/ 289
604

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 215


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm hai mươi lăm:


(Sao) Các hữu nhân duyên giả, thiện căn, phước đức, kỳ sở diêu lai, tùng hà phát tâm, quân danh viết nhân. Nhi thiện căn phát khởi, tất hữu chủng chủng thiện duyên vi trợ; phước đức phát khởi, tất hữu chủng chủng phước duyên vi trợ, thị các hữu kỳ duyên dã.

(鈔)各有因緣者,善根福德,其所繇來,從何發心,均名曰因。而善根發起,必有種種善緣為助;福德發起,必有種種福緣為助,是各有其緣也。

(Sao: “Mỗi điều đều có nhân duyên”: Nguồn cội của thiện căn và phước đức là do phát những tâm nào, [những tâm ấy] đều gọi là “nhân”. Nhưng để thiện căn phát khởi, ắt phải có các thứ thiện duyên giúp đỡ; để phước đức phát khởi, ắt phải có các thứ phước duyên giúp đỡ. Vì thế, mỗi điều [thiện căn hay phước đức] đều có duyên riêng của nó).


Ở đây, giải thích câu “các hữu nhân duyên” [trong lời Sớ]. Trong đoạn trước đã giảng rõ nhân duyên của thiện căn và phước đức tương đồng, đặc biệt là trong tông này, lấy trì danh làm thiện căn, và còn coi trì danh là phước đức. Đấy chính là thiện căn, phước đức, nhân duyên tương thông. Nhưng nếu nói tách rời thì cũng có lý, thiện căn có cái nhân của thiện căn, có cái duyên của thiện căn, phước đức cũng có nhân và duyên của phước đức, ở đây đã nói rất rõ ràng. Thiện căn là do phát tâm, chúng ta phát cái tâm như thế nào? Sau khi tâm đã phát khởi, nhất định là có các thứ duyên đến giúp đỡ quý vị thì mới có thể kết thành quả. Nếu chỉ phát tâm mà chẳng có duyên đến giúp đỡ, tâm ấy sẽ như không, chẳng có kết quả gì! Phước đức cũng giống như thế. Do vậy, phát khởi phước đức cũng cần phải có các thứ trợ duyên. Đó là nói “các hữu nhân duyên”.

Ví như quý vị phát tâm học Phật, phát tâm tu học Định Huệ, điều này thuộc về thiện căn. Tuy đã phát tâm, nếu chẳng gặp thiện tri thức, chẳng gặp đồng tham đạo hữu, rất khó đạt đến mục tiêu. Thiện hữu, đồng học, cũng như hoàn cảnh, đều là trợ duyên. Đối với chuyện tu phước lại càng rõ ràng: Ai nấy đều mong mỏi chính mình có phước báo, đối với phước cũng phải phát tâm. Trong hết thảy các kinh luận, đức Phật đã dạy: Bố thí là nhân duyên của hết thảy các phước. Chúng ta có của cải, có trí huệ, có sức khỏe, sống lâu. Đó là quả báo. Quả báo chẳng phải là bỗng dưng mà có, phải do sự tu tập, tích lũy trong đời quá khứ. Tu tập và tích lũy đương nhiên là có nhân và duyên. “Nhân” là quý vị phát tâm chịu tu; đó là nhân. Quý vị biết quả báo ấy là chân thật, quý vị chịu tu học. Nhân có thù thắng và kém cỏi, quý vị phát tâm có dũng mãnh hay tán loạn. Duyên cũng có thù thắng và kém cỏi. Quý vị gặp duyên thù thắng, quả báo sẽ đặc biệt tốt đẹp. Gặp duyên chẳng thù thắng, quả báo sẽ thua kém hơn. Do vậy, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian chẳng lìa nhân quả. Đức Phật giảng kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa đều chẳng lìa nhân quả, chúng ta nhất định phải biết điều này. Tục ngữ Trung Hoa thường nói: “Nhất ẩm, nhất trác, mạc phi tiền định” (Một hớp uống, một miếng ăn, không gì chẳng phải là đã định sẵn). “Tiền định” thì là ai định? Do chính mình định, chẳng phải do ai khác định đoạt! Trong quá khứ, chính mình đã tu cái nhân gì, đời này đạt được quả báo gì; đời này tu nhân gì, đời sau sẽ đạt quả báo gì, chẳng thể sai sót chút nào! Dẫu là trong chiến tranh, cũng chẳng có một ai bị chết oan uổng. Vì thế, người thật sự hiểu rõ đạo lý này, xác thực là trong thế gian, bất luận là cá nhân, gia đình, quốc gia, cho đến toàn thể thế giới, đều có vận số nhất định. Vận số nhất định thì có thể chuyển hay không? Có thể chuyển. Dựa vào đâu để có thể chuyển? Nói thật thà, chẳng phải là chuyển nơi nhân, nhân chẳng thể chuyển! Then chốt để chuyển là duyên, [tức là duyên] trong nhân, duyên, quả. Phật pháp thường nói “duyên sanh luận”, chỉ cần quý vị có thể nắm vững duyên là có thể chuyển.

Quý vị đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, [sẽ thấy] tiên sinh Viên Liễu Phàm tự mình xoay chuyển vận mạng cả một đời. Chuyển từ nơi đâu? Chuyển từ duyên, chẳng phải là chuyển nơi nhân. Nếu chúng ta có thể nắm vững duyên này, nói cách khác, hết thảy quả báo đích xác là do chính tay ta thao túng. Mỗi chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, chủng tử trong A Lại Da Thức là nhân, chủng tử của mười pháp giới thảy đều trọn đủ. Nói cách khác, trong A Lại Da Thức của quý vị, có cái nhân thành Phật, có cái nhân làm Bồ Tát, có cái nhân làm Thanh Văn, Duyên Giác, có cái nhân sanh thiên, có cái nhân đọa A Tỳ địa ngục, chủng tử của mười pháp giới thảy đều có. Nay tôi phải hỏi quý vị, trong một đời này, chúng ta mong đạt kết quả như thế nào, đó là điều chúng ta hy vọng, hãy nương theo hy vọng ấy để tranh thủ cái duyên [của kết quả] ấy. Ví như ta mong thành Phật, nếu mong tưởng thành Phật thì do nhân duyên của mười pháp giới thảy đều có, ta có cái nhân thành Phật, đương nhiên là ta có thể thành Phật, cái có thể nắm chắc là duyên. Ta chuyên tu cái duyên thành Phật, duyên của chín pháp giới kia ta đều chẳng tu, ta chuyên tu một điều này, trong một đời này, nhất định sẽ thành công. Ngay cả thành Phật là chuyện khó nhất mà còn có thể làm được trong một đời này, huống gì những điều khác! Đúng như cổ nhân thường nói: “Trong cửa nhà Phật, có cầu ắt ứng”. Chẳng có gì không cầu được, then chốt là quý vị có hiểu rất rõ nhân, duyên và quả hay không? Đạo lý rất rõ ràng, quý vị có thể thật sự nắm vững sự thật, chắc chắn là sẽ có thể thành tựu, cầu điều gì bèn đạt được điều đó.

/ 289