400

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 217

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi mốt: 

 

  (Sớ) Xứng Lý, tắc tự tánh xuất sanh nhất thiết pháp, thị thiện căn nghĩa. Tự tánh phú hữu nhất thiết pháp, thị phước đức nghĩa.

  (疏)稱理,則自性出生一切法,是善根義;自性富有一切法,是福德義。

(Sớ: Xứng Lý thì tự tánh sanh ra hết thảy các pháp là ý nghĩa của thiện căn, tự tánh phong phú hết thảy các pháp là ý nghĩa của phước đức).

 

  Trong đoạn văn thuộc phần trước, đối với đoạn kinh văn “bất khả dĩ thiểu thiện căn, phước đức, nhân duyên, đắc sanh bỉ quốc” (chẳng thể do ít thiện căn, phước đức, nhân duyên mà được sanh về cõi ấy), Liên Trì đại sư đã nói thiện căn là gì, phước đức là gì, “nhiều thiện căn, nhiều phước đức” là gì, Ngài đã giải thích rất cặn kẽ. Ở đây, trong đoạn này, lời chỉ dạy của Ngài mang tính cách hướng dẫn tiêu quy tự tánh, cũng chính là “tâm đắc tu học” như người thế gian chúng ta thường nói. Trong Phật pháp, [tâm đắc ấy] được gọi là “tiêu quy tự tánh”.

 

  (Diễn) Tự tánh xuất sanh nhất thiết pháp, thị thiện căn nghĩa giả, Căn hữu xuất sanh nghĩa.

  (演)自性出生一切法,是善根義者,根有出生義。

(Diễn: Tự tánh xuất sanh hết thảy các pháp là ý nghĩa của thiện căn. “Căn” lại có nghĩa là “xuất sanh”).

 

  Kinh nói Căn (根) thì Căn có nghĩa là căn bản. Thực vật có gốc, có rễ, thì nó có thể đơm hoa, kết trái. Vì thế, Căn có ý nghĩa sanh trưởng. Ở đây nói “Căn có nghĩa là xuất sanh” tức là nói theo ý nghĩa “sanh trưởng”.

 

  (Diễn) Kim tứ thánh lục phàm, sắc tâm y chánh, tùng tự tánh sanh.

(演)今四聖六凡,色心依正,從自性生。

(Diễn: Nay tứ thánh, lục phàm, sắc, tâm, y báo, chánh báo đều sanh từ tự tánh).

 

  “Tứ thánh, lục phàm” là nói tới mười pháp giới. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do đâu mà có? Thực tại là tìm đến căn bản thật sự, nó cũng chính là “bản thể của vạn hữu trong vũ trụ” như triết học đã nói. “Thánh” là thánh nhân, “tứ thánh” (四聖) là Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, và Phật. “Lục phàm” (六凡) là nói tới lục đạo. Mười pháp giới đều được bao gồm trọn vẹn [trong từ ngữ “tứ thánh lục phàm”]. Chánh báo là như vậy, y báo cũng chẳng ra ngoài lệ ấy. Y báo là hoàn cảnh sống của chúng ta, núi, sông, đại địa, cho đến hư không, đều là hoàn cảnh sống của chúng ta, những thứ ấy do đâu mà có? Từ trong tự tánh biến hiện. Do vậy, điều được mong cầu trong Phật pháp chính là cầu minh tâm kiến tánh. Tâm tánh là cái mà mỗi chúng sanh đều trọn đủ viên mãn, thường nói là “tại thánh chẳng tăng, nơi phàm chẳng giảm”. Tự tánh của lũ phàm phu chúng ta xác thực là chẳng bị giảm thiểu chút nào; tự tánh của chư Phật cũng chẳng thể nhiều hơn chúng ta chút nào! Nói theo tự tánh, hoàn toàn là bình đẳng: Thể bình đẳng, tướng bình đẳng, tác dụng bình đẳng, chẳng có gì bất bình đẳng. Tuy bình đẳng, trong ấy có mê hay ngộ sai khác. Trừ mê và ngộ ra, chẳng có gì khác nhau. Vì chư Phật, Bồ Tát cũng ở trong mười pháp giới, phàm phu chúng ta cho đến các loài ngọ ngoạy, bay, bò, ngạ quỷ, địa ngục, vẫn sống trong mười pháp giới. Đã ngộ thì sẽ tự tại, vui sướng; hễ mê bèn tạo nghiệp chịu báo, vấn đề xuất hiện từ mê hay ngộ. Giáo học Phật pháp nhằm dạy chúng ta phá mê khai ngộ. Mê chính là cái nhân của hết thảy phiền não, khổ nạn; ngộ là cái nhân của hết thảy vui sướng. Chỉ cần phá mê khai ngộ bèn lìa khổ được vui. “Lìa khổ được vui” là nói về quả báo; phá mê khai ngộ là nói đến nhân duyên, phải thực hiện từ nhân duyên. Vì vậy, chúng ta biết chân tướng sự thật là [hết thảy các pháp] sanh từ tự tánh.

Chư Phật, Bồ Tát đã ngộ, ngộ gì vậy? Ngộ tự tánh. Hết thảy phàm phu mê thì cũng là mê tự tánh. Trong tự tánh, chẳng có mê hay ngộ; mê hay ngộ do con người! Chúng ta phải hỏi: “Mê là như thế nào? Chư Phật, Bồ Tát ngộ như thế nào?” Đó là điều then chốt. Trong kinh Hoa Nghiêm, đức Phật dạy chúng ta: “Hết thảy chúng sanh đều do vọng tưởng, chấp trước, mà chẳng thể chứng đắc”. Vọng tưởng, chấp trước là mê. Chư Phật, Bồ Tát chẳng có vọng tưởng, mà cũng chẳng có chấp trước. Đại Thừa Khởi Tín Luận nói: “Một niệm bất giác, bèn có vô minh”. Kinh Lăng Nghiêm đã giảng rất rõ về hiện tượng mê: “Một niệm bất giác”. Do vậy có thể biết, một niệm bất giác còn có trước vô minh. Do một niệm bất giác, nên mới thành vô minh. Do vô minh, nên mới sanh ra ba tế tướng. Từ ba tế tướng mới biến hiện sáu thô tướng. Tam tế và lục thô mới diễn biến thành y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới. Y báo và chánh báo trang nghiêm trong mười pháp giới do vậy mà có. Nếu nay chúng ta truy cứu: Cớ sao có một niệm bất giác? Nói thật ra, bất giác là “có” một niệm. Hễ có một niệm thì gọi là bất giác. Nói kiểu này rất minh bạch, trong chân tâm bản tánh quyết định chẳng có một niệm. Quý vị khởi một niệm là bất giác, bèn mê. Chúng ta từ sáng đến tối niệm này nối tiếp niệm kia, chẳng biết là có bao nhiêu vọng niệm? [Muốn] ngưng dứt niệm cũng chẳng thể ngưng được, chuyện này rất rắc rối! Vì sao biến thành nông nỗi này? Ấy là vì một niệm bất giác trong quá khứ cho đến nay đã dưỡng thành thói quen. Nếu nói khó nghe hơn thì là đã “dưỡng thành thói quen dấy vọng tưởng”. Do vậy, vọng tưởng vĩnh viễn có muốn ngưng dứt cũng chẳng thể ngưng được, rắc rối xuất hiện từ chỗ này!

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net