309

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 218

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm ba mươi hai.

 

  (Sao) Bảo Tích thập tâm giả. Nhất, ư chúng sanh khởi đại từ, vô tổn hại tâm. Nhị, ư chúng sanh khởi đại bi, vô bức não tâm. Tam, ư Phật pháp bất tích thân mạng, nhạo thủ hộ tâm.

  (鈔)寶積十心者。一、於眾生起大慈,無損害心。二、於眾生起大悲,無逼惱心。三、於佛法不惜身命,樂守護心。

(Sao: “Mười tâm theo kinh Bảo Tích”: Một là dấy lòng đại từ đối với chúng sanh, chẳng có tâm tổn hại. Hai là dấy lòng đại bi đối với chúng sanh, chẳng có tâm bức não. Ba là đối với Phật pháp, chẳng tiếc thân mạng, tâm thích bảo vệ, gìn giữ).

 

  Từ đoạn này trở đi của sách Sớ Sao Diễn Nghĩa, [chúng ta] tiến nhập một bộ phận trọng yếu nhất trong toàn bộ bản kinh, chúng ta tu hành gần như dựa theo một đoạn lớn này. Phần sau của đoạn lớn này sẽ giảng về nhất tâm bất loạn. Đoạn chú giải này của Liên Trì đại sư chiếm hết một phần bảy toàn bộ Sớ Sao, nên nó là một bộ phận hết sức trọng yếu. “Bảo Tích thập tâm” [là mười loại tâm] được nói trong kinh Đại Bảo Tích.

(Diễn) Khởi đại từ vô tổn hại tâm giả, vị ư pháp giới chúng sanh, dữ tự tánh chúng sanh, hàm dục dữ Vô Thượng Bồ Đề Giác pháp lạc, Vô Thượng Niết Bàn tịch tĩnh lạc, thị vô tổn hại tâm.

(演)起大慈無損害心者,謂於法界眾生,與自性眾生,咸欲與無上菩提覺法樂,無上涅槃寂靜樂,是無損害心。

(Diễn: “Dấy lòng đại từ, chẳng có tâm tổn hại” nghĩa là đối với chúng sanh trong pháp giới và tự tánh chúng sanh, đều muốn cho họ được hưởng pháp lạc giác ngộ nơi Vô Thượng Bồ Đề, niềm vui tịch tĩnh nơi Vô Thượng Niết Bàn. Đấy là chẳng có tâm tổn hại).

 

  Xem từ lời chú giải, [sẽ thấy] tiêu chuẩn “đại từ vô tổn hại” là tiêu chuẩn tuyệt đối, chẳng phải là tiêu chuẩn thông thường. “Pháp giới chúng sanh” là nói tới người khác, “tự tánh chúng sanh” là nói tới chính mình. Nói cách khác, đối với chính mình và đối với người khác đều phải có Từ tâm, đều chớ nên tổn hại. Có lẽ chúng ta nghe nói như vậy bèn cảm thấy lạ lùng, người ta còn có thể tự hại chính mình ư? Há có kẻ nào ngu si dường ấy? Nói thật ra, kẻ tự hại chính mình quá đông, không chừng chính quý vị là một kẻ trong số đó. Do vậy, sau đó, Ngài đề ra một tiêu chuẩn tuyệt đối: Nếu chính quý vị là mê, chẳng giác, há chẳng phải là hại chính mình ư? Bản thân quý vị vẫn còn là phàm phu sanh tử trong lục đạo, tức là chính quý vị hại mình. Đại Niết Bàn bất sanh, bất diệt, [thế mà] chúng ta vẫn luân hồi trong lục đạo, tức là tự hại chính mình. Từ vô thỉ kiếp tới nay, đời đời kiếp kiếp chính mình tạo nghiệp chịu báo, há chẳng phải là tự hại chính mình ư? Ai chẳng hại chính mình? Thưa cùng quý vị, từ A La Hán trở lên, đã thật sự giác ngộ, sẽ chẳng hại chính mình. Lục đạo phàm phu và Quyền Giáo Bồ Tát quá nửa là hại người, hại mình, ai biết chân tướng sự thật này?

Nay chúng ta muốn đạt tới mục tiêu như vậy, hãy dùng Từ tâm giúp đỡ hết thảy chúng sanh, phải làm cho chúng sanh đắc Vô Thượng Bồ Đề, phải khiến cho chúng sanh vĩnh viễn thoát khỏi luân hồi, bất thoái thành Phật, chúng ta có thể làm được hay không? Nói thật thà, đối với chuyện này, Đẳng Giác Bồ Tát còn cảm thấy khó khăn, [vậy thì] chúng ta có thể làm được hay không? Thật ra, xác thực là chúng ta có thể làm được. Dùng phương pháp gì để thực hiện? Niệm một câu Di Đà đến cùng, chính mình có thể thật thà niệm Phật. Giáo huấn ở trong kinh điển. Vì vậy, tôi đặc biệt nhắc nhở các đồng tu, bắt đầu chỗ này, liên tiếp cho đến phần sau, nói chung là cả một đoạn kinh văn khá dài này, từng câu, từng chữ đều đáng cho chúng ta học tập. Tiêu chuẩn để bản thân chúng ta tu hành là: Dùng phương pháp Niệm Phật để cứu chính mình, dùng phương pháp Niệm Phật để cứu độ hết thảy chúng sanh. Vì lẽ đó, mười phương hết thảy chư Phật, chẳng có vị nào không tán thán, không tuyên dương pháp môn này. Đạo lý ở ngay chỗ này. Đấy mới là thật sự đại từ, thật sự chẳng tổn hại. Người thật thà niệm Phật thì mới có thể thành tựu. Nếu vừa niệm Phật, vừa dấy vọng tưởng; nói cách khác, vẫn chẳng tránh khỏi “tự hại, hại người!” Có rất nhiều đồng học than thở: “Niệm Phật công phu chẳng đắc lực”. [Đó là] chẳng khéo niệm Phật! Vì sao chẳng khéo niệm Phật? Có nguyên nhân cả đấy!

  Điều thứ hai là “ư chúng sanh khởi đại bi” (dấy lòng đại bi đối với chúng sanh), Từ là ban vui, Bi là dẹp khổ.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net