A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA
Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không
Tập 224
Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm bốn mươi mốt.
(Sớ) Phục hữu tam nghĩa, văn thuyết Phật danh, tâm bất nghi nhị, thị chi vị Tín. Tín dĩ nhi chấp, tâm khởi nhạo dục, thị chi vị Nguyện. Nguyện dĩ nhi trì, tâm cần tinh tấn, thị chi vị Hạnh.
(疏)復有三義,聞說佛名,心不疑貳,是之謂信;信已而執,心起樂欲,是之謂願;願已而持,心勤精進,是之謂行。
(Sớ: Lại có ba nghĩa: Nghe nói danh hiệu Phật, tâm chẳng nghi ngờ, đó gọi là Tín. Tin rồi giữ lấy, dấy lòng ưa thích, đó gọi là Nguyện. Nguyện rồi vâng giữ, tâm siêng năng, tinh tấn, đó gọi là Hạnh).
Trong Tịnh Tông, Tín Nguyện Hạnh vô cùng trọng yếu. Đấy chính là ba điều kiện tu học trong Tịnh Tông, thiếu khuyết một điều sẽ chẳng thể vãng sanh. Câu Phật hiệu trọn đủ Tín Nguyện Hạnh. “Văn thuyết Phật danh” (Nghe nói danh hiệu Phật), nghe danh hiệu thì một là [nghe] Phật hiệu, hai là [nghe] kinh A Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ, [cùng với] kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật. Ba kinh ấy đều dạy chúng ta chuyên tu Tịnh nghiệp. Sau khi đã nghe, trong tâm quyết định chẳng ngờ vực, đó mới là Tín.
Tín hết sức khó, rất chẳng dễ dàng. Chúng tôi tu học pháp môn này, học rất nhiều năm, thậm chí tín tâm vẫn chưa kiến lập. Tôi xuất gia năm Dân Quốc 48 (1959), năm Dân Quốc 50 (1961) thọ giới. Sau khi thọ giới, đến Đài Trung bái tạ thầy Lý, gặp mặt, câu đầu tiên thầy bảo tôi “phải tin Phật”. Tôi học Phật đã nhiều năm như vậy, vừa xuất gia bèn dạy tại Phật học viện, lại đã thọ đại giới, cớ sao thầy còn bảo tôi “phải tin Phật”? Lão nhân gia giải thích: “Tin Phật hết sức khó khăn, có nhiều kẻ xuất gia suốt một đời mãi cho đến khi già chết vẫn chẳng tin Phật. Nếu tin Phật, cớ sao bị đọa trong ba ác đạo? Đã tin Phật, lẽ nào tạo ác nghiệp? Chỉ có kẻ không tin Phật mới đọa trong tam đồ, mới tạo ác nghiệp!” Do vậy, tin Phật hết sức khó khăn!
“Tâm bất nghi nhị” (Tâm chẳng nghi ngờ, tán loạn). “Nhị” (貳) là tam tâm nhị ý, tâm chẳng chuyên nhất. “Nghi” (疑) là có lòng hoài nghi, tín tâm chẳng thanh tịnh, đều chẳng gọi là Tín. Vì thế, nhất định phải đạt được “chẳng nghi ngờ, chẳng xen tạp”. Nói thật ra, “bất nhị” (不貳) là không xen tạp. Không hoài nghi, không gián đoạn, không xen tạp thì mới thật sự là Tín. Không chỉ xen tạp pháp thế gian bèn chẳng phải là Tín, tức là xen tạp danh vọng, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, thị phi, nhân ngã trong pháp thế gian, quý vị xen tạp những thứ ấy sẽ chẳng gọi là Tín. Xen tạp Phật pháp cũng chẳng phải là Tín. Ta niệm Phật lại muốn tham Thiền, lại toan trì chú, lại muốn nghiên cứu kinh giáo, đều chẳng gọi là Tín, mà là tạp loạn! Do vậy có thể biết, phải chuyên ròng thì mới là Tín. Chẳng chuyên ròng, chẳng thể gọi là Tín được! Chúng tôi giảng kinh, giảng rất nhiều năm tại đạo tràng này, người nghe đông ngần ấy, tin tưởng có mấy ai? Nói thật ra, mười người hoặc tám người là đã khá quá rồi! Người đã tin chẳng có ai không nghiêm túc tu hành, người đã tin không ai chẳng vãng sanh. Nhất định phải biết: Đại đa số là “một phen thoảng nghe qua tai, vĩnh viễn trở thành hạt giống đạo” mà thôi, chẳng thể thành tựu trong một đời này. Kẻ nghe xong chẳng tin tưởng, dẫu chẳng tin tưởng cũng đến nghe giảng hằng ngày, ít nhiều cũng có đôi chút thiện căn, nhưng thiện căn chưa chín muồi!
“Tín dĩ nhi chấp” (Đã tin tưởng bèn giữ lấy), sau khi đã tin bèn giữ lấy. “Chấp” (執) là nắm thật chặt, chẳng khinh thường bỏ qua. “Tâm khởi nhạo dục” nghĩa là thật sự sanh khởi tâm hoan hỷ. “Nhạo” (樂) là yêu thích, “dục” (欲) là mong cầu. Ta hết sức hoan hỷ cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc thế giới. Nếu đối với thế giới Tây Phương, thế giới Sa Bà và các thế giới của mười phương chư Phật đều chưa hiểu rõ ràng, làm sao có thể sanh tâm hoan hỷ đối với thế giới Tây Phương? Do đó, tâm nguyện “nguyện sanh Tây Phương” chẳng dễ dàng sanh khởi. Làm thế nào thì mới có thể hiểu rõ nó? Nói chung là có hai loại, trong quá khứ đã gieo thiện căn rất lớn chính là nhân, hai thứ duyên bất đồng:
1) Một loại duyên là trong lúc phải hứng chịu những nỗi khổ sở to lớn trong đời người, hoặc lúc gặp phải kiếp nạn to lớn, nghe nói có một nơi như thế, điều gì cũng chẳng nghĩ tới, thật thà nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ.
2) Loại kia là người thông Tông thông Giáo, thấu triệt nhuần nhuyễn kinh luận, hiểu rõ các nhân quả trong thế giới Sa Bà, đối với các thế giới của mười phương chư Phật và thế giới Tây Phương cũng hiểu rõ, chẳng phải là chọn lựa tùy tiện, mà là dùng trí huệ để chọn lựa dứt khoát.