/ 289
558

A DI ĐÀ KINH SỚ SAO DIỄN NGHĨA

Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không

Tập 212


Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang bốn trăm hai mươi mốt:


(Sao) Thiện căn giả, Quán Kinh, tắc như thượng đệ tam phước phát Bồ Đề tâm, Đại Bổn, tắc tam bối vãng sanh, giai ngôn phát Bồ Đề tâm. Cứ thử, tắc phát phàm phu tâm, thị vị vô thiện căn. Phát Thanh Văn tâm, bất phát Bồ Đề tâm giả, thị vị thiểu thiện căn dã.

(鈔)善根者,觀經,則如上第三福發菩提心;大本,則三輩往生,皆言發菩提心。據此,則發凡夫心,是謂無善根;發聲聞心,不發菩提心者,是謂少善根也。

(Sao: Thiện căn: Theo Quán Kinh thì là “phát Bồ Đề tâm” trong phước thứ ba. Theo Đại Bổn thì đối với ba bậc vãng sanh đều nói là “phát Bồ Đề tâm”. Dựa theo đó, hễ phát khởi cái tâm phàm phu sẽ gọi là “chẳng có thiện căn”. Phát tâm Thanh Văn, chẳng phát tâm Bồ Đề, sẽ được gọi là “ít thiện căn”).


Trong phần giải thích, trước hết là để giải thích “thiện căn”, sách Diễn Nghĩa bèn trích dẫn kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật và kinh Vô Lượng Thọ. Đại Bổn là kinh Vô Lượng Thọ. Nói theo hai bộ kinh ấy. Đối với ba phước trong Quán Kinh, câu đầu tiên trong phước thứ ba là “phát Bồ Đề tâm”. Theo kinh Vô Lượng Thọ, ba bậc vãng sanh đều là “phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”. Căn cứ trên những điều đã nói trong hai bộ kinh, phát Bồ Đề tâm là thiện căn thật sự. “Phát phàm phu tâm” là chẳng có thiện căn. Phát phàm phu tâm là gì vậy?


(Diễn) Phát phàm phu tâm giả, tu Ngũ Giới, Thập Thiện, cầu sanh nhân đạo thiên trung đẳng, thị vị “vô thiện căn” giả.

(演)發凡夫心者,修五戒十善求生人道天中等,是謂無善根者。

(Diễn: Phát phàm phu tâm là tu Ngũ Giới, Thập Thiện, cầu sanh trong nhân gian hoặc cõi trời, sẽ được gọi là “chẳng có thiện căn”).


Cầu mong sẽ được sanh vào nhân gian hay cõi trời, bèn gọi là “chẳng có thiện căn”.


(Diễn) Dĩ Thập Thiện đẳng, thị tam giới hữu lậu nhân quả, bất xuất luân hồi cố.

(演)以十善等,是三界有漏因果,不出輪迴故。

(Diễn: Do Thập Thiện v.v… là nhân quả hữu lậu trong tam giới, chẳng thoát khỏi luân hồi).


Ngàn vạn phần chúng ta đừng xem thường điều này. Vì sao? Hãy rất lắng lòng, rất chú tâm phản tỉnh đôi chút, [xét thử xem] nay chúng ta đang phát cái tâm gì vậy? Vì sao người niệm Phật đông đảo, kẻ vãng sanh ít ỏi? Nói thật ra, rất nhiều kẻ niệm Phật đã phát khởi cái tâm phàm phu, chẳng hề phát Bồ Đề tâm. Tuy mỗi ngày đều niệm kệ hồi hướng: “Nguyện sanh Tây Phương tịnh độ trung” (Nguyện sanh về cõi Tịnh Độ nơi phương Tây). Đó là phát tâm ngoài môi mép, trong lòng chẳng thật sự mong vãng sanh. Bởi lẽ, Bồ Đề tâm ngoài cửa miệng vô dụng! Phải thật sự phát tâm nguyện sanh về Tây Phương, đó mới là Vô Thượng Bồ Đề tâm. Không chỉ là Bồ Đề tâm, mà còn là Vô Thượng Bồ Đề tâm. Tâm ấy rất khó phát, vì sao? Người thật sự phát Bồ Đề tâm, đầu óc tuyệt đối chẳng có thị phi, nhân ngã, thảy đều đoạn sạch, nhất tâm nhất ý nghĩ tưởng Tây Phương Cực Lạc thế giới. Không khởi tâm động niệm thì thôi, hễ khởi tâm động niệm đều nghĩ tưởng y báo và chánh báo trang nghiêm trong thế giới Tây Phương, đều nghĩ tới các thứ công đức tu hành của A Di Đà Phật từ thuở tu nhân mãi cho đến khi Ngài đã thành Phật, độ chúng sanh. Người ấy nghĩ những chuyện này. Làm sao người ấy có thể suy nghĩ chuyện thị phi, nhân ngã trong thế gian này cho được? Làm sao có thể nghĩ đến chuyện lợi hại, được mất cho được? Chẳng thể nào có những ý niệm ấy! Nếu còn có những ý niệm ấy, chư vị phải biết: [Đó chính là] chẳng có Bồ Đề tâm, đã phát lên cái tâm phàm phu. Dẫu suốt một đời này niệm Phật rất siêng năng, mỗi ngày niệm mười vạn câu Phật hiệu, cũng chẳng thể vãng sanh! [Chỉ là] kết mối thiện duyên cùng A Di Đà Phật, đợi đến đời nào đó, kiếp nào đó lại gặp gỡ, quý vị thật sự phát Bồ Đề tâm bèn có thể vãng sanh. Chẳng phải là thật sự phát Bồ Đề tâm, chắc chắn chẳng thể vãng sanh. Chúng ta nhất định phải nhớ kỹ: Pháp môn chẳng sai lầm, kinh giáo cũng chẳng có sai lầm. Sai lầm ở ngay nơi bản thân chúng ta, chúng ta chẳng làm theo!

Nay chúng ta khởi tâm động niệm, không chỉ là nhân quả hữu lậu trong tam giới, mà nói thật thà, chúng ta động niệm, ác niệm nhiều, thiện niệm ít, luôn cảm thấy kẻ khác có lỗi với ta, luôn cảm thấy xã hội có lỗi với ta, quan niệm ấy chính là cái nhân của tam đồ. Hằng ngày tạo tác cái nhân tam đồ, há có thể nào chẳng hứng chịu quả báo trong tam ác đạo ư? Ngũ Giới, Thập Thiện, nói theo kiểu người Hoa sẽ là “luân thường, đạo đức”. Niệm niệm đều là luân thường, đạo đức, đó là cái nhân của cõi trời, người. Niệm nào cũng là tham, sân, si, mạn, đúng, sai, ta, người; đó là cái nhân của ngạ quỷ, súc sanh, địa ngục. Hằng ngày chúng ta tạo những nhân ấy, nhất tâm niệm Phật mong sanh về Tịnh Độ, sẽ là chuyện chẳng thể nào xảy ra được!

/ 289