳng phải là sự thật. Vì vậy, chúng ta phải hiểu rõ những điều này, chớ nên chấp trước. Hễ chấp trước, sẽ biến thành vọng tưởng. Đối với thời kiếp, nói thật ra, chính là một thứ cảm nhận sai lầm nẩy sanh từ quan niệm của mỗi cá nhân. Có người cảm thấy thời gian trôi qua rất nhanh, có người cảm thấy thời gian trôi qua quá chậm, mỗi người cảm nhận khác nhau. Trong kinh thường nói “niệm kiếp viên dung” (một niệm và một kiếp viên dung), biến một niệm hoặc một sát-na thành vô lượng kiếp; khi ấy, thời gian bèn quá chậm! Vô lượng kiếp cô đọng thành một sát-na, thời gian trôi qua rất nhanh! Mỗi cá nhân cảm nhận khác nhau, huống hồ lục đạo chúng sanh? Huống hồ chúng sanh trong mười pháp giới? Đời Tống, Tần Cối hại chết Nhạc Phi, đọa vào địa ngục A Tỳ, nghe nói hiện thời hắn đã biến thành lợn, từng bị người ta giết. Khi giết, lột da, thấy trên thân lợn viết “thân đời thứ bảy của Tần Cối”, [tức là] hắn đã bảy lần làm lợn. Địa ngục A Tỳ là vô lượng kiếp, cớ sao hắn thoát ra làm lợn? Hắn đọa vào địa ngục, cảm nhận [thời gian trong ấy] là vô lượng kiếp, đó gọi là “sống một ngày bằng cả năm”, sống một năm mà như đã sống mấy trăm năm. Hắn cảm nhận như vậy, quyết chẳng phải là dùng ngày tháng năm trong thế gian để tính toán. Do vậy, đức Phật nói lời thật cùng chúng ta: Thời gian chẳng phải là pháp cố định.

/ 289