/ 289
427

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 213


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm hai mươi hai:


(Sao) Thiện trung thiện giả. Tự hữu ngũ nghĩa, dĩ cụ Trí Luận ngũ Bồ Đề tâm cố.

(鈔)善中善者,自有五義,以具智論五菩提心故。

(Sao: Điều lành nhất trong các điều lành, tự có năm nghĩa, do đầy đủ năm thứ tâm Bồ Đề như Đại Trí Độ Luận đã nói).


Nói rõ điều lành nhất trong các điều lành có năm ý nghĩa, năm ý nghĩa ấy do đâu mà có? Đó là năm thứ Bồ Đề tâm được nói trong Đại Trí Độ Luận, đó là điều lành nhất trong các điều lành. Bồ Đề (Bodhi) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là giác ngộ. Bồ Đề tâm là tâm giác ngộ. Nói cách khác, đối với hết thảy sự lý thuộc về vũ trụ, nhân sinh, hiện tại, vị lai, đều có thể thấy rất rõ ràng, rất minh bạch, chẳng mê hoặc thì gọi là Bồ Đề tâm. Vì sao có năm loại? Đó là nói theo thứ tự sâu hay cạn khác biệt. Có những người có tầm nhìn rất xa, đương nhiên sẽ xử lý sự vụ khá thích đáng, chẳng phạm sai lầm. Dưới đây là [những ý] trích từ Trí Độ Luận giảng về năm loại Bồ Đề tâm.


(Sao) Nhất, phát tâm Bồ Đề, vị ư vô lượng sanh tử trung, phát đại Bồ Đề tâm dã, nhi trì danh, chánh ư phàm phu sanh tử tâm trung, khởi Đại Giác cố. Nhị, phục tâm Bồ Đề, vị đoạn chư phiền não, hàng phục kỳ tâm dã, nhi trì danh, tắc chánh niệm tài chương, phiền não tự diệt cố.

(鈔)一、發心菩提,謂於無量生死中,發大菩提心也。而持名,正於凡夫生死心中,起大覺故。二、伏心菩提。謂斷諸煩惱,降伏其心也。而持名,則正念纔彰,煩惱自滅故。

(Sao: Một là phát tâm Bồ Đề, nghĩa là trong vô lượng sanh tử, phát đại Bồ Đề tâm, mà trì danh chính là từ trong cái tâm sanh tử phàm phu, dấy lên Đại Giác. Hai là phục tâm Bồ Đề, nghĩa là đoạn các phiền não, hàng phục cái tâm này, nhưng trì danh thì chánh niệm mới vừa tỏ lộ, phiền não tự diệt).

Trong phần trước, đã giới thiệu hai đoạn này. Chúng ta xem đoạn thứ ba.


(Sao) Tam, minh tâm Bồ Đề, vị liễu đạt chư pháp Thật Tướng dã.

(鈔)三、明心菩提,謂了達諸法實相也。

(Sao: Ba là minh tâm Bồ Đề, ý nói “liễu đạt Thật Tướng của các pháp”).


“Liễu” (了) là hiểu rõ, “đạt” (達) là thông đạt, “chư pháp” là nói hết thảy các pháp thế gian cho đến hết thảy các pháp xuất thế gian. Hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều hiểu rõ, đều thông đạt, biết chân tướng của hết thảy các pháp. Nếu nhân vật lãnh đạo của mỗi quốc gia trong thế gian này đều có thể có hiểu rõ tâm Bồ Đề, thế giới này sẽ chẳng loạn như thế. Nay chúng ta thấy chiến tranh tại Y Lạp Khắc (Iraq), hãy lắng lòng quan sát, rất có thể sẽ là mở màn cho cuộc đại chiến thế giới lần thứ ba. Đây đều là do mê hoặc, điên đảo, do có cách nghĩ, cách nhìn chắc chắn là sai lầm đối với chân tướng của hết thảy các pháp, nên mới có thể dẫn khởi đại tai nạn ấy. Đương nhiên là chẳng có ai mong phát động tai nạn này, mà cũng chẳng có ai muốn nhận lãnh tai nạn ấy. Đó là cộng nghiệp của chúng sanh, biết làm sao được!


(Sao) Nhi trì danh, chánh tức thử nhất tâm, minh liễu nhất thiết chư pháp Thật Tướng cố.

(鈔)而持名,正即此一心,明了一切諸法實相故。

(Sao: Nhưng trì danh chính là cái tâm này, do hiểu rõ Thật Tướng của hết thảy các pháp).


Nay chúng ta chỉ có một con đường để có thể đi theo: Nhất tâm nhất ý thật thà niệm Phật, chắc chắn sẽ có lợi cho bản thân chúng ta.


(Sao) Tứ, xuất đáo Bồ Đề.

(鈔)四、出到菩提。

(Sao: Bốn là xuất đáo Bồ Đề).


Cảnh giới này càng cao hơn.

(Sao) Vị đắc Vô Sanh Nhẫn, xuất tam giới, đáo Tát Bà Nhã dã.

(鈔) 謂得無生忍,出三界,到薩婆若也。

(Sao: Nghĩa là đắc Vô Sanh Nhẫn, thoát khỏi thế giới, đạt đến Tát Bà Nhã).


“Xuất” (出) là vĩnh viễn vượt khỏi tam giới, lục đạo luân hồi. “Tát Bà Nhã” (Sarvajñaḥ) là tiếng Phạn, dịch sang nghĩa tiếng Hán là Nhất Thiết Chủng Trí, là trí huệ nơi quả địa Như Lai. “Đáo Tát Bà Nhã” là chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, đó là “đáo đạt” (到達: đạt đến).


(Sao) Nhi trì danh, tức đắc nhất, nhị, tam nhẫn.

(鈔)而持名,即得一二三忍。

(Sao: Nhưng do trì danh bèn đắc một thứ nhẫn, hai thứ nhẫn, hoặc ba thứ nhẫn).


Câu “nhất, nhị, tam nhẫn” phát xuất từ kinh Vô Lượng Thọ, đó là chứng đắc của bậc Sơ Địa Bồ Tát trong Viên Giáo trở lên.

/ 289