285

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 223

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi chín:

  (Sớ) Hựu chấp trì, tức quy mạng nghĩa.

  (疏)又執持,即歸命義。

(Sớ: Chấp trì lại có nghĩa là quy mạng).

 

  “Quy mạng”“quy y” có ý nghĩa giống nhau.

 

  (Sao) Quy mạng giả, Phạn ngữ Nam-mô.

  (鈔)歸命者,梵語南無。

(Sao: Quy mạng: Tiếng Phạn là Nam-mô).

 

  “Nam-mô”, thời cổ hai chữ này được đọc là Nam-mô (ná-móu), hiện thời đọc thành nam-vô (nán-wú), chúng ta phải đọc theo âm thời cổ.

 

  (Sao) Giải kiến tiền tự.

  (鈔)解見前序。

  (Sao: Xem [lời giải thích chữ Nam-mô] trong phần Tự ở trước).

 

  Trong phần trước đã giải thích, ở đây tỉnh lược.

 

  (Sao) Nhược bất ủy thân quy mạng, yên năng nhất tâm chấp trì, cố nghĩa đồng dã.

  (鈔)若不委身歸命,焉能一心執持,故義同也。

(Sao: Nếu chẳng toàn thân quy mạng, làm sao có thể nhất tâm chấp trì cho được? Vì thế, có ý nghĩa giống nhau).

 

  [Nam-mô và “quy mạng”] có ý nghĩa giống nhau.

 

  (Diễn) Nhược bất ủy thân nhị cú, vị nhược triệt kiến niệm Phật chi diệu, tắc tự nhiên bất tích hình hài, bất cố thân mạng. Thiểu hữu ái luyến chi tâm, tắc bất năng nhất tâm chấp trì dã.

(演)若不委身二句,謂若徹見念佛之妙,則自然不惜形骸,不顧身命。少有愛戀之心,則不能一心執持也。

(Diễn: Hai câu “nếu chẳng toàn thân…” ý nói: Nếu đã thấy thấu suốt sự mầu nhiệm của niệm Phật, sẽ tự nhiên chẳng tiếc hình hài, chẳng đoái hoài thân mạng. Nếu có chút tâm yêu luyến, sẽ chẳng thể nhất tâm chấp trì).

  Nói kiểu này là nói theo cảnh giới, mà cũng là nói đến công phu. Người biết đến ưu điểm của niệm Phật thật sự chẳng nhiều, nguyên nhân là do công phu vẫn chưa đủ; [do đó], người niệm Phật vẫn chưa thể nếm trải lợi ích chân thật. Thật sự đạt được lợi ích do niệm Phật, sẽ hiểu được ưu điểm của việc niệm Phật. Trong phần trước, chúng tôi đã từng trình bày công đức của danh hiệu cùng chư vị. Có biết công đức của danh hiệu, mới biết sự mầu nhiệm do niệm Phật. Kẻ biết sự mầu nhiệm do niệm Phật, sẽ chẳng yêu tiếc thân thể. Niệm mệt bèn nghỉ ngơi, nghỉ đã khỏe khoắn lại niệm tiếp. Sau khi đã nhập cảnh giới, thời gian nghỉ ngơi ngày càng ít, thời gian niệm Phật ngày càng dài. Đó là đạo lý nhất định. Kẻ bình phàm chưa nhập cảnh giới, [thường cảm nhận] giống như họ đang phải liều hết tánh mạng, cho rằng niệm Phật rất vất vả. Người đã nhập cảnh giới, không chỉ chẳng [cảm thấy] nhọc nhằn, mà còn biết niệm Phật có lạc thú trong ấy. Đối với thân thể của chính mình, hễ còn có “ái luyến chi tâm” (cái tâm yêu luyến), sẽ chẳng để cho mình quá sức vất vả, [sẽ cảm thấy] niệm Phật quá nhọc nhằn. Như vậy thì muốn đạt tới công phu thành phiến, đắc nhất tâm bất loạn sẽ rất khó khăn, khó khăn ở chỗ nào? Rất hiển nhiên, chúng ta có thể cảm nhận: Chính là vì đã xen tạp vọng tưởng. Vọng tưởng gì vậy? Sợ quá vất vả, sợ quá mệt mỏi. Có vọng niệm ấy xen tạp vào đó, sẽ chẳng có cách nào niệm đến mức tâm địa thanh tịnh. Sau khi đã thật sự đoạn trừ vọng tưởng thì mới thật sự có thể một mực xưng niệm, nhất tâm chuyên niệm.

 

  (Diễn) Cổ vân: “Giả sử cân đoạn cốt khô, ngã thử công phu quyết bất thoái chuyển”.

  (演)古云:假使筋斷骨枯,我此工夫決不退轉。

(Diễn: Cổ nhân nói: “Giả sử gân đứt, xương khô, công phu này của ta quyết chẳng thoái chuyển”).

 

  Cổ đức nói như vậy, hàm ý: Tín tâm kiên cố, công phu tinh tấn. Vất vả đến đâu đi nữa, họ cũng chẳng bị thoái chuyển. Dụng công như thế thì công phu mới đắc lực. Khi công phu đã đắc lực, tinh thần tự nhiên phấn chấn. Vì thế, khi người ta đang giải đãi, mệt mỏi, vừa dụng công bèn ngay lập tức có thể xua tan mệt mỏi. Do vậy, người tham Thiền chẳng cần ngủ nghê. Chúng ta nói: “Lẽ nào chẳng ngủ cho được? Mệt mỏi, vất vả lắm!” Trên thực tế, khi họ mệt mỏi, nhọc nhằn, bèn tĩnh tọa nhập Định, trong một thời gian rất ngắn bèn có thể khôi phục. Công phu trong Niệm Phật Đường cũng là như vậy, khi niệm đến lúc thân thể rất mệt mỏi, rất nhọc nhằn, bèn niệm mấy câu Phật hiệu trong Niệm Phật Đường, tinh thần lại khôi phục. Thoạt nghe, chúng ta [cảm thấy] dường như là chuyện thần thoại, trên thực tế, đấy là sự thật. Nếu quý vị hỏi vì sao người ta mệt mỏi ư? Thân thể này có thể bị mệt nhọc ư? Thân thể là một cỗ máy. Quý vị thấy máy móc trong công xưởng vận hành suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, nó có kêu mệt mỏi hay chăng? Có đòi phải nghỉ ngơi một lát hay chăng? Thân thể là một cỗ máy, cỗ máy ấy vận hành; nói thật ra, chẳng khác gì máy móc trong công xưởng, rốt cuộc vì sao bị mệt nhọc? Do vọng niệm nên nói là “mệt mỏi”, tức là vọng niệm “làm lụng lâu như thế, phải nên nghỉ chốc lát”. Tới khi đó, kẻ ấy bèn mệt mỏi, chẳng nghỉ ngơi đôi chút sẽ chẳng thể chịu nổi. Hoàn toàn là vọng tưởng!

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net