/ 289
471

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 225


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bốn mươi hai:


(Sao) Nhiếp danh trung giả nhị nghĩa: Nhất giả, danh tất hữu tướng cố. Nhị giả, danh tướng giai bất ly nhất tâm cố. Tắc nhất cử Phật danh, chánh báo y báo nhiếp vô bất tận, hà nghi sắc tượng?

(鈔)攝名中者二義,一者名必有相故,二者名相皆不離一心故。則一舉佛名,正報依報攝無不盡,何疑色像。

(Sao: Nói “bao gồm trong danh hiệu” là có hai nghĩa: Một là danh ắt có tướng; hai là danh và tướng đều chẳng lìa nhất tâm. Vì thế, vừa nêu lên danh hiệu Phật, chánh báo và y báo đều được thâu nhiếp, không gì chẳng trọn hết, sao lại nghi ngờ hình sắc [chẳng được nhiếp trong danh hiệu Phật]?)


Đoạn này nhằm giải thích một câu trong lời Sớ: “Như Văn Thù Bát Nhã, cập Tỳ Bà Sa luận trung thuyết, dĩ sắc tượng đẳng nhiếp danh trung cố” (Như kinh Văn Thù Bát Nhã và Tỳ Bà Sa Luận đã nói: “Các thứ như hình sắc v.v… được thâu nhiếp trong danh hiệu”). Câu này [ý nói]: Được thâu nhiếp trong danh hiệu như thế nào? Các hình sắc đều được thâu nhiếp trong danh hiệu. Nói cách khác, đều được bao hàm trong danh hiệu [A Di Đà Phật]. Liên Trì đại sư dùng hai ý nghĩa để giải thích:

1) Thứ nhất là “danh tất hữu tướng” (danh ắt có tướng). Danh tuy là giả danh, nhưng vì có tướng, nên mới kiến lập danh hiệu. Dẫu chẳng có tướng trạng ấy, ví như kinh có nói “quy mao, thố giác” (lông rùa, sừng thỏ), chắc chắn là chẳng có “quy mao, thố giác”, con thỏ nào có sừng? Con rùa đen nào có lông? Chúng ta suy nghĩ danh từ ấy, có phải cũng là “hễ có danh, ắt phải có tướng” hay chăng? Giả sử chẳng có rùa, quý vị sẽ chẳng thể nghĩ ra chuyện “rùa có thể mọc lông” được! Tuy rùa đen chẳng có lông, nhưng rùa chính là có tướng, lông cũng là có tướng. Trên thân rùa chẳng có lông, quý vị nói “nó có lông”, vẫn là [danh từ] được kiến lập theo tướng. Ngay cả loại danh hiệu hoàn toàn hư vô, mờ mịt ấy, vẫn chẳng lìa khỏi tướng trạng, có thể thấy: Danh xác thực là có tướng, huống hồ nó là do tướng mà lập danh. Do vậy, danh nhất định tương ứng với Thể và Tướng. Đó là ý nghĩa thứ nhất.

2) Ý nghĩa thứ hai càng sâu hơn: “Danh tướng giai bất ly nhất tâm” (Danh lẫn tướng đều chẳng lìa khỏi nhất tâm). Tâm là có thể hiện (năng hiện). Kinh Hoa Nghiêm nói: “Hết thảy vạn pháp, duy tâm sở hiện, duy thức sở biến”. Tâm và thức là cùng một thứ. Tâm là Thể của thức, thức là tác dụng của tâm. Chúng ta nói tới tâm hay thức là nói đến Thể và tác dụng của cùng một thứ. Nói theo Thể bèn gọi là Tâm. Xét theo tác dụng, chúng ta gọi nó là Thức. Sâm la vạn tượng trong thế gian và xuất thế gian, đều chẳng lìa khỏi nhất tâm.

Danh hiệu “A Di Đà Phật” là danh hiệu của bản thể tâm tánh. Vừa xưng danh hiệu này, có thể nói là tác dụng của tâm thể hoàn toàn được thâu nhiếp trong ấy. Niệm Phật mà biết niệm và không biết niệm sai biệt rất lớn. Người biết niệm, niệm nào cũng đều tương ứng, tương ứng với gì? Tương ứng với bản thể của tự tánh, tương ứng với Thể và Dụng của nhất tâm. Tương ứng thì gọi là “thành Phật”. Vì thế, “một niệm tương ứng một niệm Phật, niệm niệm tương ứng niệm niệm Phật”. Trạng huống tương ứng là như thế nào? Trong tâm tánh chẳng lập một pháp, chẳng có bất cứ gì; đó là tâm tánh. Tâm tánh thanh tịnh, thứ gì cũng đều chẳng có. Lục Tổ nói rất hay: “Vốn chẳng có một vật”; đúng như vậy đó, vật gì cũng đều chẳng có, đó chính là bản thể của nó. Khi chúng ta niệm câu Phật hiệu này, câu Phật hiệu này rành mạch, rõ ràng, trong tâm chẳng có một vọng niệm nào, chẳng lập một pháp; khi ấy, xác thực là tâm giống như thái hư không, lượng trọn khắp các cõi với số lượng nhiều như cát, tương ứng với Thể. Đồng thời, trong một câu Phật hiệu ấy, thân thể của chúng ta tương ứng với hết thảy các cõi nước của chư Phật trong tận hư không khắp pháp giới và y báo lẫn chánh báo trang nghiêm trong ấy. Đó là tác dụng tương ứng của nhất tâm. Đó là “biết niệm”, công đức và lợi ích của việc niệm Phật sẽ là vô lượng vô biên, hết thảy chư Phật, Bồ Tát tán thán chẳng cùng tận. Thật đấy, chẳng giả tí nào!

Niệm Phật, khá nhiều kẻ niệm chẳng tương ứng. Nguyên nhân khiến cho chẳng tương ứng là ở chỗ nào? Nói thật ra, là do nghiệp chướng quá nặng. Nghiệp chướng là gì? Hễ câu Phật hiệu chẳng thể tương ứng với Thể và Dụng của nhất tâm, chướng ngại ấy được gọi là “nghiệp chướng”. Chướng ngại ấy ngăn trở, khiến cho quý vị chẳng thể tương ứng. Nếu trừ khử chướng ngại ấy, há có lẽ nào chẳng tương ứng? Tương ứng thì mới thật sự thọ dụng. Trong Đại Kinh có nói “trụ chân thật huệ, chân thật tế, chân thật lợi”, ba thứ chân thật ấy thảy đều đạt được. Do vậy, chúng ta phải biết niệm. Nếu nói tương phản, nếu nói rõ ràng hơn một chút: Vì sao chẳng biết niệm? Vì ý niệm tự tư tự lợi quá nặng, chẳng buông xuống thị phi, nhân ngã, đó là đại chướng ngại. Chư vị phải hiểu: Thị phi, nhân ngã, tự tư tự lợi thuần là vọng tưởng, chẳng chân thật. Vì sao nói chúng là chẳng chân thật? Nếu chư vị chú tâm lãnh hội, quan sát, [sẽ thấy] trong hết thảy các pháp, xác thực là chẳng có Ngã. Hết thảy chúng sanh đều coi thân thể của chính mình là Ngã. Thân thể chúng ta biến hóa trong từng sát-na, các tế bào thay cũ đổi mới. Chúng ta từ lúc bước vào Phật đường này, sau một tiếng rưỡi lại đi ra, chẳng biết bao nhiêu tế bào trong thân thể đã chết, cũng chẳng biết bao nhiêu [tế bào mới] được sanh ra! Thay cũ đổi mới mà! Y học hiện tại đã chứng minh, bảy năm là một chu kỳ, các tế bào cũ hoàn toàn chẳng còn nữa, sau bảy năm [các tế bào trên thân] đều đổi mới. Nếu quý vị coi thân thể này là Ngã, cái Ngã bảy năm trước chẳng còn vì các tế bào cũ trên thân chẳng còn một tế bào nào! Lại qua bảy năm sau, cũng tìm chẳng ra một tế bào nào nơi thân hiện tại; rốt cuộc, Ngã là gì? Ngã còn chẳng thể được, lấy đâu ra cái được sở hữu bởi ta (ngã sở hữu)? Vật ngoài thân [mà nghĩ] là thứ sở hữu của ta, giả trất! Có Ngã, ngã sở (cái của ta), đó chính là vọng tưởng, là chấp trước.

/ 289