/ 289
436

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 216

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm hai mươi tám:

 

  (Sao) Chứng phước đức giả. Đại Phẩm Bát Nhã kinh vân: “Nhược nhân tán tâm niệm Phật, diệc đắc ly khổ, kỳ phước bất tận, huống định ý niệm”.

(鈔)證福德者。大品般若經云:若人散心念佛,亦得離苦,其福不盡,況定意念。

(Sao: “Chứng tỏ [trì danh] là phước đức”: Kinh Đại Phẩm Bát Nhã nói: “Nếu ai tán tâm niệm Phật  cũng  được  lìa  khổ, phước  ấy  bất

tận, huống hồ là ý an định mà niệm”).

 

  Đại sư lại dẫn kinh luận để chứng minh trì danh niệm Phật là nhiều thiện căn, nhiều phước đức. Do vậy, tu thiện căn và phước đức thì thật thà niệm Phật sẽ đều trọn đủ. Thông thường, kẻ chẳng thể thâm nhập kinh tạng, nghe những lời này, chưa chắc là đã có thể tin tưởng, cho nên mới phải trích dẫn kinh điển để chứng minh. Đoạn trên nhằm chứng minh [trì danh niệm Phật là] thiện căn, còn đoạn này nhằm chứng minh niệm Phật là tu phước. Trước hết, Tổ trích dẫn một đoạn trong kinh Đại Phẩm Bát Nhã. Sách Diễn Nghĩa có chú giải:

 

(Diễn) Tán tâm niệm Phật, thị trước thật ức trì, trước thật thể cứu. Vị nhập nhất tâm giả, phi như kim nhân toàn bất trước ý, đồ sự thần thiệt dã.

(演)散心念佛,是著實憶持,著實體究。未入一心者,非如今人全不著意,徒事唇舌也。

(Diễn: Tán tâm niệm Phật thật sự nghĩ nhớ, trì niệm, thật sự thấu hiểu, tham cứu; [nói tán tâm niệm Phật nghĩa là nói tới] người chưa đắc nhất tâm. Chẳng phải là như người hiện thời hoàn toàn chẳng dốc ý, chỉ niệm suông bằng miệng lưỡi mà thôi).

 

  Nói rõ “tán tâm niệm” là gì? Có thể nói “tán tâm niệm” là khá chuyên tâm, bất quá công phu chưa đạt đủ mức, chẳng có thành tựu. Đương nhiên là chúng ta phiền não tập khí rất nặng, tuyệt đối chẳng phải là trong một khoảng thời gian ngắn ngủi bèn có thể niệm đến mức nhất tâm bất loạn, hoặc là niệm đến mức công phu thành phiến, chẳng dễ dàng như vậy! Có những kẻ niệm Phật ba tháng hoặc nửa năm, cảm thấy vẫn chưa thể đắc nhất tâm, bèn bỏ ngay, chẳng niệm nữa! Hoặc nghe nói tông khác [thành tựu] nhanh chóng, liền đi học pháp khác. Học kiểu đó thì học suốt đời chẳng thành công. Nghiêm túc niệm, thật thà niệm, niệm đến nửa năm, quyết định là sẽ có tiến bộ, tiến bộ nhìn từ chỗ nào? Vọng niệm bớt đi; vẫn có vọng niệm, nhưng ít hơn trước kia. Trước kia hồ đồ, mông muội, nay thì chẳng quá mức hồ đồ, đầu óc sáng suốt đôi chút. Sự sáng suốt ấy chính là trí huệ, chính là sanh trí huệ, trí huệ tăng trưởng. Phiền não nhẹ bớt, trí huệ tăng trưởng, đó là hiệu quả rất tốt đẹp, là thành tựu do niệm Phật. Niệm tới đôi ba năm, vọng niệm càng ít hơn, công phu đắc lực, bèn có thể cảm nhận, có tín tâm đối với sự vãng sanh, nắm chắc vãng sanh, có thể niệm đến mức độ ấy. Đó là công phu rất tốt đẹp.

  Vì sao niệm Phật chẳng đắc lực? Quý vị chẳng chịu buông phiền não tập khí xuống, niệm Phật như vậy, chẳng dễ gì đắc lực! Nói cách khác, mỗi người phải thật sự giác ngộ, giác ngộ điều gì? Sanh tử là chuyện lớn, luân hồi đáng sợ, là nỗi kinh sợ thật sự. Quý vị phải có cái tâm cảnh giác ấy. Nói cách khác, suốt một đời này, thứ gì ta cũng đều chẳng cầu, ta mong cầu liễu sanh tử, vượt thoát luân hồi. Do phương pháp gì thì mới có thể thực hiện được? Chỉ có niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Do vậy, pháp sư Ấn Quang đã tự viết một câu để cảnh tỉnh người niệm Phật, chính Ngài là như vậy: “Suốt ngày từ sáng đến tối, dán một chữ Tử trên trán”. Trong phòng của tổ Ấn Quang có một tiểu Phật đường, thờ một bức tượng A Di Đà Phật, sau tượng A Di Đà Phật là một bức bình[1] nhỏ, viết một chữ Tử. Thường có tâm cảnh giác như vậy, công phu tự nhiên đắc lực.

  Tán tâm niệm Phật, “trước thật ức trì” là nghiêm túc niệm, “trước thật thể cứu”, Thể là thấu hiểu, Cứu là tham cứu, thật sự thấu hiểu, thật sự tham cứu, nhưng chưa đắc nhất tâm. Hễ chưa đắc nhất tâm thì đều gọi là “tán tâm”, quyết chẳng phải là giống như người hiện thời “miệng có, tâm không”. Niệm [suông ngoài miệng] như vậy, chẳng có tác dụng chi cả! Người niệm Phật trong tâm dấy tham, sân, si, mạn, bên ngoài bị cảnh giới dụ dỗ, mê hoặc, cổ đức bảo niệm Phật kiểu đó là “hét toạc cổ họng cũng uổng công”, chỉ có thể nói là “gieo thiện căn”, muốn vãng sanh ngay trong một đời này sẽ khá khó khăn!

Nguồn: www.niemphat.net

/ 289