438

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 214

 

  Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm hai mươi ba:

 

  (Sao) Hựu Hải Đông Sớ dẫn Bồ Tát Tâm Địa Phẩm vân: “Chư Bồ Tát sơ phát tâm, năng nhiếp nhất thiết Bồ Đề phần pháp, thù thắng thiện căn”.

(鈔)又海東疏引菩薩心地品云:諸菩薩初發心,能攝一切菩提分法,殊勝善根。

(Sao: Hải Đông Sớ lại dẫn phẩm Bồ Tát Tâm Địa[1] như sau: “Các vị Bồ Tát sơ phát tâm, có thể nhiếp hết thảy các pháp thuộc về Bồ Đề, thiện căn thù thắng”).

 

  Trong đoạn này, Ngài dẫn ba tác phẩm, chúng ta xem trước phần này. Hải Đông là một vị pháp sư Đại Hàn sống vào đời Đường, tức là pháp sư Nguyên Hiểu (Wonhyo). Ngài sang Trung Hoa du học, từng thân cận Thiện Đạo đại sư và Thiên Thai Trí Giả đại sư. Sau khi quay về nước, hoằng dương Phật pháp, nhất là Tịnh Độ Tông, Ngài có chú giải kinh Vô Lượng Thọ. Sớ (疏) là chú giải, trong chú giải đã trích dẫn một đoạn kinh văn từ Bồ Tát Tâm Địa Phẩm. Đoạn kinh văn này chứng minh Bồ Đề là thiện căn.

  “Chư Bồ Tát sơ phát tâm, năng nhiếp nhất thiết Bồ Đề phần pháp” (Các vị Bồ Tát sơ phát tâm có thể nhiếp hết thảy các pháp thuộc về Bồ Đề), trong phần trước đã nói tới năm loại Bồ Đề. Cổ đức thường nói: “Sơ phát tâm thành Phật có thừa”. Vì cái tâm thuở sơ phát tâm là chân tâm, lâu ngày chầy tháng về sau, tâm từ từ bị biến chất, tâm chẳng còn chân thật nữa! Sơ phát tâm là chân tâm, hết sức đáng quý. Đó chính là “thù thắng thiện căn”. Do vậy có thể biết, chúng ta có thể giữ gìn vĩnh cửu sơ tâm thì thành Phật chẳng cần phải mất ba đại A-tăng-kỳ kiếp. “Có thể gìn giữ” có nghĩa là chẳng thoái chuyển! Do chẳng thể gìn giữ, nên mới bị thoái chuyển. Hễ thoái chuyển, thời gian [để tu thành Phật] sẽ dài lâu. Vì sao bị thoái chuyển? Phát tâm chẳng khó, hào hứng một chốc, quý vị liền phát tâm. Sau khi đã phát, do thời gian tu hành rất dài, những hoàn cảnh gặp gỡ cũng khác nhau. Thuận cảnh, nghịch cảnh trồi sụt chẳng nhất định, nên thường bị ngã lòng! Chắc chắn là bị ngã lòng, chẳng có gì kỳ lạ cả! Từ xưa tới nay, một vạn người phát tâm có đến cả vạn ngã lòng! Chẳng ngã lòng thì họ đã thành Phật rồi! Do đó, chắc chắn là bị ngã lòng, hy vọng quý vị ngã lòng ít một chút thì khá lắm rồi! Đừng nên thoái chuyển trên một mức độ lớn, có thể thoái thất với một mức độ ít hơn, đã là hết sức khó, đáng quý lắm.

  Làm thế nào để giữ vững, chẳng bị thoái chuyển? Nhất định là phải tu học đúng lý, đúng theo lời dạy, sẽ chẳng bị thoái chuyển. Học Phật, nói thật ra, khó có nhất là phải có pháp hỷ. Nếu trong quá trình tu học, người nào đạt được pháp hỷ, sẽ cảm thấy rất vui sướng, chẳng bị thoái chuyển quá dễ dàng. Nếu học thứ gì [mà cảm thấy] học khô khan, vô vị, càng học càng khó khăn, tự nhiên là sẽ bị thoái chuyển. Phải học sao cho có pháp hỷ. Nói thật ra, đây cũng chẳng phải là chuyện dễ dàng. Có pháp hỷ, sẽ nhất định có tiến bộ, thật sự có niềm vui, có tiến bộ trong ấy. Nếu gìn giữ sự tinh tấn lâu dài, thường sanh pháp hỷ, nói thật ra, công phu tu học đi vào nề nếp. Nếu chúng ta chẳng có tiến bộ, chẳng đạt được pháp hỷ, tự mình phải nghiêm túc kiểm điểm, trong ấy nhất định là có duyên cớ, nhất định phải tìm ra nguyên nhân, sau đấy tiêu trừ nó thì mới được!

Nói thật ra, pháp thế gian cũng  rất  coi  trọng  chuyện  này. Trong

chương đầu tiên của Luận Ngữ, Khổng lão phu tử đã nói rõ ràng chuyện này: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ!” (Học rồi tu tập, há cũng chẳng vui sao). “Duyệt” (悅) là pháp hỷ. Cổ nhân đọc sách là hưởng thụ, đọc sách vui sướng thay! Người hiện thời đọc sách khổ sở ngần ấy, [cảm thấy] là chuyện khổ sai! Trước kia, đọc sách là chuyện vui sướng, vì sao? Đọc sách sẽ hiểu lý. Đối với vũ trụ, nhân sinh, quá khứ, vị lai, [do đọc sách] họ đều hiểu. Không chỉ là hiểu rõ, mà còn biến những điều đã đọc thành tư tưởng, kiến giải và hành vi trong cuộc sống của chính mình, đương nhiên là họ vui sướng. Phật pháp cũng giống như vậy, những kinh luận chúng ta đã tu học thảy đều biến thành hành vi trong cuộc sống thực tế của chính mình. Điều này cũng rất vui sướng, nên mới có pháp hỷ. [Nếu tu hành mà] kinh điển là kinh điển, cuộc sống là cuộc sống, về căn bản chẳng ăn nhập gì với nhau, làm sao có thể sanh ra pháp hỷ cho được? Chẳng thể nào! Vì thế, học Phật pháp thì nhất định tiêu hóa nó. Nói “tiêu hóa” nghĩa là biến nó thành quan niệm, kiến giải, và hành vi trong cuộc sống của chính mình. “Hóa” là biến hóa, điều này rất trọng yếu.

Nguồn: www.niemphat.net">www.niemphat.net">www.niemphat.net